Lửa thiêng Thị Cấm

24-02-2013 14:00 | Thời sự
google news

Đã thành lệ, hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, làng Thị Cấm (Xuân Phương - Từ Liêm - Hà Nội) lại nô nức vào mùa trẩy hội. Hội nấu cơm thi làng Thị Cấm diễn ra trong ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

Đã thành lệ, hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, làng Thị Cấm (Xuân Phương - Từ Liêm - Hà Nội) lại nô nức vào mùa trẩy hội. Hội nấu cơm thi làng Thị Cấm diễn ra trong ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Ngoài các trò chơi dân gian thường gặp trong những lễ hội, đặc biệt nơi đây còn diễn lại tích nấu cơm thi để tuyển chọn những người hậu cần tài giỏi của tướng Phan Tây Nhạc đời Vua Hùng thứ 18. Huyền tích xưa để lại là vậy, nhưng để có những đụm lửa nấu cơm, những người dân đã phải trải qua biết bao gian nan để có được - ngọn lửa thiêng - để nấu chín những nồi cơm ngon, dẻo.

Tương truyền, thời Vua Hùng thứ 18, quân nhà Thục kéo đại binh sang xâm lược nước ta. Tướng Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh dẹp giặc. Khi trẩy quân qua làng Thị Cấm, được dân làng xin đi theo để phục vụ. Nhạc tướng quân liền ra lệnh tổ chức nấu cơm thi để tuyển người giỏi việc nuôi quân.

Bà Hoa Dung – vợ ông đã vận động dân làng góp gạo, dùng giang, tre kéo lửa rồi ra sông Nhuệ lấy nước về nấu cơm. Đất nước thanh bình, Phan Tây Nhạc Đại vương cùng bà Hoa Dung đã về dạy dân Thị Cấm trồng lúa, dệt vải. Khi ông bà mất, dân làng tưởng nhớ công lao của họ, hằng năm, cứ mùng 8 tháng Giêng, dân làng lại kéo lửa mở hội thổi cơm thi.

Lửa thiêng Thị Cấm 1
 Kéo lửa là yếu tố quyết định cho việc thắng, thua của cuộc thi.
Lửa thiêng Thị Cấm 2
 Dòng người tìm về với những giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc.
Lửa thiêng Thị Cấm 3
 Quyết tâm có được ngọn lửa sớm nhất.

Để có những đốm lửa châm mồi cho rơm, rạ, củi, người dân vẫn giữ được truyền thống tự tạo lửa bằng những vật dụng thô sơ. Công cụ để có những mồi lửa cũng thật đơn giản nhưng khá cầu kỳ và phức tạp. Theo những cụ cao niên trong làng kể lại, để có những "nguyên liệu" đánh ra lửa ấy, họ phải tìm cho mình loại tre già đã chết khô. Sau khi mang tre về, dùng dao cạo lớp vỏ bên ngoài sao cho những tinh bột từ tre bong ra thật nhỏ, mịn. Phần còn lại thì đem chẻ nhỏ thành sợi như sợi tóc, sợi chỉ. Sợi càng nhỏ, càng mảnh thì ma sát càng dễ bắt lửa. Phần rơm cũng đặc biệt quan trọng. Ấy là chọn những loại rơm nếp phơi được nắng, sẽ đượm và bắt lửa tốt hơn. Một thanh giang được tách ra từ cây giang là nòng cốt chủ yếu để tạo ra lửa. Công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Mỗi đội tham gia đều tự sắm cho mình những công cụ khá công phu và thô sơ là vậy. Khi hội làng đến, những công cụ lấy lửa đã được chuẩn bị sẵn sẽ được một cụ cao niên đại diện trong đội kính cẩn mang lên thắp hương, báo cáo với thần linh. Sau đó, những thanh niên trong đội chắp tay khấn vái, cầu nguyện cho đội mình sẽ kéo được lửa sớm nhất.

Lửa thiêng Thị Cấm 4
Lửa được chuyển đến nơi thổi cơm.
 
Lửa thiêng Thị Cấm 5
 Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, người thứ 5 phụ trách nồi cơm đốt vun nhiều đống tro rơm buộc người chấm phải mất công tìm kiếm.
Lửa thiêng Thị Cấm 6
 Niêu cơm của các đội được ban giám khảo dâng lên ban Thánh và chấm giải.

Vật dụng để kéo lửa được hạ từ trên ban thờ xuống để các thành viên trong ban giám khảo kiểm tra xem có đúng quy trình (tránh trường hợp làm gian, làm lậu). Sau khi sự cung kính, cầu khấn thành tâm đã hoàn tất là lúc tiếng trống khai mạc cuộc thi "lửa thiêng" bắt đầu. Các đội bắt tay vào công cuộc tạo lửa. Những thanh niên trai tráng thì cò cưa, kéo thanh giang, một phần truyền tay nhau những sợi rơm vàng óng để khi thanh giang ma sát với những sợi tre đánh ra lửa thì dễ bắt và giữ lửa. “Đặc biệt, trong mỗi đội hình, một người cực kỳ quan trọng là người thổi, người thổi phải đều hơi, phải có kinh nghiệm để khi những đốm lửa do ma sát tạo ra, hơi thổi ấy phải đẩy lên để bén vào bột tre, sợi tre, sợi rơm. Không phải ai cũng có thể thổi được, mạnh một chút cũng không được, nhẹ quá cũng không xong. Quan trọng là phải đều và phối hợp nhịp nhàng cùng với những người kéo thanh giang” - cụ Nguyễn Quốc Việt (Phó ban tổ chức lễ hội) cho biết.

Khi những đốm lửa đã bùng cháy, phía bên kia, các bà, các mẹ cũng đã giã xong gạo. Những hạt gạo trắng ngần cũng được giã bằng cối, sàng, sảy bằng dần, sàng theo cách thủ công từ xa xưa. Sau khi đã có gạo, có lửa cũng là lúc nước được các đội rước về đến nơi. Và lúc này, công đoạn nấu cũng được bắt đầu. Các công đoạn tạo lửa, giã gạo, lấy nước và nấu thành cơm đều được phối hợp một cách nhịp nhàng, hợp lý và nhanh nhất. Lúc này mới được Ban tổ chức chấm điểm và đánh giá cho đội nào thắng cuộc, đội nào thua cuộc.

Thiết nghĩ, trong thời đại công nghiệp hóa, để níu giữ được những nét văn hóa mộc mạc, gần gũi ấy cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng để thế hệ sau mãi mãi noi theo.

Bài và ảnh: Tuấn Anh - Giang Nam


Ý kiến của bạn