“Lửa” ở làng phong Đăk Tia

30-01-2010 09:10 | Xã hội

Những dãy nhà tuổi gần thế kỷ đã được quét sơn và thay tôn mới. Đường ngõ cũng đã bê tông. Quang cảnh làng phong Đăk Tia (TP. Kon Tum) giờ trông cứ na ná như bất cứ một làng dân tộc thiểu số nào của thời “hội nhập”,

Vừa tròn 18 tuổi - cái tuổi đẹp nhất trong đời người con gái, Y Phương đã tình nguyện đến với những bệnh nhân phong để rồi gắn bó cả cuộc đời - hơn 50 năm với họ bằng tâm niệm: Dâng trọn cuộc đời cho cộng đồng, cho những cảnh đời đau khổ...    

Những dãy nhà tuổi gần thế kỷ đã được quét sơn và thay tôn mới. Đường ngõ cũng đã bê tông. Quang cảnh làng phong Đăk Tia (TP. Kon Tum) giờ trông cứ na ná như bất cứ một làng dân tộc thiểu số nào của thời “hội nhập”, dù vậy bước chân tôi vẫn cứ chờn chợn. Những hàng dừa nước già khấc ủ rũ, những cây rừng thâm u từ thuở lập làng cứ gợn lên một cảm giác sợ hãi mơ hồ... Xơ Y Phương đã bỏ tôi một quãng xa. Bước chân của người phụ nữ đã hơn 70 tuổi vẫn cứ thoăn thoắt như hơn 50 năm qua bà đã âm thầm mang niềm hy vọng sống cho những thân phận bị bỏ rơi ở làng phong này.       

Ngày của muôn ngày...

Dừng bước trước một căn nhà, xơ Y Phương trao cho đứa nhỏ chiếc bánh mì, nói câu gì đó rồi lại cắm cúi bước. Chúng tôi sải chân theo vừa kịp lúc bà dừng lại trước một căn phòng khác. Nghe tiếng gọi, một cái đầu bờm xờm ló ra ô cửa. Vừa dợm bước vào phòng, chân tôi đã khựng lại: Trước mặt tôi là một hình nhân teo tóp trong chiếc áo thùng thình không cúc. Đưa hai chân đã cụt gần hết ngón ra trước, ông  đu người trên đôi tay ngẳng nghiu như ống tre hong khói lết đi... Xơ Phương nhanh nhẹn bày đồ nghề và bắt tay vào việc... Cuộn băng đen xỉn những máu mủ dính bết, cong rộp như tấm mo cau vừa được cắt rời khỏi ống chân xám ngoét, một mùi là lạ... xông lên rợn cả óc. Tôi vội nhìn sang nơi khác. Vẫn bình thản, xơ Phương dùng ôxy già lau rửa vết loét cẩn thận rồi đắp gạc băng lại. “Đây là ông Bêl, năm nay đã 90 tuổi; vào trại phong từ lúc còn thanh niên, vợ con không có mà cũng chẳng biết quê quán  đâu nữa” – Xơ Phương giới thiệu vắn tắt, trao cho ông lão hai chiếc bánh mì, buông một câu đùa rồi ra hiệu cho chúng tôi đi... 

Mãi đến xế trưa xơ Phương mới xong việc rửa ráy, băng bó vết thương cho 9 người. Cái lạ là mang trong mình căn bệnh đau đớn tột cùng thế, cô đơn cùng cực thế mà ai cũng đã tám, chín mươi tuổi cả. Thậm chí như ông Mơl đã sang tuổi 100.

Lối vào làng lút cỏ đuôi chồn. Mươi dãy nhà thấp lè tè đen kịt một màu khói bếp. Những khuôn mặt cũng nhuốm màu khói bếp tò mò nhìn người lạ không tỏ rõ cảm xúc gì. Mấy ngày đầu tiếp xúc, Y Phương đã thấy những câu chuyện gai người từng nghe không phải là sự thêm thắt, bịa đặt mà còn xa mới bằng sự thật... Tụ về Đăk Tia có hơn 900 người bệnh đủ thành phần dân tộc của 5 tỉnh Tây Nguyên. Dường như không còn tuổi, không còn ý niệm thời gian trên những khuôn mặt võ vàng, tóc cợp vành tai.  Sáng, họ lết mình lên rẫy, tối lại lê tấm thân như được lôi lên từ đất trở về căn nhà lụp xụp, chập chờn ánh đèn cầy như đốm lửa ma trơi.  Âm thanh cuộc sống có chăng là tiếng rên rỉ, tiếng hờ than số phận. Niềm vui duy nhất của họ có chăng chỉ là đôi bữa rượu mừng cho những cuộc đời còn đủ sức tìm đến nhau như một lẽ tự nhiên của sự sinh tồn. Thế nhưng ngay cả với niềm vui hiếm hoi đó thì ám khí của sự chết chóc vẫn cứ  lởn vởn. Y Phương đã không ít lần chứng kiến có người đang vít cần rượu, thốt nhiên ngón tay rời ra, rơi tỏm vào ché rượu như những trái sung... Thời gian đầu nỗi ám ảnh khiến nhiều đêm Y Phương không thể nào chợp mắt. Đã có lúc Y Phương tự trách mình quá nông nổi. Nhưng rồi những cú sốc theo thời gian cũng dịu dần. Tâm hồn đa cảm của Y Phương lắng lại sự thương xót... Họ - những con người như đã lĩnh án tử hình của cộng đồng, kể từ ngày dân làng phát hiện ra họ bị bệnh “cùi” rồi hè nhau cầm gậy đuổi ra rừng ở vì sợ “bị Yàng phạt tội lây cả làng”. Nếu mình cũng quay lưng nốt thì còn ai dám đến với họ. Ai sẽ cho họ chút tình người để vơi đi nỗi đau lê thê bất tận trong cuộc đời này? Sau nhiều đêm dằn vặt suy nghĩ, Y Phương quyết định sẽ ở lại với họ, sẻ chia nỗi đau của họ bằng cả tấm lòng...

Sáng theo mọi người lên rẫy cho đến nhọ mặt người Y Phương mới trở về nhà. Ăn xong bữa cơm đơn giản là xách túi đi ngay. Những năm đó thuốc đặc trị còn chưa có. Bệnh nhân phong chỉ có cách là uống kháng sinh để chống nhiễm trùng. Dưới ánh đèn cầy chập chờn, Y Phương một mình làm tất cả - từ cho thuốc đến băng bó, lau rửa vết thương. Nhiều bệnh nhân quá nặng, chân tay như chỉ còn là những chiếc ống chứa mủ. Mùi hôi thối, tanh tưởi đặc quánh. Thường là quá nửa đêm Y Phương mới về tới nhà. Thế nhưng cũng rất hiếm khi được yên với giấc ngủ chập chờn, đầy mộng mị bởi những tiếng gọi cửa bất chợt trong đêm. Một ca sinh nở, một con bệnh đang hấp hối, một người bất chợt bị đau bụng hay lên cơn sốt... tất cả không có sự phó thác nào ngoài Y Phương. Cuộc sống căng cứng, chật ních bỡi những công việc không cùng, những lo toan khôn cùng ấy đã khiến Y Phương có cảm giác không có thời gian, không có tuổi tác đi qua đời mình... Cho mãi đến khi nhận quyết định Nhà nước cho nghỉ hưu mới chợt bùi ngùi nhìn lại những năm tháng đã vèo qua... 

 Phút thư giãn ở làng phong.

“Một cõi đi về” 

Tôi tần ngần trước căn nhà xơ Y Phương tá túc đã hơn nửa thế kỷ. Nó chỉ rộng chừng 20m2. Mái tôn thấp tè hoen gỉ. Từng mảng tường long vôi vữa. Đồ đạc đáng giá nhất chỉ là một chiếc tivi cũ kỹ. Cái không gian tranh tối tranh sáng khiến tôi lại chập chờn cảm giác mới qua...

Nghỉ hưu đã hơn 10 năm nay nhưng xơ Y Phương vẫn giữ nguyên lịch trình như thuở còn sức vóc: sáng thăm bệnh, băng rửa vết thương, vệ sinh cho những bệnh nhân nặng; chiều tăng gia sản xuất. Khác chăng là công việc không quá nặng nề gấp gáp bởi Đăk Tia bây giờ đã có cơ sở chữa bệnh khá quy mô ngay ở đầu làng. Thời gian rảnh ấy xơ Phương dành cho công việc cứu trợ. Mặc dù đã có chế độ trợ cấp của Nhà nước nhưng dân làng phong vẫn còn nhiều hộ đói, nhất là những người độc thân, già cả. Chẳng thể nào nhớ hết những địa chỉ xơ Phương đến vận động từ thiện. Nhiều lần xơ vào tận thành phố Hồ Chí Minh xin các tổ chức Công giáo, Phật giáo giúp đỡ... Về phần mình, thu nhập từ 5 sào rẫy và đồng lương hưu hơn 1 triệu, xơ cố sống dè sẻn để giúp đỡ bệnh nhân. Những người nhập viện chưa kịp làm thủ tục, xơ đưa họ về nhà ăn nghỉ. Năm kia giành dụm mua được một con bò cái, xơ cũng mang cho mấy hộ nghèo nhất luân chuyển nhau nuôi lấy vốn...

Câu chuyện giữa chừng chợt có tiếng chuông điện thoại reo vang. Xơ Phương cầm nghe rồi tần ngần nói với chúng tôi:

- Chẳng mấy khi các bạn đến nhà, vậy mà bỗng dưng lại có một ca đẻ.  Xơ Phương quày quả khoác túi thuốc lên vai vừa nói như phân trần: “Có bác sĩ đó nhưng họ cứ kêu mình cho bằng được. Có lẽ họ tin vào sự “mát tay”.

Chúng tôi nhường lối cho xơ Phương đi trước. Nhìn dáng dấp vẫn nhanh nhẹn, bước chân vẫn thoăn thoắt của bà lão đã qua tuổi 70, tôi có cảm giác đang bước theo một nhân vật cổ tích hiển hiện giữa đời...

Phóng sự của: Sông Lam - Ngọc Vương


Ý kiến của bạn