Luân phiên cán bộ y tế là cách rèn y đức thiết thực

06-12-2013 10:50 | Tin nóng y tế

SKĐS - TS. Tăng Chí Thượng, PGĐ Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, luân phiên CBYT cũng là một cách rèn luyện y đức thiết thực và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng KCB tuyến y tế cơ sở, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống về Đề án Luân phiên cán bộ y tế (CBYT) tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013–2020, TS. Tăng Chí Thượng, PGĐ Sở Y tế cho hay, luân phiên CBYT cũng là một cách rèn luyện y đức thiết thực và hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng nhằm nâng cao chất lượng KCB của ngành y tế TP nói chung và tuyến y tế cơ sở nói riêng, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thiếu CBYT.

TS. Tăng Chí Thượng nói:

Thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Luân phiên đối với CBYT tại cơ sở KCB công lập trên địa bàn TP giai đoạn 2013–2020 tại Quyết định số 3768/QĐ-UBND ngày 11/07/2013. Để đảm bảo khả thi việc triển khai thực hiện Đề án Luân phiên CBYT, Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện về nhu cầu cần CBYT thuộc các chuyên khoa đến luân phiên và kế hoạch cử CBYT luân phiên xuống các trạm y tế hiện còn thiếu bác sĩ. Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất nhu cầu hỗ trợ CBYT đi luân phiên của UBND các quận, huyện, Sở Y tế triển khai thực hiện Đề án Luân phiên CBYT - đợt 1 trên địa bàn các quận, huyện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực y tế, bao gồm: huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận 6, quận 9. Với các trạm y tế xã, Sở Y tế cũng có kế hoạch hỗ trợ bác sĩ. Cụ thể, BV huyện Bình Chánh hỗ trợ 3 bác sĩ; BV huyện Nhà Bè hỗ trợ 2 bác sĩ; BV quận 9 hỗ trợ 3 bác sĩ.

Thưa TS, để Đề án Luân phiên CBYT thực hiện thành công đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía: BV cử cán bộ luân phiên - bác sĩ đi luân phiên – BV tiếp nhận bác sĩ đến luân phiên, đặc biệt là vai trò quản lý, điều hành của Sở Y tế. Với địa bàn rộng lớn như TP. Hồ Chí Minh, nơi có nhiều BV, số lượng BN lại đông, Sở Y tế “cân đo đong đếm” như thế nào để vừa hỗ trợ tuyến dưới có hiệu quả vừa đảm bảo việc điều trị cho BN tại các BV tuyến trên?

TS. Tăng Chí Thượng: Các BV cử cán bộ đi luân phiên vốn đang quá tải lại phải cử CBYT đi luân phiên (trung bình mỗi BV phải cử 5-10 bác sĩ), đòi hỏi các BV tuyến cuối của TP phải xem đây là trách nhiệm của BV đối với hệ thống y tế của TP. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ và giám sát cán bộ BV cử đi luân phiên để đạt hiệu quả nhất. Qua thông tin của CBYT đi luân phiên, BV có thể chủ động tổ chức những hoạt động khác hỗ trợ thêm cho BV quận, huyện trong hoạt động chuyên môn và chăm sóc y tế cho người dân vùng khó khăn của các địa phương.

Với mỗi CBYT đi luân phiên, hàng ngày, trực tiếp KCB cho người dân tại BV mình đến luân phiên, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho các bác sĩ của BV quận, huyện. Đồng thời làm đầu mối nắm bắt tình hình bệnh tật, năng lực chuyên môn, kỹ thuật của BV mình đến luân phiên, chủ động đề xuất với ban giám đốc của BV mình về nhu cầu cần chuyển giao kỹ thuật và những hoạt động khác như: tổ chức đoàn KCB miễn phí cho nhân dân nghèo,… Qua quá trình đi luân phiên, CBYT cũng hiểu hơn, chia sẻ hơn với các đồng nghiệp đang công tác tại BV tuyến quận, huyện vốn còn nhiều khó khăn, với người dân vùng xa còn gặp nhiều thiệt thòi trong tiếp cận các dịch vụ, kỹ thuật KCB… Theo tôi, đây cũng là cách rèn luyện y đức thiết thực và hiệu quả.


	Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1, BV Từ Dũ, BV đa khoa khu vực Củ chi đến luân phiên tại BV huyện Củ Chi. Đây là BV gặp khó khăn nhất về nhân lực, chỉ có 11 BS, không có BS sản, không có BS nhi.

Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1, BV Từ Dũ, BV đa khoa khu vực Củ chi đến luân phiên tại BV huyện Củ Chi. Đây là BV gặp khó khăn nhất về nhân lực, chỉ có 11 BS, không có BS sản, không có BS nhi.

Đối với các BV tiếp nhận CBYT luân phiên cần tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày cho CBYT luân phiên đến BV mình. Chủ động tổ chức học tập kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ nhân viên của BV mình từ CBYT đến luân phiên tại BV mình. Cử CBYT của BV mình luân phiên đến các trạm y tế phường, xã theo yêu cầu của lãnh đạo địa phương. Hoàn thiện hoặc thành lập mới những khoa chính nếu trước đây chưa có (Nội, Ngoại, Sản, Nhi) nhằm đáp ứng mô hình bệnh tật của địa phương mình. Định kỳ báo cáo hoạt động của CBYT đến luân phiên cho BV cử cán bộ và báo cáo tình hình KCB của BV cho lãnh đạo địa phương và Sở Y tế từ khi có thêm CBYT đến luân phiên.

Trong thời gian qua, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo các nguồn lực cho các tuyến y tế cơ sở thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Khắc phục tình trạng thiếu nguồn bác sĩ tại các cơ sở y tế tuyến cơ sở như kết hợp quân dân y, phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh, phân công bác sĩ tốt nghiệp tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về công tác tại tuyến cơ sở nhằm góp phần bảo đảm tính bền vững trên cơ sở có giải pháp cụ thể về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và chính sách đãi ngộ phù hợp.

Một trong những khó khăn lớn nhất của y tế tuyến quận, huyện là nguồn nhân lực y tế. Theo ông, cần làm gì để giải quyết bài toán này, từng bước hoàn thiện dần những chuyên khoa chính, phù hợp với mô hình bệnh tật của BV tuyến quận, huyện, đáp ứng ứng nhu cầu KCB cho người dân?

TS. Tăng Chí Thượng: Ở Đề án này, chúng tôi đặt ra mục tiêu cho từng gia đoạn cụ thể. Giai đoạn 2013 – 2020 sẽ tăng cường bác sĩ từ tuyến quận, huyện về tuyến phường, xã, thị trấn đảm bảo 100% trạm y tế đều có bác sĩ. Trên 70% cơ sở y tế tuyến quận, huyện có cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến thành phố về hỗ trợ. Giai đoạn sau năm 2020, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giai đoạn 2013-2020 và nhu cầu nguồn nhân lực cần hỗ trợ tại cơ sở KCB công lập tuyến quận, huyện, phường, xã, thị trấn, việc thực hiện chế độ luân phiên đối với CBYT trên địa bàn TP được tiếp tục duy trì hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của TP.

Với vai trò quản lý, điều hành Đề án, Sở Y tế sẽ liên tục nắm bắt nhu cầu thực tế của từng quận, huyện: tổ chức triển khai luân phiên đúng nhu cầu thực tế của từng địa phương, chọn những địa phương khó khăn nhất thực hiện trước. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai đề án tại các đơn vị, kịp thời tham mưu cho Ban giám đốc Sở Y tế những điều chỉnh (nếu cần). Hướng dẫn các BV có liên quan thực hiện những chính sách dành cho CBYT đi luân phiên. Định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả của đề án, tổ chức rút kinh nghiệm của đợt 1 để chuẩn bị cho đợt 2.

Tôi tin rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm của từng bộ phận như trên, chắc chắn đề án sẽ có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất của tuyến quận huyện là nguồn nhân lực y tế, hoàn chỉnh dần những chuyên khoa chính phù hợp mô hình bệnh tật của BV tuyến quận, huyện đáp ứng ứng nhu cầu KCB cho người dân. Đồng thời, từng bước góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại các BV chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối của TP.

Vậy Sở Y tế có chế độ chính sách đãi ngộ gì cho những CBYT thực hiện luân phiên về những vùng khó khăn,  thưa ông?

TS. Tăng Chí Thượng: Những CBYT trong thời gian đi luân phiên, ngoài các chế độ được hưởng theo quy định như lương, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại…. còn được các chế độ đặc thù như: trợ cấp hàng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), trợ cấp hàng tháng cho CBYT trong thời gian đi luân phiên tại trạm y tế phường, xã, thị trấn theo Quyết định số 187/2006/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 và Quyết định số 34/2011/QĐ-UBND ngày 03/6/2011 của UBND TP về một số chính sách đối với cán bộ, viên chức, nhân viên ngành y tế, giáo dục trên địa bàn quận, huyện thuộc TP.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Dương Hải


Ý kiến của bạn