Hà Nội

Lửa có tàn khi sang tuổi trung niên?

17-09-2018 09:20 | Sức khỏe sinh sản
google news

Tuổi trung niên là cả một giai đoạn dài của đời người, khi đã qua thời trai trẻ và trưởng thành nhưng chưa được coi là có tuổi (ngoài 65). Nếu tuổi trung niên là 45 - 65 thì khoảng rộng về thời gian như thế tất nhiên dẫn đến sự khác biệt rất lớn giữa các cá thể về chức năng tình dục.

Tuổi trung niên là cả một giai đoạn dài của đời người, khi đã qua thời trai trẻ và trưởng thành nhưng chưa được coi là có tuổi (ngoài 65). Nếu tuổi trung niên là 45 - 65 thì khoảng rộng về thời gian như thế tất nhiên dẫn đến sự khác biệt rất lớn giữa các cá thể về chức năng tình dục. Nhiều tác giả đã coi sự tàn dần của chức năng tình dục ở tuổi trung niên cả 2 giới do nhiều lí do và có thể bao gồm sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố:

Trước tiên là sự suy giảm hormon...

Cả hai giới đều đối diện với tình trạng suy giảm hormon ở tuổi trung niên như một quy luật, tuy nam giới có thể chậm hơn. Tác động của tình trạng suy giảm này đến chức năng tình dục như thế nào còn có nhiều điều khó giải thích. Buồng trứng ngừng hoạt động vào độ tuổi 50 và giai đoạn mãn kinh bắt đầu, lúc này nồng độ hormon estrogen và progesteron tụt giảm nhanh dẫn đến nhiều thay đổi về tâm sinh lý.

Sự bài tiết hormon nam (testosteron) cũng giảm dần ở nam sau tuổi 40 và là hormon quyết định ham muốn tình dục ở cả hai giới. Người ta nhận thấy rằng ngay cả nam giới khỏe mạnh đến độ tuổi 55 thì nồng độ testosteron trong máu cũng giảm đi rõ rệt so với 10 năm trước.  Trong thực tế, hầu hết nam ở tuổi 80 thì nồng độ hormon giảm chỉ còn bằng mức trước tuổi dậy thì.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

... Dẫn đến những biến đổi sinh lý, tâm lý và cơ thể

Ở nữ, trước hết là rối loạn chu kỳ kinh: khoảng 90% phụ nữ có triệu chứng này. Vì sự phóng noãn thất thường cho nên không có progesteron do đó kinh nguyệt có thể kéo dài và nhiều; cơn bốc nóng và rối loạn về giấc ngủ: 85% phụ nữ có triệu chứng này trong giai đoạn tiền mãn kinh; hội chứng tiền kinh nguyệt cũng nặng hơn; thay đổi tính tình, trầm cảm, khó tập trung suy nghĩ (estrogen có ảnh hưởng đến sự bài tiết serotonin ở não, thiếu sertonin có thể dẫn đến trầm cảm); giảm bài tiết dịch âm đạo (gây khó khăn cho quan hệ tình dục), dễ nhiễm khuẩn đường tiết niệu và không kiểm soát được tiểu tiện; giảm khả năng sinh sản; giảm khối lượng cơ bắp, phát triển mô mỡ cho nên bụng và eo to ra, da bớt sáng láng mịn màng;  tăng nguy cơ loãng xương;  tăng cholesterol máu: do thiếu estrogen nên có những thay đổi về mỡ trong máu, từ đó tăng nguy cơ bị bệnh tim.

Ở nam cũng có biến đổi tương tự: kém hăng hái, giảm sức mạnh cơ bắp và/hoặc sự bền bỉ; giảm khéo léo trong hoạt động thể thao; dễ buồn ngủ sau bữa ăn tối; giảm khả năng làm việc, giảm hoạt động trí tuệ, giảm  định hướng không gian, mỏi mệt, trầm nhược và bực bội; giảm lông trên cơ thể và có thay đổi về tóc (hói); giảm tỉ trọng khoáng ở xương gây loãng xương; tăng mỡ ở các phủ tạng và to bụng...

... Và cả những rào cản văn hoá, định kiến xã  hội

Với phụ nữ, bước vào tuổi trung niên, cuộc sống trở nên thảnh thơi hơn, lo toan cho con cái giảm bớt, lo lắng về sinh đẻ cũng không còn, lại tự tin hơn vì đã có nhiều kinh nghiệm sống. Lẽ ra họ phải được hưởng một đời sống tình dục thoả mãn hơn nhưng nhiều quan niệm truyền thống của xã hội đã cản trở sự hưởng thụ đời sống tình dục hơn chính những thay đổi sinh học của cơ thể, khiến cho một số phụ nữ như phải “già đi trước tuổi”.

Nhiều phụ nữ có định kiến sai lầm rằng tình dục là vấn đề của tuổi trẻ, sự hấp dẫn tình dục chỉ có những cơ thể trẻ trung và mất dần sự tự tin. Nhiều người còn có mặc cảm về đạo đức, không dám thể hiện những ứng xử tình cảm giữa vợ chồng để giữ “uy tín”, nhất là khi con cái đã lớn. Chính thái độ “không hợp tác” của vợ đã làm cho các ông chồng có lí do để “khỏa lấp” chỗ trống tình cảm bằng những cuộc “phiêu lưu tình ái” bên ngoài.

Như vậy, thực sự  đã có nhiều tác động đến cả hai giới độ tuổi trung niên và đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tình dục của họ.

Có nhiều giải pháp

Lối sống tích cực và lành mạnh, một cuộc sống không có stress bao giờ cũng là những khuyến cáo hàng đầu. Liệu pháp hormon có thể chỉ định cho cả hai giới nhưng rất nhiều khi không chỉ dựa trên những rối loạn về chức năng tình dục mà còn phải tính đến các bệnh phối hợp. Vì thế khi nam bị yếu sinh lý và kèm chứng loãng xương, cơ bắp teo tóp hoặc mỏi mệt thì thầy thuốc có thể cho dùng testosteron nếu xác nhận có thiếu hụt. Cách chữa trị này có thể dùng dưới dạng miếng dán, kem hay cấy dưới da ở các nước Anh, Mỹ nhưng ở Pháp lại dùng dạng tiêm nhiều hơn. Nhiều trường hợp khác, cách chữa trị chứng yếu sinh lý của những nam giới có tuổi lại không dùng đến hormon mà dựa nhiều hơn vào những thuốc làm thay đổi sự cung cấp máu cho các thể hang, thể xốp của dương vật, đó là những thuốc ức chế enzym phosphodiesterase 5 (PDE5).

Phụ nữ tuổi trung niên cũng có thể duy trì dục năng bằng dùng thuốc thích hợp và một lối sống tích cực: vợ chồng cần quan tâm săn sóc nhau, chăm sóc sức khỏe bản thân, bao gồm ăn uống hợp lý (nhiều rau quả, ít thịt), vận động hằng ngày (đi bộ...), tâm trí thanh thản (yoga, thiền là những phương pháp tốt để giải toả stress).


BS.Đào Xuân Dũng
Ý kiến của bạn