Những quy định mới về phát triển năng lượng tái tạo
Quốc hội vừa thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/2/2025. Đây là dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đối với việc phát triển nguồn năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Một trong những nội dung mới trong Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi được bổ sung, đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh, qua đó thu hút các nguồn vốn chất lượng cao và công nghệ tiên tiến.
Cùng đó, luật quy định các cơ chế như tư nhân hóa lưới điện truyền tải, cũng như hợp đồng BOT cho LNG và điện gió ngoài khơi mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này không chỉ tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà còn đặt nền móng cho một hệ thống năng lượng ổn định, hiệu quả.
Ngoài ra, Luật Điện lực (sửa đổi) còn khuyến khích phát triển các hệ thống điện tự sản xuất và tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, mang lại tính linh hoạt và giảm áp lực lên lưới điện quốc gia. Việc cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng được quy định rõ ràng, nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành và kéo dài tuổi thọ công trình.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc sửa đổi Luật Điện lực trong bối cảnh đất nước đang "khát điện" được đánh giá là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để phát triển ngành điện.
Việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) mang ý nghĩa to lớn trong việc định hình lại thị trường điện lực Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững. Đây không chỉ là bước ngoặt về mặt pháp lý mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành năng lượng tái tạo và thị trường điện lực hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.
Luật khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay như thiếu quy định rõ ràng, để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; nhất là chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi,...
Do đó, với các quy định mới của Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn.
Lời giải cho bài toán thiếu điện
Đóng vai trò tối quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội song ngành điện đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó có những thách thức nghiêm trọng. Có thể kể đến nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng nhanh, từ 8 - 10% mỗi năm trong các năm tới, khiến nguy cơ thiếu điện có thể kéo dài trong ngắn - trung và dài hạn tới 2050.
Những bước tiến lớn trong phát triển năng lượng tái tạo đã giúp cải thiện một phần vấn đề thiếu điện, nhưng chưa đủ để bù đắp hoàn toàn. Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến cuối năm 2023 đã có 19.000MW điện mặt trời tập trung trong tổng công suất nguồn điện. Nguồn điện gió ngoài khơi có tiềm năng rất lớn, lên tới khoảng 600GW, nhưng chưa có dự án nào được triển khai.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) là bước đi quan trọng nhằm khai thông các điểm nghẽn, củng cố và hoàn thiện khung pháp lý tạo nền tảng vững chắc để phát triển ngành điện lực, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Trước khi sửa đổi, thị trường điện Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cạnh tranh, dẫn đến tình trạng độc quyền và thiếu sự minh bạch trong việc phân phối điện. Luật sửa đổi đã có những quy định rõ ràng về việc mở rộng và phát triển thị trường điện, đặc biệt là xây dựng các cơ chế cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia.
"Trong thời gian qua, sự phát triển của năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió) tại Việt Nam gặp không ít khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng và hiệu quả. Luật Điện lực (sửa đổi) đã tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, như xây dựng cơ chế giá hợp lý, hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc", vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, trước khi sửa đổi, việc quản lý giá điện còn gặp khó khăn, thiếu sự linh hoạt và chưa minh bạch. Điều này đôi khi dẫn đến sự không công bằng giữa các nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc dự báo và lập kế hoạch kinh doanh. Luật sửa đổi đã đưa ra các cơ chế quản lý giá điện linh hoạt hơn, giúp điều chỉnh giá điện phù hợp với cung - cầu thị trường.
Sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của ngành điện sẽ tăng lên. Và với Luật này, sẽ tạo cơ sở pháp lý khuyến khích và bảo hộ đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển điện lực, khi hoạt động đầu tư này phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện lực và phương án mạng lưới phát triển điện. Từ đó sẽ góp phần tạo ra thị trường điện lực cạnh tranh, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu cấp điện ngày càng cao trong quá trình phát triển kinh tế trong kỷ nguyên mới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chia lá gan của người đàn ông chết não cứu sống 2 bệnh nhân | SKĐS