Trao đổi với báo chí ngày 19/11 liên quan đến Luật Dược (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Luật Dược (sửa đổi) sẽ khắc phục, hạn chế được nhiều bất cập của Luật cũ và thích ứng với tình hình mới, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thuốc tốt, giá hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí. Ảnh: Hoàng Long
PV: Hiện đang có thực trạng cùng loại thuốc nhưng có nhiều loại giá khác nhau. Xin Bộ trưởng cho biết, Luật Dược (sửa đổi) có làm khắc phục thực trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc quản lý giá rất công khai, minh bạch và thực hiện theo các luật hiện hành là Luật Giá, Luật Đấu thầu và thực hiện theo Nghị định hướng dẫn về đấu thầu thuốc mà Chính phủ đã ban hành. Theo đó, việc đấu thầu thuốc sẽ có một số nội dung chính sửa đổi là ưu tiên cho thuốc gốc, thuốc nội; sẽ đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia và có một số thuốc tập trung ở cấp tỉnh thông qua việc ban hành danh mục thuốc tập trung đấu thầu cấp quốc gia, thuốc có hình thức mới là đàm phán giá và danh mục sản xuất trong nước, đồng thời có những thuốc phân quyền để đấu thầu tập trung ở địa phương.
Về cơ quan quản lý giá, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá. Tuy nhiên, phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để thực hiện đúng Luật Đấu thầu và Luật Giá. Theo đó, thay vì sử dụng tuân theo luật phải kê khai niêm yết giá mà mặt bằng giá ngang với các nước có cùng trình độ y tế, kinh tế tương đương không khả thi, chúng ta phải tuân theo hai hình thức, một là theo thị trường, thứ hai là quản lý giá một cách công khai, minh bạch với thuốc do ngân sách nhà nước cấp. Hình thức này sẽ công khai, minh bạch, tập hợp được để bảo đảm cung ứng đủ chất lượng và giá cả chấp nhận được, đồng thời nó hội nhập với các quy định hiện nay của các nước về quy trình quản lý giá và đấu thầu thuốc. Mà chúng ta phải tuân theo hai hình thức, một là theo thị trường; hai là quản lý giá một cách công khai, minh bạch với thuốc do ngân sách nhà nước cấp, ví dụ thuốc chi trả từ Quỹ BHYT và các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như thuốc phòng chống dịch.
Như vậy sẽ khắc phục được cơ bản chênh lệch giá quá lớn giữa các địa phương, sẽ không có tình trạng kê khai giá một cách cao quá mức. Hình thức này sẽ công khai, minh bạch, tập hợp được để bảo đảm cung ứng đủ, đảm bảo chất lượng, giá cả chấp nhận được và hội nhập với các quy định hiện nay của các nước về quy trình quản lý giá và đấu thầu thuốc.
PV: Chất lượng thuốc nhập khẩu cũng là vấn đề được người dân quan tâm, vậy Luật Dược (sửa đổi) có đề cập đến việc kiểm soát vấn đề này không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thực ra trong Luật Dược hiện hành, một số doanh nghiệp ở các nước mà chúng ta thấy chất lượng thuốc cần kiểm soát thì Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, thẩm định các cơ sở sản xuất khi họ đăng ký hồ sơ để nhập khẩu thuốc. Tuy nhiên, trên thực tế việc này vẫn gặp khó khăn, do đó trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) sẽ có quy định đối với thuốc nhập khẩu phải có kiểm tra cơ sở sản xuất ở nước ngoài, khi họ đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam để bảo đảm công bằng giữa nhà sản xuất trong nước và nhà sản xuất có thuốc nhập khẩu từ nước ngoài vào.
PV: Vậy còn thuốc sản xuất trong nước cũng như nguồn nguyên liệu làm thuốc trong nước, chúng ta sẽ có những chính sách gì để khuyến khích phát triển, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thay vì khuyến khích sản xuất nguồn nguyên liệu nói chung mà nhiều nước không làm được điều đó, nhất là các nước châu Âu phải nhập nguyên liệu thuốc từ Trung Quốc và Ấn Độ thì chúng ta tập trung phát triển thế mạnh là ưu tiên phát triển nguồn nguyên liệu từ dược liệu. Tiếp đến là khuyến khích thuốc chế biến từ nguồn dược liệu, thuốc y học cổ truyền và khuyến khích phát triển y học cổ truyền. Do đó, Luật Dược (sửa đổi) đã có chương riêng về dược liệu, thuốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền. Trong phần công nghiệp dược cũng có chính sách ưu đãi, cụ thể hơn ưu tiên phát triển công nghiệp dược trong nước...
PV: Theo Bộ trưởng, người dân sẽ được lợi gì khi Luật Dược (sửa đổi) được thông qua?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Khi Luật Dược được sửa đổi và ban hành thì nó phải khắc phục, hạn chế được luật cũ và thích ứng với tình hình mới. Đối với doanh nghiệp thì một số thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh, buôn bán... sẽ được đơn giản hóa. Còn người dân sẽ được tiếp cận với thuốc mới, thuốc tốt dễ dàng hơn với giá cả hợp lý hơn và chất lượng cũng sẽ tốt hơn. Thuốc sử dụng trong khám, chữa bệnh cũng được quản lý chặt chẽ hơn để tránh kháng thuốc, tránh lạm dụng thuốc. Bên cạnh đó, công nghiệp dược, đặc biệt là dược liệu, nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu, thuốc Đông y sẽ được khuyến khích phát triển, nhất là thuốc nội.
Luật Dược sửa đổi cũng gắn với Luật Đấu thầu và Luật Giá để khuyến khích thuốc do Việt Nam sản xuất. Bộ Y tế cũng đã phát động chương trình Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Kết quả đấu thầu vừa qua tại các bệnh viện theo Thông tư 01 của liên Bộ Y tế - Tài chính được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo là tỷ lệ thuốc nội đã tăng gấp đôi, giá và chi phí bảo hiểm y tế cho thuốc đã giảm 30-35%. Sau một thời gian dài chúng ta tập trung cho việc này đã có kết quả.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành một loạt thông tư quản lý khá chặt chẽ giá thuốc, việc đấu thầu thuốc...
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Thái Bình (thực hiện)