Luật Dược sửa đổi: Sao lại cấm chồng chéo sang thực phẩm?

23-03-2016 11:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiệp hội TPCN VN kiến nghị Quốc hội cần xem xét lại quy định cấm ghi nhãn, thông tin, quảng cáo, tiếp thị về các sản phẩm không phải là thuốc trong Luật Dược sửa đổi.

Trong cuộc họp góp ý mới đây vào Dự thảo lần thứ 6, Luật Dược, có ý kiến đề xuất đưa thêm 1 nội dung vào Điều 7: Những hành vi bị nghiêm cấm: "Sử dụng cụm từ chữa bệnh, hỗ trợ điều trị, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể trong quảng cáo, thông tin, tiếp thị, ghi nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm không phải là thuốc".

Nhận thấy, thông tin này có thể làm ảnh hưởng đến việc quản lý ngành Dược và ngành Thực phẩm chức năng (TPCN), cũng như làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã có Công văn khẩn số 634/CV-VAFF gửi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật Dược (Sửa đổi) đang được trình Quốc hội.

Theo đó, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam kiến nghị, vấn đề thứ nhất, quảng cáo là một hình thức phát triển sản xuất, được thể hiện trong luật quảng cáo. Cần phân biệt quảng cáo đúng theo luật và quảng cáo sai, chỉ cấm quảng cáo sai mà thôi.

Thứ hai, Luật Dược, ngay ở điều 1 về phạm vi điều chỉnh đã ghi: “Luật này quy định các hoạt động liên quan đến Dược, bao gồm chính sách của Nhà nước về Dược; phát triển công nghiệp Dược; kinh doanh Dược; thông tin, quảng cáo Thuốc…”. Như vậy là phạm vi điều chỉnh hoàn toàn trong phạm vi Dược, tức là thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Tại sao phần cấm lại đề cập đến các sản phẩm không phải là thuốc. Các sản phẩm không phải là thuốc như thực phẩm, TPCN, nhiều sản phẩm khác có thể hỗ trợ cho điều trị rất tốt. Các sản phẩm khác không phải là thuốc đã có văn bản pháp luật khác điều chỉnh, ví dụ như Luật An toàn thực phẩm…

Do đó, Hiệp hội TPCN VN kiến nghị, không nên chồng chéo như vậy, gây rối loạn cho quản lý điều hành và khó cho việc thực hiện.

Thứ ba, lịch sử ngành y kể cả thế giới và Việt Nam, từ thời Hypocrat đến ngày nay đều thừa nhận sự ăn uống có tác dụng hỗ trợ điều trị, các sản phẩm thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị quan trọng. Ví dụ như điều trị đái tháo đường có 32 chế độ ăn với các thực phẩm thích hợp; điều trị huyết áp cao có các thực phẩm phải kiêng và thực phẩm nên ăn để hỗ trợ giảm huyết áp; điều trị bệnh gút cũng có thực phẩm hỗ trợ và thực phẩm phải kiêng (giàu purin)… Tóm lại, không có bệnh nào là không cần chế độ ăn uống với các thực phẩm thích hợp. Các sản phẩm thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể, phòng bệnh… là khẳng định của khoa học thế giới và Việt Nam, tại sao trong Luật Dược lại định cấm?

Thứ tư, trong thực phẩm có một loại thực phẩm ăn bổ sung vào bữa ăn truyền thống để bổ sung chống nạn đói vi chắt và bổ sung các chất thải loại độc tố, đó là TPCN. TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị, chữa bệnh, phòng ngừa nguy cơ gây bệnh , tăng cường sức khoẻ… đã được định nghĩa trong Luật An toàn thực phẩm và cả thế giới đã khẳng định. Mỹ, Nhật và nhiều nước đã có luật riêng về TPCN đã khẳng định TPCN hỗ trợ cho chữa bệnh, tăng cường chức năng sinh lý, có thể tăng cường sức khoẻ. Từ năm 2004-2015 cũng đã có 19 hội nghị quốc tế về TPCN với các chủ đề về tác dụng của TPCN với các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, béo phì, hội chứng chuyển hoá… Do đó, cần xem xét lại quy định cấm ghi nhãn, thông tin, quảng cáo, tiếp thị về vấn đề này trong Luật Dược sửa đổi vì đây là các sản phẩm hoàn toàn không phải là thuốc.

Hiệp hội TPCN VN kiến nghị Quốc hội xem xét thật khoa học về các nội dung của luật pháp để phù hợp với quốc tế khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, khi Việt Nam đã tham gia ASEAN, TPP… cũng như tránh mắc phải các sai lầm như Luật An toàn thực phẩm (có 22/28 định nghĩa chưa chuẩn)…, gây rối loạn, khó thực thi và kìm hãm phát triển.


HH
Ý kiến của bạn