Là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng của người lao động như mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, tăng mức hưởng BHXH một lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, chế độ hỗ trợ tử tuất, ốm đau bệnh tật...
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Luật BHXH năm 2014 gồm 9 chương, 125 điều (Luật BHXH năm 2006 gồm 11 chương, 141 điều), trong đó có nhiều nội dung bổ sung, sửa đổi phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, so với Luật BHXH cũ, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn đủ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Nhóm đối tượng thứ hai là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn bắt đầu tham gia từ ngày 1/1/2016. Đối tượng thứ ba là người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cũng sẽ tham gia đóng BHXH bắt đầu từ ngày 1/1/2018.
Thêm quy định mới về chế độ thai sản
Điều kiện hưởng chế độ thai sản ngoài các đối tượng đã quy định, Luật BHXH năm 2014 thêm đối tượng là “Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ” và “Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con”. Người lao động đủ điều kiện theo quy định khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Lao động nam được nghỉ 5 ngày làm việc khi vợ sinh con, 7 ngày nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi, trường hợp sinh đôi được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày, nếu vợ sinh đôi trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, theo ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), Luật BHXH sửa đổi còn hoàn thiện nhiều chính sách có lợi cho người lao động, nhất là việc tăng trợ cấp chế độ ốm đau, tử tuất... gồm: trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ bản tại thời điểm người lao động chết (Điều 66), nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa hưởng BHXH một lần thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (Điều 67), nếu chưa đủ 15 năm đóng thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp BHXH một lần (Điều 69 Luật BHXH).
Trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (thay cho mức hiện nay là 26 ngày). Với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, sẽ được nâng mức trợ cấp từ 45% hiện hành lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ngoài ra, còn tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau một ngày từ 25% lên 30% mức lương cơ sở.
Nhiều điểm mới có lợi cho người lao động khi về già
Về chế độ BHXH một lần trong Luật BHXH sửa đổi có nhiều điểm mới hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, có lợi cho người lao động về sau. Theo Luật BHXH mới này, diện người lao động được hưởng BHXH một lần sẽ được thu hẹp, số còn lại có đóng BHXH phải đợi đến tuổi hưu sẽ nhận được lương hưu. Trường hợp lao động không có thời gian làm việc liên tục sẽ bảo lưu thời gian đóng BHXH và tiếp tục đóng khi có việc mới.
Theo phân tích của ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lợi ích đầu tiên nhằm khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu hằng tháng khi về già, hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần.
Mặt khác, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.
Đồng thời, khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, bệnh tật.
Trường hợp không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (như tự tạo việc làm ở nhà) thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, khả năng cân đối ngân sách ở từng thời điểm, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, tạo điều kiện để họ có thể tích lũy thời gian đóng BHXH nhằm hưởng lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Nếu chưa tích lũy đủ thời gian hưởng lương hưu khi đến tuổi hưu, người lao động có thể đóng một lần số năm còn thiếu để ngay lập tức hưởng lương hưu. Trường hợp người lao động không tiếp tục tham gia lao động trong khu vực có quan hệ lao động, chuyển sang làm công việc tự tạo thì quy định mới cho phép họ có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Nguyễn Hoàng