Các loại thực phẩm nên ăn
Rau lá xanh
Rau là một phần không thể thiếu được trong một chế độ ăn lành mạnh. Rau cung cấp các nguồn vitamin, khoáng chất và chất xơ tuyệt vời, có thể ngăn chặn việc ăn quá nhiều, dẫn đến tăng cân và các vấn đề về lượng đường trong máu.
Rau lá xanh, bao gồm rau bina, cải xoăn, cải bắp, bông cải xanh là nguồn cung cấp kali, vitamin A và canxi, protein và rất nhiều chất xơ. Ăn rau lá xanh rất hữu ích cho những người mắc bệnh ĐTĐ do hàm lượng chất chống ô xy hóa cao và các enzyme tiêu hóa tinh bột.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy, uống 300ml nước ép cải xoăn mỗi ngày trong 6 tuần, có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và cải thiện huyết áp ở những người bị tiền tăng huyết áp. Rau lá xanh có thể ăn dưới dạng món salad, món ăn phụ, súp và bữa tối. Kết hợp chúng với một nguồn protein nạc, chẳng hạn như thịt gà hoặc đậu phụ.
Đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Các loại đậu
Đậu là một lựa chọn thực phẩm tuyệt vời cho những người mắc bệnh ĐTĐ. Chúng là nguồn protein từ thực vật, giúp thỏa mãn cơn thèm ăn đồng thời giúp giảm lượng carbohydrate. Đậu có mức thang chỉ số đường huyết (GI) thấp và rất tốt cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu so với nhiều loại thực phẩm giàu tinh bột khác.
Ngoài ra, đậu có thể giúp mọi người quản lý lượng đường trong máu, vì đây là một carbohydrate phức tạp, vì vậy cơ thể tiêu hóa chúng chậm hơn so với các carbohydrate khác. Ăn đậu cũng có thể giúp giảm cân và có thể giúp điều chỉnh huyết áp và cholesterol.
Những loại đậu này cũng chứa các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kali và magiê. Khi sử dụng đậu đóng hộp, hãy chắc chắn chọn loại không thêm muối. Nếu không, để ráo nước và rửa sạch đậu để loại bỏ bất kỳ muối thêm vào.
Trái cây có múi và quả mọng
Các loại trái cây có múi như cam, bưởi và chanh… rất tốt cho người bệnh ĐTĐ. Ăn trái cây họ cam quýt là một cách tuyệt vời để có được vitamin và khoáng chất từ trái cây. Một số nghiên cứu cho thấy, hai chất chống oxy hóa là bioflavonoid và naringin chịu trách nhiệm về tác dụng chống đái tháo đường của cam. Trái cây có múi cũng là một nguồn cung cấp nhiều vitamin C, folate, kali…
Dinh dưỡng là một trong ba biện pháp không thể thiếu trong điều trị đái tháo đường.
Bên cạnh đó, quả mọng có chứa đầy đủ các chất chống oxy hóa, có thể giúp ngăn ngừa oxy hóa, chống stress. Stress do oxy hóa có liên quan đến một loạt các tình trạng sức khỏe, trong đó có ĐTĐ. Quả việt quất, mâm xôi, dâu tây đều chứa hàm lượng chất chống oxy hóa và chất xơ cao. Chúng cũng chứa các vitamin và khoáng chất quan trọng khác, bao gồm: Vitamin C, vitamin K, mangan, kali…
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt chứa hàm lượng chất xơ cao và nhiều chất dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc trắng tinh chế. Một chế độ ăn nhiều chất xơ rất quan trọng đối với những người mắc bệnh ĐTĐ vì chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng chậm hơn giúp giữ lượng đường trong máu ổn định.
Lúa mì nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt có GI thấp hơn so với bánh mì trắng và gạo. Điều này có nghĩa là chúng ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Những ví dụ điển hình về ngũ cốc nguyên hạt cần có trong chế độ ăn kiêng là: Gạo lứt, bánh mì, ngũ cốc, mì ống nguyên chất, hạt kê, lúa mạch đen…
Cá béo
Cá béo là một thực phẩm bổ sung lành mạnh. Cá béo chứa axit béo omega-3 quan trọng là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA).
Mọi người cần một lượng chất béo có lợi cho sức khỏe để giữ cho cơ thể hoạt động và tăng cường sức khỏe của tim và não. Chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn có thể cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu và lipid máu ở những người mắc bệnh ĐTĐ. Một số loại cá nên ăn: Cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ albacore, cá trích...
Bên cạnh đó, có thể ăn rong biển như tảo bẹ và tảo xoắn, là nguồn thay thế dựa trên thực vật của các axit béo này.
Thay vì cá chiên có chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, mọi người có thể thử cá nướng. Kết hợp với hỗn hợp các loại rau cho sự lựa chọn bữa ăn lành mạnh.
Tăng cường ăn các loại rau lá xanh.
Lưu ý ở người ĐTĐ mắc kèm các bệnh khác
Những người bị cả tăng huyết áp và bệnh ĐTĐ có thể tuân theo một kế hoạch ăn kiêng tương tự với những người chỉ bị ĐTĐ. Tuy nhiên, những người bị tăng huyết áp cũng nên giảm lượng natri (tìm kiếm thực phẩm có lượng natri thấp), tránh hoặc hạn chế cà phê hoặc đồ uống có chứa caffeine, tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Những người mắc bệnh béo phì và ĐTĐ nên tuân theo các quy tắc thực phẩm giống như những người chỉ bị ĐTĐ: Tránh thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa; chú ý đến lượng thực phẩm ăn vào, đặc biệt là thực phẩm có chứa carbs, chất béo hoặc cả hai; hạn chế ăn muối để giúp tránh các biến chứng do tăng huyết áp; lựa chọn tốt nhất là tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm trái cây, rau, protein nạc và carbohydrate giàu chất xơ.
Những người mắc bệnh ĐTĐ và bệnh celiac (không dung nạp gluten), bên cạnh chế độ ăn của người bệnh ĐTĐ cần tránh các thực phẩm có chứa gluten như các sản phẩm làm từ lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen, vì cơ thể họ không thể xử lý gluten có trong các sản phẩm này.