Theo kế hoạch, trong năm 2018, có 18 bệnh viện (6 bệnh viện hạng I, 10 bệnh viện hạng II và 2 bệnh viện chuyên khoa tâm thần hạng III) sẽ cử người hành nghề đi luân phiên có thời hạn hỗ trợ cho tổng số 42 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới (18 bệnh viện, 24 TTYT) ở các ngành: nội, ngoại, sản, nhi, mắt, hồi sức tích cực, y học cổ truyền, tai mũi họng, tâm thần... với 97 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 4 kỹ thuật viên.
Người hành nghề của các đơn vị trong ngành y tế đã hiểu rõ việc luân phiên hỗ trợ tuyến dưới là nghĩa vụ của mỗi người hành nghề. Người hành nghề được cử đi luân phiên đa số chấp hành tốt các quy định và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn tại các đơn vị tuyến dưới. Các bác sĩ đi luân phiên đã tham gia công tác khám chữa bệnh tại khoa, hướng dẫn thực hành cho cán bộ nhân viên của bệnh viện, chuyển giao kỹ thuật theo phạm vi tuyến bằng hình thức cầm tay chỉ việc, tham gia hội chẩn, đi buồng, đào tạo... theo chuyên ngành, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh ở cơ sở tuyến dưới.
Bên cạnh khám chữa bệnh, người hành nghề đi luân phiên của một số bệnh viện đã tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên ngành cho nhiều lượt nhân viên y tế. Sau khi có người hành nghề đến luân phiên hỗ trợ chuyên môn, nhiều đơn vị tuyến dưới đã triển khai thêm các kỹ thuật mới, tăng số lượng người bệnh đến khám chữa bệnh ở các chuyên khoa có người hành nghề đến luân phiên. Các đơn vị tiếp nhận có nhiều hình thức tuyên truyền, thông báo rộng rãi cho cán bộ, nhân viên đơn vị và người bệnh biết thông tin có cán bộ y tế tuyến trên về tham gia công tác khám chữa bệnh để thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh.
Nhiều bệnh viện tuyến dưới của Hà Nội đã triển khai tốt kỹ thuật được chuyển giao.
Tuy nhiên do thiếu bác sĩ chuyên khoa có trình độ chuyên môn tốt để cử đi luân phiên; tuyến dưới thiếu bác sĩ chuyên khoa để tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao; vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, điều trị, chuyển giao kỹ thuật của đa số đơn vị tuyến dưới còn thiếu nên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch luân phiên người hành nghề của ngành y tế.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế Hà Nội cũng đã kiểm tra thực tế tại 5 bệnh viện đa khoa thực hiện chế độ luân phiên người hành nghề là: Hà Đông, Đông Anh, Chương Mỹ, Vân Đình, Thanh Oai và tổng hợp báo cáo từ các đơn vị cho thấy, nhiều đơn vị chậm triển khai thực hiện kế hoạch cử người hành nghề đi luân phiên là: Bệnh viện Thanh Nhàn, Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Bệnh viện đa khoa Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Để làm tốt công tác luân phiên, Sở Y tế Hà Nội đã quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đã chỉ ra những vấn đề cần chấn chỉnh ở các bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên về tuyến dưới. Một số đơn vị tuyến trên khảo sát đơn vị tuyến dưới trước khi xác nhận xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyên môn còn chưa kỹ, chưa sát thực tế dẫn đến khi triển khai kế hoạch năm 2018 bị chậm hoặc không thực hiện được kế hoạch như Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba chưa cử người hành nghề đi luân phiên do quá trình khảo sát thực tế tại Bệnh viện đa khoa Quốc Oai hai đơn vị chưa thống nhất được về nội dung chuyên môn hỗ trợ...
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch cử người hành nghề đi luân phiên, giúp cho người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành khắc phục khó khăn, tồn tại, thực hiện nghiêm túc và hoàn thành các nội dung yêu cầu của kế hoạch được đề ra từ đầu năm cũng như hợp đồng trách nhiệm đã ký kết giữa đơn vị tuyến trên và đơn vị tuyến dưới.
Được biết, vào giữa tháng 7/2018, Sở Y tế Hà Nội đã bổ sung kế hoạch thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ các kỹ thuật chuyên ngành giải phẫu bệnh cho Bệnh viện đa khoa Phú Xuyên; Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ chuyên ngành nội tim mạch cho Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ, Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, TTYT quận Đống Đa, siêu âm tim cho Bệnh viện đa khoa Mê Linh, siêu âm Doppler tim mạch cho Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Đây là những nội dung hỗ trợ mà Sở Y tế chưa giao cho các đơn vị trong kế hoạch từ đầu năm 2018.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến dưới, tạo chuyển biến rõ nét trong khám chữa bệnh, “làm thật, chuyển giao thật” để tuyến y tế cơ sở đủ năng lực khám chữa bệnh cho nhân dân, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, sẽ bám sát mục tiêu, kế hoạch, tăng cường giám sát nghiệm thu và nhận phản hồi từ cơ sở để đánh giá đầy đủ năng lực, khả năng chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên cho tuyến dưới.