Vì sao thức ăn gây dị ứng?
Theo các nghiên cứu trên thế giới, tỉ lệ dị ứng thức ăn ở mỗi quốc gia đều rất khác nhau, tuy nhiên, trung bình tỉ lệ dị ứng thức ăn ở người lớn khoảng 3% dân số, tỉ lệ dị ứng ở trẻ em cao hơn (dao động từ 5 - 7% dân số) và chủ yếu ở trẻ dưới 4 tuổi. Dị ứng thức ăn liên quan nhiều đến cơ chế miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, khi một loại thức ăn nào đó được đưa vào cơ thể, nếu hệ miễn dịch quá mẫn với loại thức ăn đó, cơ thể sẽ tăng sinh các kháng thể globulin miễn dịch E (kháng thể IgE) nhằm chống lại và trung hòa các yếu tố lạ (dị nguyên) trong các loại thức ăn này. Tuy vậy, trong quá trình tăng sinh kháng thể IgE, hệ miễn dịch của cơ thể đó sẽ giải phóng một loạt histamin từ tế bào mast dưới da. Histamin có vai trò đặc biệt quan trọng trong các phản ứng dị ứng, vì vậy, khi chúng được giải phóng với một lượng lớn sẽ kích hoạt các phản ứng dị ứng với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như các triệu chứng ngoài da, triệu chứng hô hấp, tiêu hóa, thần kinh hoặc nặng có thể gây sốc phản vệ.
Trong cuộc sống thường ngày có nhiều loại thực phẩm có thể gây dị ứng, nhất là với người có cơ địa dị ứng (hen suyễn, chàm, mề đay...) như sữa bò, các sản phẩm từ sữa, trứng, các sản phẩm từ trứng hoặc các loại tôm, cua, cá (nước ngọt hay nước mặn), sò, hến, nhộng, ba ba..., một số ngũ cốc có chứa gluten (lúa mì...), đậu nành, lạc, hạt dẻ...
Những thực phẩm dễ gây dị ứng.
Nên dùng thuốc gì khi bị dị ứng thức ăn?
Trong trường hợp dị ứng thức ăn nặng do ngộ độc thực phẩm việc đầu tiên là cần phải cho người bệnh thải ra hết thức ăn còn trong cơ thể bằng cách gây nôn. Nếu người bệnh đã nôn hoặc đã và đang tiêu chảy, có thể điều trị bằng các thuốc chống dị ứng.
Thuốc kháng histamin H1: Hầu hết với những trường hợp nhẹ, thuốc điều trị chủ yếu thường là kháng histamin H1 như sirô phenergan, chlopheniramin, clarytine, promethazin (loại này không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi)... Đây là loại thuốc có tác dụng kiểm soát lượng histamin sản sinh trong cơ thể, từ đó kìm hãm phản ứng dị ứng ngoài da, giúp giảm ngứa, tuy vậy, có hai loại terfenadin và astermizol không được phép dùng vì đã bị cấm.
Thuốc trợ tim mạch: Trong trường hợp dị ứng nặng (như sốc phản vệ), histamin giải phóng ồ ạt, một mình thuốc kháng histamin H1 không thể giải quyết được mà phải phối hợp thêm với các biện pháp hồi sức cấp cứu, thuốc trợ tim mạch (adrenalin), kèm thở ôxy để hỗ trợ hô hấp... Thuốc adrenalin có tác dụng nâng huyết áp, chống trụy mạch, suy tim cấp. Với các trường hợp ngộ độc thức ăn có các triệu chứng trụy tim mạch, hạ huyết áp nên dùng càng sớm càng tốt, tuy nhiên cần phải thực hiện tại cơ sở y tế đủ điều kiện (khoa cấp cứu).
Thuốc chống co thắt phế quản: Bên cạnh đó cần sử dụng thuốc chống co thắt phế quản, đặc biệt với người mắc bệnh hen suyễn bị dị ứng thức ăn. Tốt nhất là dùng thuốc chủ vận bê ta, gồm có 2 dạng hít như salbutamol, salmeterol kết hợp với dùng corticoid dạng hít (seretid, symbicort...). Tác dụng của corticoid dạng hít dùng cho người dị ứng thức ăn là để giảm co thắt phế quản, bên cạnh đó có thể dùng corticoid tiêm hoặc uống để phòng sốc phản vệ xảy ra muộn.
Những lưu ý khi dùng thuốc chữa dị ứng
Với thuốc kháng histamin H1 có thể gây buồn ngủ nên không dùng trong khi lái xe hay làm việc cần độ tập trung cao. Loại thuốc này cũng không nên dùng dài ngày mà chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và dừng khi các triệu chứng dị ứng đã giảm để tránh tình trạng lệ thuộc thuốc. Đặc biệt không được dùng kéo dài cho trẻ vì có thể gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ. Ngoài ra, thuốc này chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng, chứ không điều trị được nguyên nhân, nên không giúp bệnh nhân khỏi bệnh được hoàn toàn. Điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ thức ăn gây dị ứng mới có thể trị được căn nguyên bệnh.
Người bệnh không được tự ý dùng thuốc trợ tim mạch adrenalin mà thuốc phải có chỉ định của bác sĩ và thực hiện tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, người nhà hay bản thân bệnh nhân cần cung cấp tiền sử bệnh tật cho bác sĩ điều trị vì thuốc không được dùng cho người mắc bệnh tuyến giáp chưa được điều trị ổn định, người bị bệnh tim mạch nặng, tăng huyết áp, người bệnh bị glocom góc hẹp hay có nguy cơ bị glocom góc đóng...
Thuốc chống co thắt phế quản được sử dụng dưới dạng hít thì người bệnh phải có đĩa quay và dụng cụ riêng để chọc thủng nang thuốc ngay trước khi dùng. Bên cạnh đó, mỗi người có tình trạng bệnh khác nhau nên không được chia sẻ liều hay thực hiện liều thuốc của người khác hay theo lời mách bảo khiến thuốc không có tác dụng hay quá liều gây hậu quả không tốt cho sức khỏe.
Dị ứng thức ăn tuy xảy ra với tỷ lệ thấp nhưng không được chủ quan vì đáng sợ nhất là bị sốc phản vệ, vì vậy, bất kỳ ai, dù lứa tuổi nào khi nghị bị dị ứng thực phẩm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời đề phòng sốc phản vệ.