Hà Nội

Lừa nhà trọ rục rịch “đón” tân sinh viên

27-08-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày nhập học của các tân sinh viên đã cận kề, và đây cũng là lúc đủ các mánh khóe được nhiều môi giới...

Ngày nhập học của các tân sinh viên đã cận kề, và đây cũng là lúc đủ các mánh khóe được nhiều môi giới, chủ nhà trọ đưa ra. Không ít trong số hàng ngàn căn phòng trọ quảng cáo trên mạng, rao vặt, tờ rơi khắp các ngả đường... là những trò cò quay, bắt chẹt, những cái bẫy đang giăng. Bài học của những nạn nhân được nêu dưới đây sẽ rất hữu ích cho những ai mới chân ướt chân ráo từ nhiều vùng miền đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM trọ học.

Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc thông tin về việc họ gặp khó khăn trong khi đi tìm phòng trọ học cho mình hoặc con cái để chuẩn bị cho ngày vào đại học, không ít trường hợp bị lừa tiền  nhưng những kẻ ra tay luôn núp dưới hình thức như môi giới, hoặc chủ nhà đứng ra cò quay, bắt chẹt công khai, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khổ chủ nên họ đành ngậm bồ hòn chịu trận.

Các tân sinh viên cần tìm hiểu rõ trước khi thuê phòng để hạn chế mất tiền oan.

Các tân sinh viên cần tìm hiểu rõ trước khi thuê phòng để hạn chế mất tiền oan.

Ngậm ngùi khi gặp “chính chủ”

Chị N.T.X. (TP.HCM) bức xúc cho biết, chị đi kiếm phòng trọ trên đường Lê Thị Hồng (phường 17, quận Gò Vấp) thì bắt gặp tờ giấy cho thuê phòng trọ từ 800.000 - 1 triệu đồng dán trên cột điện. Thấy giá rẻ, chị gọi điện thì được hướng dẫn đến địa chỉ trên đường Lê Đức Thọ (Q. Gò Vấp, TP.HCM) để xem phòng. Đến đây, chị được một cậu thanh niên tư vấn cho một căn phòng với giá 900.000 đồng và dẫn lên xem. Chị ưng ngay vì căn phòng đó rộng, đẹp, lại có cả vệ sinh khép kín. Thanh niên này còn “bồi” thêm những thông tin hấp dẫn như: nước 50.000 đồng/người/tháng; tiền internet 50.000 đồng/phòng/tháng; điện 3.500 đồng/số; xe để dưới tầng trệt. Chị X. vội vàng đặt cọc 400.000 đồng để giữ phòng. Mấy hôm sau quay lại, chị hoàn toàn bất ngờ vì chủ nhà “đích thực” cho biết phải đặt cọc phòng trước từ 6 tháng đến 1 năm, tiền nước là 60.000 đồng/người/tháng, tiền internet 100.000 đồng/máy, tiền giữ xe 100.000 đồng/chiếc/tháng. Không đồng ý, chị đòi lại tiền cọc nhưng chủ nhà mắng xơi xơi, cho rằng chị “vớ vẩn”. Nhì nhằng mãi không đòi được chị đành bỏ của.

Anh B.T.Ngô cũng gặp trường hợp tương tự khi đọc thông tin có phòng cho thuê với giá từ 900.000 - 1.500.000 đồng/tháng trên một điểm chờ xe buýt. Thấy địa chỉ gần trường và có nhiều “ưu điểm” phù hợp, anh liên lạc tới xem phòng. Anh thống nhất thuê một phòng có mức giá 800.000 đồng/tháng. Người “đại diện” chủ nhà nhận đặt cọc 400.000 đồng của anh và hẹn một tuần sau qua gặp chủ nhà ký hợp đồng. Chị này viết giấy hẹn đàng hoàng, thậm chí ghi cả số CMND, địa chỉ... nên anh rất yên tâm. Đến hẹn, anh được gặp chủ nhà thì thông tin lại lệch lạc: tiền phòng 900.000 đồng; tiền truyền hình cáp 100.000 đồng; tiền internet 100.000 đồng; tiền giữ xe 300.000 đồng/tháng. Không đồng ý tiền gửi xe, anh đòi để trong phòng khi ra thì dắt ra nhưng chủ nhà không đồng ý vì “ảnh hưởng đến người khác”. Chưa hết, chủ nhà còn “dọa” những điều khoản oái oăm tiếp là phòng kín, rất “khó thở”, không được chốt cửa, lại phải tự quản lý đồ đạc, rồi toilet bị hỏng, phải “đi” cẩn thận, thi thoảng nó tắc nước tràn vào thì phải chịu. Anh thầm nghĩ, chưa kể giá đã bị đẩy lên, lại dọa dẫm như vậy thì khó ai có thể chịu đựng nổi và cuối cùng đành ngậm ngùi ra về mà đuối lý không đòi được tiền cọc.

Những khoản thu “giờ mới biết”

Bạn Trịnh Phúc kể chuyện ấm ức của mình sau khi thuê phòng tại căn nhà trong hẻm lớn đường Phan Văn Trị, gần Đại học Công nghiệp TP. HCM. Đã ở ổn thỏa được nửa tháng, bỗng dưng chủ nhà yêu cầu phải đưa ra các loại giấy tờ như CMND, bằng lái, đăng ký xe, rồi bắt phải nộp khoản tiền 400.000 đồng (2 người) dùng để đăng ký tạm trú. Chủ nhà còn cho biết đây là khoản phải đóng hàng tháng, không có nửa đêm công an vào phạt vài triệu/người. Trót thuê rồi, anh và bạn đành cắn răng nộp.

Chị Ngô Kim Hoa gặp trường hợp tương tự sau khi thuê căn phòng tại Phan Văn Trị, Gò Vấp. Tưởng đã thuê được phòng giá rẻ 1 triệu đồng/2 người ở, ngờ đâu, một tuần sau chủ nhà gọi chị ra và thông báo các khoản trời ơi đất hỡi: tiền đăng ký tạm trú 200.000 đồng/người/tháng. Tiền vệ sinh, tiền an ninh, tiền gửi xe, đặc biệt mỗi vật dụng sử dụng điện sẽ bị tính tiền riêng. Máy tính là 50.000 đồng/tháng, tivi thêm 50.000 đồng. Mỗi máy tính phải chịu 100.000 đồng/internet/tháng. Tivi thì thêm 100.000 đồng/truyền hình cáp/tháng. “Hòm hòm lại thành ra mỗi người hết 1,5 triệu/tháng, trót trả trước tiền, bọn mình phải dằn lòng ở nốt. Cứ ngỡ giá rẻ mà ham giờ mới khổ” - chị thở dài cho biết.

Môi giới cũng tranh thủ “ké phần”

Một số văn phòng môi giới nhà trọ cũng không thể bỏ lỡ dịp này để “kiếm cơm”. Thủ đoạn của họ là quảng cáo tứ tung những nhà trọ giá rất rẻ, điều kiện thật hấp dẫn. Sau khi “con mồi” tới và nộp tiền cọc từ 200.000 - 300.000 đồng, họ sẽ dẫn đi hoặc ghi giấy biên nhận để khách tự đến và hứa sẽ có người sắp xếp phòng. Đến nơi, một là địa chỉ “ma” tìm không được, hoặc đúng là nhà trọ nhưng chủ đã cho thuê, cá biệt là dẫn tới những phòng xập xệ không như thỏa thuận. Đến khi khách quay lại đòi tiền họ liền khăng khăng đây là tiền công dẫn đường, hoặc cam kết “tìm cho nơi khác”. Cứ nhiều lần hứa hão như vậy, nếu khách muốn đi xem, họ lại tiếp tục đưa đến những địa chỉ không như ý, đã khiến nhiều bạn sinh viên nản lòng, ngậm ngùi ra về mà không thể nào đòi tiền.

Bạn đọc Mỹ Hoa chia sẻ: Tôi đi tới những địa điểm trên tờ giấy đưa ra thì nhận được câu trả lời không có liên hệ, cũng như không biết về thông tin trên giấy. Tôi quay lại địa điểm cũ hỏi thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi làm dịch vụ, đã giới thiệu chị tới địa điểm thuê phòng nên phải trả phí. Tôi đành phải đi về mà biết rằng mình bị lừa 300.000 đồng”.

Làm sao hạn chế bị lừa?

Nếu nói để tránh hoàn toàn các trường hợp trên thì không ai dám nói trước, nhưng các bạn tân sinh viên có thể hạn chế được điều này, dựa vào những việc sau:

Tốt nhất cố gắng liên hệ với đoàn trường, hoặc các anh chị khóa trên để tìm hiểu trước. Khi đến thuê phòng thì các bạn yêu cầu gặp thẳng chủ phòng trọ, khi trao tiền cọc phải có giấy viết tay cụ thể và trong đó phải ghi một số thỏa thuận cơ bản như địa chỉ phòng, số phòng, tiền phòng cố định trong bao lâu không thay đổi, tiền điện, tiền nước, tiền gửi xe, sử dụng mạng, và nói rõ chi phí phát sinh để ghi vào nếu có. Nếu chủ nhà là người đàng hoàng, họ sẽ thông cảm, còn nếu cố tình mập mờ hoặc tỏ ra bất hợp tác thì chắc chắn là lừa đảo.

Trong trường hợp người cho thuê phòng đã thu tiền cọc rồi đưa ra hàng loạt chiêu trò mà không trả lại tiền, bạn hoàn toàn có thể nhờ công an can thiệp. Để vụ việc có thể giải quyết nhanh chóng, bạn nên cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan như số nhà, giấy nhận đặt cọc, hình ảnh đối tượng cho thuê, các đối tượng lừa đảo cũng sẽ chột dạ mà móc túi trả tiền cho bạn.

Huy Hoàng

 


Ý kiến của bạn