Không quá khi nói rằng, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu đang là một vấn nạn, gây ảnh hưởng xấu đến nền sản xuất hàng hóa trong nước, làm rối loạn thị trường, gây thiệt hại kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ðáng buồn hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng đang ngày một giảm đi và gần như chấp nhận “sống chung” với vấn nạn này. Trong khi đó, dù các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều chế tài để xử lý các hành vi này nhưng dường như luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Một vụ vận chuyển hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng triệt phá.
Nhiều diễn biến phức tạp
Dịp cuối năm là thời gian các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái tập trung vận chuyển, sản xuất hàng hóa để tiêu thụ. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (Vatap) cho rằng, nạn sản xuất, kinh doanh và buôn bán hàng lậu, hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp. Các mặt hàng bị làm giả cũng đa dạng từ rẻ tiền đến cao cấp, thậm chí cả những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như mỹ phẩm, đồ ăn, thuốc uống cũng bị làm giả rất nhiều... Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 10/2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện gần 120.000 lượt kiểm tra (tăng khoảng 10.000 lượt so với cùng kỳ năm 2013), trong đó đã xử lý gần 64.000 vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ; trị giá hàng tịch thu chưa bán khoảng 140 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy khoảng 40 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2013. Riêng tại Hà Nội, theo đánh giá của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội, việc buôn bán, vận chuyển hàng ngoại nhập lậu tại các tụ điểm trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn và có nhiều diễn biến phức tạp. Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện đã hình thành những “kho tập trung” như xã Ninh Hiệp, ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, sân bay Nội Bài, chợ Hà Vĩ...
Còn theo nhận định của lực lượng quản lý thị trường, do công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố rất mạnh nên tình hình buôn lậu sẽ trở nên phức tạp, thủ đoạn phạm tội sẽ được biến thể từ loại này sang loại khác, từ buôn lậu trắng trợn chuyển sang gian lận thương mại, trốn thuế... Nguồn hàng giả được các đối tượng trong nước đặt sản xuất từ Trung Quốc sau đó nhập lậu nguyên thành phẩm giả hoặc nhập khẩu dạng bán thành phẩm về lắp ráp, dán tem, nhãn giả rồi tung ra thị trường tiêu thụ. Số hàng giả, hàng nhái trên cũng không nằm ngoài “quỹ đạo di chuyển” của hàng lậu khi cũng được đưa về vùng giáp ranh Hà Nội tập kết, sau đó xé lẻ về Hà Nội tiêu thụ hoặc chuyển đi các địa phương khác.

Trong năm 2014, cơ quan chức năng đã tịch thu được rất nhiều hàng giả, hàng nhái.
Luật chưa thực sự đi vào cuộc sống
Thực tế hiện nay cho thấy, hàng giả, hàng nhái trên thị trường gồm đủ loại, từ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, các mặt hàng tiêu dùng: mỳ chính, bột giặt, bánh kẹo, đồ gia dụng... đến các sản phẩm văn hóa như: đĩa nhạc, sách. Có sản phẩm nhập lậu từ nước ngoài, có sản phẩm do chính các cơ sở trong nước làm giả, làm nhái, thậm chí tư thương còn thuê người nước ngoài làm giả các thương hiệu uy tín trong nước rồi mua chuộc cán bộ tuồn qua biên giới. Góp phần để hàng nhái, hàng giả có đất sống có nguyên nhân tại chính người tiêu dùng, không ít người, dù biết món đồ đó là giả thương hiệu nổi tiếng nhưng họ vẫn mua. Người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa có thói quen tẩy chay hàng giả, hàng nhái. Ở góc độ pháp lý, chúng ta không đưa vào luật điều khoản xử phạt nếu người tiêu dùng biết hàng giả mà vẫn mua và không tố cáo nếu mua phải hàng giả là đồng lõa nên đã tạo thêm cơ hội cho hàng giả, hàng nhái tồn tại. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinatas chia sẻ, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong nhận thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ chỗ ít được biết tới, nay 8 quyền của người tiêu dùng do Liên hợp quốc phê chuẩn đã được cụ thể hóa trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể đó là: Quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được lắng nghe, quyền được thỏa mãn nhu cầu cơ bản, quyền được bồi thường, quyền được giáo dục, quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, Luật và công tác bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự đi sâu vào cuộc sống bởi lẽ chính đối tượng cần được bảo vệ - người tiêu dùng lại thờ ơ với quyền lợi của mình.
Một vấn đề nữa là tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn ra tràn lan từ nhiều năm nay còn có lỗi của chính các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Khi cơ quan chức năng phát hiện trên thị trường có hàng giả, doanh nghiệp không muốn ra mặt, nhất là các mặt hàng tiêu dùng có nhiều đơn vị cùng sản xuất. Thậm chí có người mua phải sản phẩm nghi là giả khiếu nại lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng khi luật sư của hội đến làm việc thì doanh nghiệp không hợp tác, không cung cấp thông tin. Khi cơ quan chức năng tổ chức triển lãm hàng nhái, hàng giả, họ tham gia một cách miễn cưỡng. Nguyên nhân của những hành động này, có thể thấy một số doanh nghiệp sợ làm to chuyện, người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm nên âm thầm chịu đựng và chấp nhận sống chung với hàng giả, hàng nhái, chấp nhận giảm thị phần còn hơn uy tín thương hiệu giảm sút. Mặt khác, họ biết các thủ tục hành chính để xử lý đơn vị làm giả và bán hàng giả rất nhiêu khê phức tạp. Họ phải tự chứng minh sản phẩm của mình bị làm giả như thế nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu, tiêu thụ thế nào... nếu không sẽ bị mắc tội vu khống. Mặt khác, việc làm giả không chỉ diễn ra ở một nơi mà tại nhiều địa phương khác nhau nên không thể kiểm soát được.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, việc thực thi pháp luật trong phòng chống vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng lậu của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Bên cạnh đó, niềm tin vào pháp luật của người dân, doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế. Để các chế tài, luật bảo vệ người tiêu dùng đi sâu vào đời sống, thực sự phát huy hiệu quả, trước mắt người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức tự giác của mình; các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu được dự báo sẽ rất “nóng” với những diễn biến phức tạp cần được người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng chung tay phối hợp giải quyết triệt để vì mục tiêu tối thượng: “quyền lợi của người tiêu dùng”.
Hải Phong