1. Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu do virus varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em dễ mắc bệnh nhất. Bệnh thường xảy ra vào tháng 2-6 hàng năm, nhất là tháng 3, tháng 4, khi thời gian mà độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển.
Người bệnh có thể nhiễm virus bằng cách hít phải các giọt bắn của người bị thủy đậu, hoặc tiếp xúc phải mụn nước thủy đậu bị vỡ, tiếp xúc đồ sinh hoạt cá nhân: Quần áo, chăn màn… khi mụn nước vỡ bắn vào.
Thủy đậu dễ lây nhất từ 1 đến 2 ngày trước khi phát ban xuất hiện, cho đến khi tất cả các mụn nước khô và đóng vảy.
2. Các triệu chứng của thủy đậu thường gặp
Các triệu chứng thủy đậu thường xuất hiện trong vòng 10 đến 21 ngày sau khi trẻ tiếp xúc với người nhiễm virus. Hầu hết mọi người phục hồi trong khoảng 2 tuần.
Trẻ thường gặp các những triệu chứng sau:
- Nhức mỏi cơ thể.
- Sốt.
- Cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
- Cảm thấy khó chịu.
- Ăn mất ngon.
- Đau đầu.
Trong vòng một hoặc 2 ngày, sẽ bị phát ban do thủy đậu. Phát ban qua 3 giai đoạn:
- Trong giai đoạn đầu tiên, nổi mụn ngứa hồng hoặc đỏ. Các nốt ban đầu tiên xuất hiện vùng đầu (chân tóc), mặt, ngực, bụng. Sau đó có thể lan toàn bộ cơ thể. Trong trường hợp nghiêm trọng, nốt ban có thể xuất hiện trong miệng, mắt, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục.
- Sau vài ngày, những phát ban này sẽ biến thành những mụn nước nhỏ, chứa đầy chất lỏng gọi là mụn nước. Mụn nước kéo dài khoảng 24 giờ trước khi vỡ và bắt đầu rò rỉ.
- Cuối cùng, những vết mụn nước vỡ này đóng lại và đóng thành vảy.
3. Biến chứng của thủy đậu
Trẻ mắc thủy đậu nếu không được điều trị sớm, kịp thời và đúng cách có thể gặp các biến chứng: Nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn, viêm phổi, viêm gan, viêm não, thủy đậu xuất huyết, nhiễm trùng máu, viêm khớp…
Khi đã bị thủy đậu, virus varicella-zoster tồn tại trong các tế bào thần kinh của người bệnh trong nhiều năm. Nó có thể hoạt động dẫn đến bệnh zona. Tuy nhiên, hiện nay đã có vaccine cho bệnh zona.
4. Điều trị thủy đậu thế nào?
4.1. Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt
Nếu bệnh nhân bị sốt cao trên 38,5 độ C hoặc đau nhức do thủy đậu, có thể sử dụng thuốc acetaminophen (paracetamol) để giúp giảm đau, đặc biệt vết loét phát triển trên da hoặc trong miệng. Lưu ý, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ. Hoặc sử dụng liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 4-6 giờ.
4.2. Thuốc bôi tại chỗ
Có thể dùng chế phẩm bôi tại chỗ như su bạc nano, xanhmethylen để tránh bội nhiễm da.
4.3. Thuốc kháng histamin
Khi mắc thủy đậu trẻ có thể khó chịu, ngứa ngáy. Nhiều trường hợp trẻ gãi nhiều, mạnh có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, thậm chí có thể gây nhiễm trùng thứ phát. Do đó, để hạn chế ngứa, có thể uống thuốc kháng histamin để giảm ngứa và khiến trẻ thấy dễ chịu hơn.
4.4.Thuốc kháng virus
Một số nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu trung bình đến nặng nên được xem xét điều trị bằng thuốc kháng virus acyclovir. Nhóm rủi ro cao này bao gồm:
- Trẻ em trên 12 tuổi, người lớn.
- Những người có hệ thống miễn dịch yếu: Nhiễm HIV, ung thư, điều trị hóa chất, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch...
- Tiền căn bệnh về da hoặc bệnh lý mạn tính về tim, phổi
Lưu ý, nên dùng acyclovir càng sớm càng tốt, tốt nhất nên dùng trong vòng 24h khi có phát ban đầu tiên.
4.5. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh chỉ sử dụng khi có các dấu hiệu nhiễm trùng, các vết loét trên da bị sưng, đau và có mủ. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ chỉ định và kê đơn.
5. Chăm sóc khi trẻ bị thủy đậu
Các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ nên giữ cho trẻ:
- Tránh gãi: Ban thủy đậu rất ngứa, vì vậy khi gãi vị trí mụn nước sẽ gây nhiễm trùng da do vi khuẩn (để lại sẹo). Có thể cắt móng tay cho trẻ. Vệ sinh da sạch sẽ, không kiêng tắm.
- Mặc quần áo thoáng mát, tránh ra mồ hôi (vì sẽ làm tăng cảm giác khó chịu và tăng mức độ ngứa).
- Cho trẻ uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp cơ thể loại bỏ virus nhanh hơn, đỡ mệt mỏi vì khi sốt sẽ mất nước.
- Đảm bảo dinh dưỡng tốt, ăn đồ lỏng, mát: Canh, cháo, súp, sinh tố…, đặc biệt khi trẻ bị mụn nước thủy đậu trong miệng.
6. Phòng bệnh thủy đậu thế nào?
- Trẻ em nghỉ học trong thời gian bị bệnh, đến khi mụn thủy đậu đóng hết vảy, không đến nơi đông người khi bản thân bị thủy đậu.
- Tiêm vaccine là chìa khóa phòng bệnh. Nên thực hiện tiêm 2 mũi vaccine thủy đậu sẽ phòng đến 90% bệnh, nếu có mắc thì bệnh cũng rất nhẹ. Mũi thứ nhất tiêm 12-15 tháng sau sinh. Mũi nhắc lại 4-6 tuổi. Những người trên 13 tuổi chưa được tiêm vaccine thủy đậu nên tiêm 2 mũi, mũi sau cách mũi trước ít nhất 28 ngày.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 dấu hiệu gan của bạn đang cầu cứu.