Lừa sản phụ vừa sinh con được 6 ngày chiếm đoạt 300 triệu đồng

07-11-2023 14:16 | Pháp luật

SKĐS - Mới sinh con được 6 ngày, chị Hà Thị Hiển đã bị một nhóm trên Zalo và Telegram lừa mất hơn 300 triệu đồng.

Thủ đoạn giăng bẫy lừa đảo

Chị Hà Thị Hiển (SN 1998, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) gần đây bị một nhóm lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội Zalo và Telegram chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng.

Cụ thể, vào sáng ngày 21/10, chị Hiển nhận được một cuộc gọi từ đầu số 02, giới thiệu là bên nhãn hàng Panasonic gọi đến với nội dung, công ty gửi tặng đại lý một món quà nhân dịp kỉ niệm ngày phụ nữ Việt Nam (20/10) và đề nghị chị Hiển kết bạn Zalo để gửi chị danh sách quà tặng.

Vì gia đình kinh doanh mặt hàng điện tử và đồ gia dụng nên chị Hiển không hề nghi ngờ mà đã đồng ý kết bạn Zalo ngay. Sau khi chọn quà là một bộ ba nồi inox, chị tiếp tục được hướng dẫn cài đặt Telegram, vào nhóm để nhận mã quà tặng. Đến sáng hôm sau (22/10) chị Hiển đã nhận được quà là bộ ba nồi inox như đã lựa chọn.

Vừa sinh con được 6 ngày, sản phụ sốc nặng khi bị lừa mất hơn 300 triệu đồng qua điện thoại - Ảnh 1.

Chị Hiển được mời kết bạn Zalo để nhận quà tặng miễn phí.

Tiếp đó, trong nhóm Telegram, một người xưng là quản lý cho hay, tất cả các thành viên sau khi nhận được quà lần một sẽ có cơ hội nhận thêm một phần quà giá trị nữa, danh sách quà tặng gồm máy rửa bát, tủ lạnh, ghế mát xa, máy giặt…, kèm theo đó là cơ hội bốc thăm trúng thưởng xe máy, vàng,… Ngoài ra, người quản lý này cũng hướng dẫn mọi người trong nhóm chơi mini game đuổi hình bắt chữ để nhận quà, mỗi câu trả lời đúng sẽ được tặng 30 nghìn đồng vào tài khoản. Sau đó, người quản lý tiếp tục hẹn mọi người đến 15h ngày 23/10 vào nhóm để dự sự kiện tri ân và bốc thăm trúng thưởng.

"Chuyện tới đây mới là sự bắt đầu… Vào lúc 15h chiều ngày 23/10, khi tôi đang bận chăm con thì người quản lý gọi điện vào nhóm nhận quà. 15h30' tôi vào nhóm thì thấy có hơn 100 thành viên, họ đang thi nhau khoe quà và số tiền được tặng do chơi mini game.

Sau đó, bọn họ nói muốn nhận được quà từ công ty thì mọi người phải giúp công ty hoàn thành nhiệm vụ tăng doanh số, rồi công ty sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lãi ngay sau 3-5 phút. Thấy các thành viên thi nhau chuyển khoản, sau đó nhận lại được hoa hồng và lợi nhuận ngay nên tôi cũng tin theo… Mới đầu là chuyển đi mấy trăm nghìn thì tôi nhận lại ngay được cả gốc lẫn lãi, sau đó đến lệnh chuyển 1.950.000 đồng thì họ không chuyển lại và yêu cầu phải làm đủ 3 nhiệm vụ thì mới chuyển lại cùng tiền hoa hồng và quà tặng mình chọn trước đó", chị Hiển kể lại.

Càng tiếc tiền thì càng rơi vào bẫy lừa đảo

Tiếp tục được cho vào một nhóm Telegram khác có người tự xưng là Giám đốc kinh doanh của công ty, chị Hiển lại tiếp tục bị nhóm lừa đảo giăng bẫy với thủ đoạn tinh vi hơn.

Chị Hiển liên tục nhận được những tin nhắn của nhiều người khoe rằng nhận được quà và hoa hồng, khen chị là người may mắn và thúc giục chị làm theo hướng dẫn để được nhận quà. Cụ thể, để nhận được quà và hoa hồng, chị cần hoàn thành 3 nhiệm vụ, nhiệm vụ đầu tiên là chuyển đi số tiền ít nhất là 6.999.000 đồng.

Vừa sinh con được 6 ngày, sản phụ sốc nặng khi bị lừa mất hơn 300 triệu đồng qua điện thoại - Ảnh 2.

Chị Hiển nhiều lần chuyển tiền cho nhóm lừa đảo.

"Tôi không chuyển thì mọi người trong nhóm lại hối thúc và nhắn tin riêng cho tôi. Bởi tất cả các thành viên trong nhóm phải hoàn thành nhiệm vụ thì mới được làm nhiệm vụ tiếp theo… nên tôi đã vay 6.999.000 đồng để chuyển đi. Nhiệm vụ lần hai là chuyển đi 21.999.000 đồng, cứ nghĩ là làm nốt nhiệm vụ này là xong và sẽ được nhận quà luôn nên tôi lại vay tiền để chuyển đi. Nào ngờ bọn chúng lại bảo còn một nhiệm vụ cuối cùng là chuyển 89.999.000 đồng nữa thì mới được nhận quà.

Lúc này tôi không biết vay tiền đâu nữa nhưng bọn chúng bảo nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không nhận lại được số tiền đã chuyển. Tất cả các thành viên trong nhóm lại gửi ảnh đã chuyển đi 89.999.000 đồng, ngay sau đó họ được chuyển trả lại hết luôn cả gốc và lãi… Rồi các thành viên tiếp tục gửi địa chỉ để công ty gửi quà về.

Tôi nghĩ mất 30 triệu đồng thì tiếc quá, hơn nữa những người được nhận tiền và quà cũng chụp hình khoe đã nhận được đầy đủ số tiền 3 lần chuyển cùng với tiền hoa hồng nên tôi đã đi hỏi vay tiền khắp nơi để chuyển đi 89.999.000 đồng. Cứ nghĩ sẽ được nhận lại được tiền ngay như các thành viên khác, ai ngờ bọn lừa đảo lại thông báo chuyển tiền sai lệnh và quá thời gian chuyển tiền, nên tôi đã chuyển đi liên tiếp ba lần số tiền 89.999.000 đồng. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy nhận lại được tiền, lúc này tôi mới thực sự tin rằng mình đã bị lừa. Tổng số tiền tôi bị lừa là 300.945.000 đồng", chị Hiển thở dài.

Theo chị Hiển, tại thời điểm xảy ra sự việc đáng tiếc trên, chị mới sinh con được sáu ngày nên ngoài việc mệt mỏi về thể chất, chị lại phải nhận thêm một cú sốc về tinh thần quá lớn. Tiếc tiền và lo sợ gia đình biết sẽ trách mắng khiến chị Hiển rơi vào bế tắc.

Rất may, đến thời điểm hiện tại chị Hiển đã lấy lại được tinh thần. Sau khi gia đình biết sự việc đã an ủi, động viên và đưa chị đến Công an trình báo.

Làm gì để tránh sập bẫy lừa đảo?

Liên quan đến sự việc, chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay xuất hiện rất nhiều loại hình lừa đảo khác nhau gây lo lắng cho xã hội. Kéo theo đó là nhiều nạn nhân sập bẫy, thiệt hại lớn. Việc phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cũng rất khó khăn.

Căn nguyên chính dẫn đến tình trạng này là không gian mạng internet rất rộng lớn, người tham gia có thể ẩn danh. Người dân, nạn nhân không được trực tiếp kiểm chứng, xác minh, xác định cả về tài liệu lẫn thông tin của người mình đang giao tiếp qua mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng triệt để tính ẩn danh này để tạo ra các kịch bản, câu chuyện, vấn đề… để lừa đảo người dân nhằm mục đích trục lợi.

Vừa sinh con được 6 ngày, sản phụ sốc nặng khi bị lừa mất hơn 300 triệu đồng qua điện thoại - Ảnh 3.

Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).

Phổ biến hiện nay, loại tội phạm lừa đảo này thường tạo ra các trang mạng mạo nhận cá nhân, tổ chức có uy tín để bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Hoặc mạo nhận cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đe dọa người dân là có liên quan đến vụ án, vi phạm pháp luật để thao túng tâm lý, khiến người dân hoang mang phải cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền, tài sản cho đối tượng lừa đảo.

Cũng do tính ẩn danh cao nên các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội còn kêu gọi đầu tư, góp vốn để thu lợi nhuận nhanh hay mua các thoại thuốc tốt cho sức khỏe… nhưng thực chất đây chỉ là cách để chúng đưa người dân "sập bẫy".

Mánh khóe, chiêu trò tinh vi nhất của loại tội phạm lừa đảo này là thường đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ của nạn nhân; lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin của người dân để dụ dỗ. Đồng thời chúng còn nhắm đến một số người có khuất tất trong quan hệ xã hội, trong làm ăn để uy hiếp tâm lý, làm theo sự dẫn dắt của chúng.

"Người dân cần nâng cao cảnh giác, tăng cường nắm bắt kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội. Cụ thể như, người dân, người tham gia mạng xã hội cần biết rõ rằng, tất cả cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan bảo vệ pháp luật không bao giờ làm việc qua điện thoại, qua mạng xã hội, không bao giờ thông quan mạng xã hội hay điện thoại để yêu cầu chuyển tiền hay tài sản. Tất cả phải thông qua giấy mời, văn bản.

Khi bị dụ dỗ mua hàng hóa qua mạng xã hội, cần tìm hiểu nắm rõ địa chỉ bán hàng, người bán hàng cụ thể, chi tiết, xác thực rồi mới chuyển tiền để tránh bị lừa đảo", Đại tá - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn hướng dẫn.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Truy quyét đường dây nhân viên ngân hàng ảo lừa đảo hàng chục tỷ đồng.



Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn