Lừa đảo mua hàng trực tuyến gia tăng trong dịch COVID-19

01-08-2021 18:00 | Thị trường
google news

SKĐS - Gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Trong đó, nổi bật là các vấn đề liên quan đến quảng cáo gian dối, bán hàng không rõ nguồn gốc, lừa đảo bán hàng, cung cấp thông tin không rõ ràng, không đầy đủ.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 - Ảnh 1.

Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2020, có đến 80% người tiêu dùng sử dụng phương thức nhận hàng trả tiền (COD) trong các giao dịch thương mại điện tử. Nguyên nhân cơ bản của tỷ lệ 80% nêu trên một phần là do người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không tin tưởng vào chất lượng, sự an toàn của phương thức mua sắm trực tuyến.

Nhiều rủi ro của người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, chị Hồng Vân (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) đã chuyển hẳn sang mua sắm trực tuyến.

Theo chị Vân, mua sắm qua mạng là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thế nhưng, khi chị đặt mua hàng trên tài khoản facebook thì sản phẩm nhận được thường khác xa với hình ảnh ban đầu. Liên hệ với bên giao hàng để trả lại, chị Vân không được đồng ý. Liên lệ với bên bán hàng thì chị bị chặn số không thể liên lạc được.

Chị Vân là một trong số rất nhiều trường hợp mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thường xuyên nhận được phản ánh, khiếu nại liên quan tới các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong mua sắm trực tuyến thời gian qua.

Báo cáo thường niên của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng các năm từ 2017 tới năm 2020 cho thấy, các phản ánh, khiếu nại vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là một trong những nội dung thường xuyên và liên tục.

Theo đó, phổ biến là hành vi đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do. Sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng đã đặt nhưng có vấn đề về chất lượng, giấy tờ giao dịch.

Bên cạnh đó, là tình trạng người tiêu dùng bị hủy đơn hàng tự động với lý do "người giao hàng không liên hệ được người mua", mà thực tế người tiêu dùng không nhận được liên hệ nào của bên giao hàng.

Ngoài ra, là tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng... Khi có nhu cầu đổi, trả hàng, nhiều người tiêu dùng bị từ chối hoặc kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 - Ảnh 2.

Mua sắm qua mạng là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Người tiêu dùng còn đối mặt nhiều hơn với những vi phạm quyền lợi khi mua hàng qua mạng như: hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng không áp dụng đồng kiểm, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, bảo mật thông tin cá nhân…

Một số lưu ý cho người tiêu dùng

Trước xu hướng lừa đảo thường xuyên, hàng ngày trên môi trường internet, nhằm nâng cao nhận thức, tự bảo vệ quyền lợi của bản thân khi tham gia thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, người tiêu dùng cần lưu ý một số vấn đề. 

Cụ thể như: kiểm tra tính chính xác, mức độ tuân phủ pháp luật thương mại điện tử của website thương mại điện tử. Trước khi giao dịch, người tiêu dùng nên xác định về tính chính xác, mức độ tuân thủ pháp luật của website thương mại điện tử thông qua việc kiểm tra xem website đã thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký với Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Bộ Công Thương hay chưa.

Với mỗi người tiêu dùng, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện các giao dịch thương mại điện tử một cách tốt nhất là rất cần thiết đối với mỗi người tiêu dùng.

Quyền lợi người tiêu dùng cần được tăng cường bảo vệ

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng hàng hóa bán trên các trang mạng xã hội cũng phức tạp theo. Cụ thể như: hàng hóa chưa được cấp phép hoặc không có pháp nhân tại Việt Nam, không kiểm tra được thông tin người bán hoặc thông tin về giá cả, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa… dẫn đến việc người mua nhận phải hàng kém chất lượng, không có hóa đơn chứng từ…

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua hàng từ các website, sàn thương mại điện tử uy tín được xác nhận thông tin tại địa chỉ: http://online.gov.vn.

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đơn vị này thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin để đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng trong giao dịch mua sắm, đặc biệt là mua sắm trực tuyến trong mùa dịch. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Để đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh, các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý, người tiêu dùng cần nhanh chóng phản ánh và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết các yêu cầu khi nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, cần sớm phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi.

Ngày 12/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ. Khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững. Chương trình đặt mục tiêu đến hết năm 2025, hằng năm, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đều có hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Bảo đảm tối thiểu 60 tỉnh, thành phố trực thuộc TW thành lập được Hội Bảo vệ người tiêu dùng cấp tỉnh. Tối thiểu 40 tỉnh, thành phố phát triển được mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới địa bàn quận, huyện. Hằng năm ít nhất 200.000 người tiêu dùng trên cả nước được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc được đào tạo kỹ năng về tiêu dùng… Chương trình sẽ tập trung phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo những nội dung, như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường công tác đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc…



Đỗ Vi
Ý kiến của bạn