Hà Nội

Lựa chọn thuốc trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ

20-11-2022 10:06 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nếu không được phát hiện và điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ kịp thời có thể khiến trẻ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy lựa chọn các thuốc điều trị căn bệnh này thế nào?

Trào ngược dạ dày - thực quản ở trẻ nhỏTrào ngược dạ dày - thực quản ở trẻ nhỏ

Chăm sóc bé như thế nào cho đúng cách để làm giảm triệu chứng trào ngược và nhất là làm sao phát hiện sớm những trường hợp có biến chứng, để kịp thời xử trí là những điều các bậc phụ huynh nên biết về vấn đề dễ tiêu hóa thường gặp này.

1. Vì sao trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ là hiện tượng trào ngược các chất trong dạ dày vào thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản hay xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi và có thể tự hết. Trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: Trào ngược do sinh lý và trào ngược do bệnh lý.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ là do:

  • Dạ dày của trẻ nhỏ nằm ngang, góc thực quản và dạ dày là góc tù, nên dễ trào ngược hơn. Hoạt động của dạ dày trẻ chưa ổn định.
  • Hệ tiêu hóa trẻ nhạy cảm, khả năng hấp thụ dinh dưỡng còn kém.
  • Do khuyết tật bẩm sinh: Thoát vị hoành, cơ thắt thực quản dưới…
  • Do mắc bệnh: Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, hẹp môn vị…
  • Do bú sai tư thế, trẻ nuốt nhiều hơi khi bú..
  • Do thức ăn hoặc trẻ không dung nạp thức ăn…
photo-1668762048710

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ cần được phát hiện và điều trị sớm.

2. Trào ngược dạ dày thực quản có gây biến chứng không?

Trào ngược dạ dày thực quản nếu để lâu sẽ gây nhiều biến chứng nặng:

- Viêm thực quản, lâu ngày có thể dẫn tới sẹo hay hẹp thực quản;

- Barret thực quản, thậm chí có thể ung thư thực quản;

- Viêm mũi họng, ho khò khè kéo dài và khó điều trị;

- Khó thở do viêm thanh quản cấp hoặc hen phế quản;

- Dịch acid khi trào lên miệng gây mòn răng, hỏng men răng;

- Viêm tai giữa tái phát nhiều lần, viêm xoang;

- Trẻ sụt cân, chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng

3. Điều trị thế nào?

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản cần được điều trị càng sớm càng tốt. Hiện tại không có phương pháp điều trị đặc hiện mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.

3.1. Điều trị không dùng thuốc

- Điều chỉnh chế độ ăn: Trước hết, cần chỉnh chế độ ăn bằng cách giảm phần ăn từ 10 phần ăn còn 6-7, làm đặc thức ăn, đồng thời phải chia nhỏ các bữa ăn.

- Không cho trẻ ăn thức ăn dễ gây trào ngược như thực phẩm rán, đồ uống có ga, trà sữa…

- Với trẻ nhỏ, cho ợ hơi sau khi bú.

- Không cho trẻ nằm luôn sau khi ăn.

- Không cho trẻ chạy nhảy nô đùa cười nhiều sau ăn...

- Loại trừ khả năng dị ứng protein sữa bò.

photo-1668762050005

Cho trẻ ợ hơi sau khi bú để giảm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.

3.2. Dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ

Do thuốc có thể làm cản trở hấp thu canxi và sắt, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa nên việc dùng thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ không khuyến cáo. Ngoại trừ một vài trường hợp có biến chứng.

-Thuốc chống nôn metoclopramid: Dùng thuốc trước bữa ăn và trước khi ngủ. Tuy nhiên, cần cân nhắc giữa hiệu quả và tác dụng phụ.

- Có thể dùng các thuốc kháng acid để giảm trào ngược dạ dày thực quản:

Thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lansoprazol): Thuốc omeprazol được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ cho dùng ở trẻ em > 1 tuổi. Lưu ý, thuốc nên uống vào buổi sáng, lúc đói, trước ăn 30 phút.

Thuốc ức chế thụ thể H2 (như ranitidine) trong thời gian ngắn ở các trường hợp trẻ chậm phát triển, bỏ ăn, viêm thực quản, hen phế quản mạn tính… Thuốc giúp giảm lượng acid trong dạ dày của trẻ giúp trẻ giảm trào ngược dạ dày thực quản.

4. Làm sao điều trị an toàn?

Để điều trị cho trẻ an toàn, cần lưu ý:

- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ.

- Cần đưa trẻ đi khám tại phòng khám chuyên khoa nhi để được khám và chỉ định cách điều trị chính xác nhất.

- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn cách điều trị của bác sĩ.

- Không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Trong khi điều trị, nếu thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào (nôn nhiều lần, nôn ra máu, nôn dữ dội, viêm phổi, bỏ ăn uống, chậm tăng cân, khò khè, đau vùng cổ họng, đau giữa ngực…) hoặc khi trẻ dưới 2 tuổi và trẻ điều trị sau 7 ngày không đỡ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được xử trí kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những loại trái cây chứa nhiều đường tự nhiên nhất.

BS. Nguyễn Văn Hùng
Ý kiến của bạn