Tôi giật mình vì một ngọn lửa bên đường cháy phùn phụt từ lò than hồng. Người ta nói đó là lửa rèn của bản Phúc Sen. Xe dừng lại. Một đám trẻ ùa ra gọi khách đến mua dao kéo. Trước mắt tôi là một phố lò rèn. Phố của những ngọn lửa hồng...
Những cô gái Nùng An quai búa
Không có cái cảnh, các cô gái và chàng trai áo chàm quen thuộc, quây vòng hát giao duyên tôi đã từng gặp mỗi khi lên vùng Đông Bắc. Mà ở đây, tôi thấy họ đang quai búa, rèn dao, cuốc trên đe sắt. Tôi ngỡ ngàng không tin ở mắt mình. Một người phụ nữ đang vung cao chiếc búa lớn đập xuống một thanh thép đỏ hồng. Còn người chồng thì lấy chiếc búa nhỏ đánh dấu vào những chỗ cần phải đập búa tạ xuống. Cứ thế hai vợ chồng họ rèn chiếc dao đang dần hình thành. Người hướng dẫn viên nói, muốn làm xong con dao phay này, cô vợ phải đập khoảng 200 búa suốt 12 công đoạn đúc rèn. Mà một ngày hai người chỉ làm độ chừng 5 con dao là cùng. Người vợ ngước lên gật đầu nhoẻn cười như một lời chào. Những giọt mồ hôi đọng trên trán cô lã chã rơi xuống đất. Mãi sau đó người chồng mới dừng tay đưa lưỡi dao vào nước tro tôi. Lúc này cô vợ mới được dừng tay trong chốc lát. Bởi vì sau đó con dao lại được đưa vào lò nung. Đợi chừng mươi phút, chiếc dao lại hồng lên như màu mận chín, họ lại đập búa chỉnh cho lưỡi dao thẳng tắp. Ấy là chưa nói đến công đoạn làm cán dao. Khi đã bắt đầu nung rèn, phải làm cho xong con dao, hay đồ vật dụng, nếu không coi như miếng thép đó cứng lại, giòn dễ vỡ khi nguội lạnh. Sau đó mới đến công đoạn làm đẹp mài cho sắc lưỡi dao. Khi người chồng thử độ sắc của con dao bằng cách lấy dao cắt một lá sắt mỏng. Con dao cứa lá sắt đi tuồn tuột, ngọt sớt như cắt giấy vậy.
Đó quả là một sự lạ lùng. Thật khó tin vì sao con dao ấy lại sắc đến vậy. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Long Văn Minh, chủ cửa hàng giải thích, ở Phúc Sen đều làm dao bằng thép nhíp ôtô, nên mới có độ sắc và cứng đến thế. Anh nói, con dao phay này chặt xương bò mới gọi là ngon. Một nhát ăn liền. Anh khoe, dao ở bản anh rèn ăn đứt các loại dao của Trung Quốc tràn ngập ngoài thị trường, kể cả dao ở những lò rèn khác. Nói rồi anh đưa con dao cho một thanh niên trong đoàn chặt thử vào một khúc gỗ lim dày đặc ngay dưới sàn. Mọi người vui vẻ chờ đợi xem mọi sự ra sao. Không ngờ, lưỡi dao cắm phập vào gỗ mà không bị cong vặn, hay mẻ lưỡi. Đúng như thế, bởi muốn bổ khúc gỗ này phải dùng đến chiếc rìu cũng còn khó. Thực ra, không ai lại dùng dao phay chặt gỗ lim cả. Nhưng anh muốn chứng minh cho mọi người biết về dao Phúc Sen, không những sắc mà còn cứng, vì độ bền của thép. Quả nhiên nhiều người mới vỡ lẽ, vì sao cả mấy tỉnh quanh vùng Cao Bằng vẫn đặt thợ Phúc Sen làm hàng. Nào là dao quắm, lưỡi cày, cuốc, xẻng choòng, cào, búa...
Sau đó, chúng tôi may mắn được gặp một thợ rèn lão làng Nông Văn Hiệp, người có thâm niên nửa thế kỷ làm nghề. Ông nói, bí quyết của những người thợ ở đây nằm ở hai khâu. Trước hết là con mắt nhìn độ hồng đỏ của phôi thép đến đâu thì mang ra rèn vật liệu. Nếu để đến độ thép bị đỏ ở mức nóng chảy coi như vứt. Bởi đã phá vỡ kết cấu của thép. Hai nữa đó là cách tôi lưỡi dao qua nước tro. Mà nước tôi lưỡi dao không phải nhà nào cũng giống nhà nào. Họ có kinh nghiệm riêng hòa thêm hợp chất để tăng độ cứng của lưỡi dao thép. Chính vì thế mà những vật dụng nhà nông mua ở Phúc Sen bao giờ cũng có tuổi thọ hàng chục năm. Dân vùng Hà Giang trên cao nguyên đá toàn xuống đây chọn cuốc xẻng về làm. Họ cuốc vào đá liên tục nhưng lưỡi cuốc không bị mẻ. Còn dao quắm thì thôi rồi, dân làng bán không kịp làm nữa, nhất là vào dịp cuối năm hay mỗi khi vào lễ hội. Nom nó xù xì thế nhưng mà sắc phải biết. Càng dùng dao càng nhẵn bóng mát cả tay. Chúng tôi cười, cho là ông nói quá, nhưng hóa ra đúng như thế, bởi cán dao cũng bằng thép. Con dao của Phúc Sen không bao giờ làm cán gỗ. Khi nói đến độ cứng, ông khẳng định, chặt gỗ lim như anh Minh kia ăn thua gì, đến chặt thép dao cũng không bị mẻ ấy chứ.
Câu chuyện giữa chúng tôi với “thần rèn” kia mỗi lúc một sôi nổi. Khi có người hỏi làm sao mà xác minh được đâu là dao Phúc Sen với dao của các lò rèn khác. Ông Hiệp nói oang oang: nhìn vật dụng thép thì biết chứ, các nơi khác chỉ làm bằng sắt, mỏng mảnh gỉ ngay. Dùng một thời gian là quăn, mẻ liền. Với lại, ông bỗng bộc bạch, đã mua đồ ở Phúc Sen thì yên tâm đi. Người dân Phúc Sen không làm điêu bao giờ. Cả trăm năm nay, ai cũng được học lời dạy của ông cha, phải sống sao cho thật lòng. Cấm có ai ở Phúc Sen thay đổi vật liệu làm hàng kém chất lượng bao giờ. Ông khẳng định cái tiếng của Phúc Sen dựng lên từ hàng trăm năm không để mất đi. Hiện nay, không chỉ mấy tỉnh quanh vùng như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn mà tận Hà Nội, hay mấy tỉnh miền Trung cũng đã có những hợp đồng làm hàng với Hợp tác xã rèn Phúc Sen. “Chúng tôi là dân Nùng An mà”. Ông nói rồi cười vang cả bản.
Những người thợ rèn Phúc Sen đang miệt mài lao động.
Điều kỳ bí trong bản Phúc Sen
Khi đi dọc đường vào xã, chúng tôi thấy nhiều nhà đều chôn chó đá trước cửa, mới hay đó là tục lệ hay còn có thể nói đó là tín ngưỡng của người Nùng nói chung. Cả xã Phúc Sen có hơn 2.000 người, chủ yếu là dân tộc Nùng An, đều giữ nếp sống văn hóa và tín ngưỡng từ xa xưa. Ngay từ khi mới đặt chân đến đây, chừng hơn 300 năm, các gia đình người Nùng đã đẽo những con chó đá trấn ở cửa để trừ ma tà, trộm cướp. Đó là thần linh luôn luôn mách bảo, xưa đất mạnh hơn người nếu thờ chó đá sẽ ghìm đất xuống, như thế con người mới được khỏe mạnh, làm ăn no đủ. Có chó đá con người mới yên vui. Người Nùng còn quan niệm chó đá là vị thần hộ mệnh. Họ còn gọi chó đá với những cái tên hết sức kính cẩn như “Cụ Thạch”, hay “Quan lớn Hoàng Thạch”. Chúng tôi bất ngờ gặp bà Lương Thị Vin ở ngay đầu bản Khao B đang lau chùi cho con chó đá ở cửa. Bà nói: “Muốn đặt chó đá, phải đến thầy cúng để xem ngày tốt mới được đi tạc chó đem về nhà. Rồi lại còn tìm hướng để đặt đúng chỗ nữa chứ. Tùy tuổi, hướng nhà mà thầy tìm chỗ đặt, cùng với bát hương. Nhưng trọng lượng và tư thế của chó đá, muốn kỹ cũng phải hỏi thầy chỉ cho, mới yên lòng”. Bà còn kể, ngoài Tết nguyên đán, còn ngày rằm hoặc mùng một, gia chủ phải thắp hương lễ, cúng thức ăn cho chó đá. Và, mọi người luôn luôn nhớ, trước 30 Tết là phải tắm rửa, lau bụi cho chó đá. Đến tối đêm 30, gia chủ thường dán lên lưng chó một tờ giấy màu đỏ, tựa như mặc áo cho “ngài” cùng đón năm mới với gia đình.
Hiện nay, không ít gia đình đã mua chó đá từ nơi khác mang về thờ, bởi tự đẽo vừa khó lại không đẹp. Tuy vậy, nhiều chủ nhà vẫn cùng con cháu tự tay đẽo lấy, dù đến chảy máu tay. Họ quan niệm đó là vị thần thuộc về tâm hồn mình. Linh thiêng và kính cẩn. Có những gia đình lưu giữ cho con cháu những con chó đá mấy đời truyền lại. Càng nhiều đời càng thiêng. Người Nùng coi đó là linh vật giữ cửa nhà, của cải và là “ngài” cai quản cõi âm, trừ tà ma không được xâm nhập vào nhà, để mọi người nhận được phúc lộc quanh năm. Chính vì lẽ đó, tư thế của chó đá cũng được người Nùng coi trọng. Và, có gia đình tạc hẳn một chó đá to y như thật, đứng hiên ngang ngay bên cửa chính. Nhưng có lẽ đa phần, những chó đá rải rác quanh vùng Phúc Sen đều chọn dáng thế phục mồi, với cặp mắt dõi theo điểm chọn phía trước. Đó là tư chất của một “thần” canh giữ biên cương không cho ma quái vào nhà. Vậy để “nuôi” chó đá phải theo thuật phong thủy, những người Nùng đã xác định “nuôi” thì không được bỏ đi, bởi khi đó vận đen đến lúc nào không hay biết. Tai họa bất ngờ không tránh kịp. Do vậy, về tâm linh, tục thờ chó đá của người Nùng ở Cao Bằng cũng gần gũi với giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ chó đá trong tâm thức người Việt nói chung.
Còn đó những điệu hát giao duyên
Trong 13 nhánh của người Nùng ở khắp đất nước thì dòng Nùng An ở Phúc Sen vẫn còn giữ được nhiều nếp sống văn hóa riêng biệt, ít bị lai tạp trong dòng phát triển của xã hội hiện nay. Riêng trang phục thì người Nùng An không hề thay đổi, cho dù sống ngay bên cạnh phố phường đô thị, huyện Quảng Uyên. Từ nam đến nữ, trẻ hay già, hàng ngày thường mặc áo chàm. Dù ai đi làm xa, hay ở vị trí xã hội nào, khi về đến làng là mặc ngay bộ quần áo chàm quen thuộc. Đặc biệt cả ba dòng họ chính như Hoàng, Nông, Lương ở Phúc Sen đều giữ tục lệ ăn tết quanh năm. Bởi ở đây tháng nào ở đây cũng có ngày lễ, tết. Chính vì thế các chàng trai cô gái thường hát giao duyên rất hay. Dòng người Nùng An ở đây có riêng làn điệu hát “Gọi hát đôi” (Hèo phưn), mà dòng Nùng khác không có. Giai điệu mượt mà, sâu lắng, thể hiện tấm lòng son sắt, mặn nồng qua những lời ca về tình yêu. Đó là những bài tự sự, hẹn hò bâng khuâng đến khó tả. Lời hát của chàng trai với cô gái sau khi hát suốt đêm vẫn khó dứt, khi chàng nhắn lại rằng: “Anh đi, hồn anh vẫn mãi mãi ở lại cuối sàn nhà em. Nếu em có nghe lá rụng thì đừng giật mình em nhé”. Giao duyên vậy mà bất tận. Giao duyên làm thổn thức lòng người. Nắng xuân từ trên cánh rừng trải xuống đồng cỏ, như tấm lụa vàng hòa với những ngọn lửa hồng, bập bùng cháy bên đường.