Lửa Thiện Nhân

26-10-2015 07:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lửa Thiện Nhân – bộ phim tài liệu dài 77 phút kể về bé trai Thiện Nhân (bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng mẹ và bị động vật ăn mất một chân, bộ phận sinh dục, từng khiến dư luận bàng hoàng cách đây 9 năm) vừa được công chiếu tại một số rạp phim Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Lửa Thiện Nhân – bộ phim tài liệu dài 77 phút kể về bé trai Thiện Nhân (bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng mẹ và bị động vật ăn mất một chân, bộ phận sinh dục, từng khiến dư luận bàng hoàng cách đây 9 năm) vừa được công chiếu tại một số rạp phim Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Xem phim này, nhiều khán giả đã rơi nước mắt vì thấy ý chí vượt lên số phận, tình người và tính nhân văn mà tác phẩm đề cập tới.

Trước đó, phim tài liệu Lửa Thiện Nhân đã được chiếu khai mạc Liên hoan phim độc lập New York 2014, trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 3 nhưng sau đó rơi vào im lặng. Khi Lửa Thiện Nhân được đem ra chiếu ở cụm rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và cụm rạp Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) cũng khá lặng lẽ, khác hẳn với dòng phim thương mại trước khi ra rạp thường được lăng-xê rầm rộ, nhà sản xuất dùng nhiều chiêu trò để “câu” khán giả. Nhưng thật bất ngờ, các buổi chiếu Lửa Thiện Nhân vừa qua ở Hà Nội luôn chật kín khán giả vì mỗi thước phim đã chạm đến trái tim, dòng cảm xúc của mọi người.

Lửa Thiện Nhân
Thiện Nhân trên poster phim Lửa Thiện Nhân.

Lửa Thiện Nhân được thực hiện bởi đạo diễn Đặng Hồng Giang. Quá trình thực hiện bộ phim tài liệu này đạo diễn tiêu tốn thời gian 3 năm để ăn, ở cùng nhà với bé Thiện Nhân. Bộ phim kể về hành trình vất vả và đầy xúc động “tìm lại chính mình” của cậu bé từng chịu nỗi đau tột cùng ngay khi vừa sinh ra đã bị bỏ rơi, cơ thể đầy kiến bu, thú vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục đến những ngày đầu tiên về nhà mẹ nuôi Mai Anh, ghẻ lở đầy người, ăn nhiều đến mức cả nhà phải giấu đồ ăn vì sợ no quá mà chết.

Bộ phim tài liệu lần đầu tiên cho khán giả thấy được hành trình gian khó, đầy ắp những nỗi đau của Thiện Nhân, sự vất vả của chị Mai Anh (mẹ nuôi) và ông Greig Craft (cha nuôi của Thiện Nhân) trên con đường thực hiện mong ước giúp Thiện Nhân có được “con chim xinh xinh”. Lửa Thiện Nhân là những hình ảnh ghi lại các cuộc phẫu thuật, các chuyến đi đến Thái Lan, Đức, Mỹ, Ý của cậu bé kém may mắn. Nhưng đâu đó khán giả có cùng niềm vui bởi trước mặt họ là hình ảnh Thiện Nhân sau bao ngày tháng vượt qua sự tổn thất về tinh thần, mất mát bộ phận cơ thể đã có thể đứng được bằng một chân và khán giả hạnh phúc vô bờ khi Thiện Nhân trải qua ca phẫu thuật 9 tiếng để có “con chim xinh xinh”.

Nhưng hình ảnh trong phim khiến khán giả bật khóc vì xúc động, đó là thước phim do gia đình chị Mai Anh tự quay lại và cung cấp cho đạo diễn Đặng Hồng Giang. Đó chính là khoảnh khắc Thiện Nhân mở mắt trong cuộc phẫu thuật đầu tiên, nhìn sang mẹ nuôi Mai Anh mấp máy môi: “Lớn lên con nuôi mẹ”. Với cảnh phim ấy, Thiện Nhân và mẹ nuôi Mai Anh đã tạo nên khoảnh khắc vàng và làm cho câu chuyện của Thiện Nhân thêm diệu kỳ, đầy lắng đọng, chứa chan yêu thương giữa đời sống thực.

Ở Lửa Thiện Nhân, khán giả còn thấy ngập tràn tình người. Bởi lẽ, để có được cuộc phẫu thuật cho Thiện Nhân, nhiều người trong và ngoài nước với lòng tốt vô hạn đã tìm đến Thiện Nhân và mẹ nuôi Mai Anh để ủng hộ về mặt vật chất, làm chỗ dựa về mặt tinh thần. Trong phim, khán giả thấy những người góp từng đồng cho Thiện Nhân sang Ý phẫu thuật như GS. Đinh Tuệ, Việt kiều tại Mỹ; bác sĩ Roberto đến từ nước Ý với đôi bàn tay vàng, coi Việt Nam là nhà và sẵn sàng mổ miễn phí cho các bé. Là nhà báo Lee người Singapore làm mọi cách để quyên góp hơn 100.000USD cho Thiện Nhân và các bé bị khuyết tật bộ phận sinh dục có tài chính chữa bệnh...

Một bộ phim tài liệu chiếu rạp như Lửa Thiện Nhân thường rất khó để lôi kéo công chúng tới rạp vì lâu nay khán giả vẫn quen với phim thương mại thể loại hình sự, khoa học viễn tưởng, kinh dị, hài hước... Nhưng Lửa Thiện Nhân đã tạo nên cơn sốt phòng vé bởi có một câu chuyện đẹp, về sự tử tế và nhân văn xuyên suốt tác phẩm khởi phát từ một cậu bé giàu nghị lực và người mẹ nuôi cũng đầy quyết tâm, kiên trì để chữa trị bệnh cho con. Chỉ cần có “chất” để chạm vào mạch cảm xúc công chúng như Lửa Thiện Nhân là đủ để khán giả nhớ mãi, hay như chia sẻ của một thành viên Ban Tổ chức Liên hoan phim độc lập New York 2014 khi xem Lửa Thiện Nhân: “Các bạn đã mang đến cho chúng tôi một câu chuyện quốc tế”!

Tường Vi

 

 

 

 


Ý kiến của bạn