Lựa chọn phương pháp điều trị bệnh thận mạn để sống khỏe trong dịch COVID-19

15-03-2022 20:00 | Y học 360
google news

Ước tính có khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới hiện mắc các bệnh lý về thận do các nguyên nhân khác nhau. Con số này gấp đôi số lượng bệnh nhân đái tháo đường và gấp 20 lần so với bệnh ung thư.

Nhân Ngày Thận thế giới (World Kidney Day), diễn ra vào thứ 5, tuần thứ 2 tháng 3 hàng năm, trên thế giới và ở Việt Nam có nhiều hoạt động khoa học để kỷ niệm và tôn vinh ngày đặc biệt này.

Ngày Thận thế giới (World Kidney Day) là gì?

Ngày Thận Thế giới là ngày mà các chuyên gia về thận học phát động các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về sức khỏe cũng như tầm quan trọng của thận, đồng thời nâng cao ý thức phòng bệnh để làm giảm tần số và tác động của bệnh thận trên toàn thế giới.

Trong các bệnh về thận, bệnh thận mãn (CKD) phổ biến: cứ 10 người trưởng thành trên toàn thế giới thì có 1 người mắc bệnh này. Bệnh diễn biến thầm lặng và tiến triển dần dần đến giai đoạn cuối. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, bệnh có thể gây tử vong. Theo dự báo, bệnh thận mạn tiếp tục tăng hàng năm và được dự báo là nguyên nhân tử vong thứ 5 vào năm 2040. Việc phát hiện sớm sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong đồng thời cải thiện hiệu quả chi phí điều trị.

Năm nay, Ngày Thận thế giới (World Kidney Day) diễn ra vào ngày 10/3/2022 với chủ đề Sức khỏe thận cho mọi người (Kidney Health for All).

Hội thảo khoa học Ngày Thận học thế giới tại Việt Nam

Hưởng ứng kỷ niệm ngày này, Hội lọc máu Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Ngày Thận học thế giới. Chương trình có sự tham gia của TS. Nguyễn Hữu Dũng – chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam, BSCKI Nguyễn Thanh Hùng – PTTK Hội lọc máu Việt Nam; TS. Đào Bùi Quý Quyền - Bệnh viện Chợ Rẫy; PGS-TS. Đỗ Gia Tuyển - Ủy viên Thường vụ Hội lọc máu Việt Nam - TS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam và đông đảo các bác sĩ - điều dưỡng chuyên về thận lọc máu trên cả nước.

1. Điều trị bảo tồn và 3 phương pháp thay thế thận

Mở đầu chương trình, BS Nguyễn Thanh Hùng điểm qua về lịch sử phát triển lọc máu thế giới và Việt Nam, cũng như sự ra đời của Hội lọc máu Việt Nam vào ngày 4-8-2020.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã cho ra đời các phương pháp: Sử dụng lại quả lọc, lọc máu liên tục, lọc màng bụng, HDFonline/off line, HD kết hợp HP lọc máu High Flux và lọc máu hiệu quả cao, máy lọc máu điều khiển điện tử…

Trong phát biểu về điều trị bảo tồn và chuẩn bị thay thế thận ở người bệnh thận mạn giai đoạn 4-5, TS-BS. Đào Bùi Quý Quyền - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết năm 2019 (trên thế giới) có trên 850 triệu (theo ERA-EDTA năm 2018) bệnh nhân bệnh thận mạn, trong đó có 4,9 đến 9,7 triệu bệnh nhân giai đoạn cuối. Phương pháp điều trị bao gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận và chăm sóc bảo tồn. Người đang chạy thận nhân tạo có thể chuyển qua lọc màng bụng và ngược lại.

Người bị bệnh thận giai đoạn 4 có mức lọc cầu thận (MLCT) dưới 30 ml/phút/1,73 m cần được giáo dục hỗ trợ tạo quyết định lựa chọn phương thức thay thế thận phù hợp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho lựa chọn điều trị thay thế thận của mình, nhằm giảm số ngày nằm viện, tiết kiệm chi phí. Các chương trình chăm sóc hỗ trợ và chăm sóc bảo tồn nên được thiết lập song song với chương trình chăm sóc phòng ngừa.

2. Lọc màng bụng, kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19

PGS-TS. Đỗ Gia Tuyển – Ủy viên Ban thường vụ Hội lọc máu Việt Nam, cho biết người bệnh lọc máu là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch COVID-19 do nguy cơ biến nặng trên bệnh lý nền, tình trạng suy giảm miễn dịch và thường xuyên tiếp xúc với môi trường bệnh viện. Bên cạnh đó, người bệnh thận mạn còn gặp khó khăn vì đội ngũ nhân viên y tế quá tải, y bác sĩ bị nhiễm COVID-19 hoặc cách ly, bệnh viện đóng cửa, phong tỏa khiến việc đi lại khó khăn…

Tại một trung tâm y tế ở Tây Ban Nha, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhiễm COVID-19 là 11-30,5%. Một phân tích ở Ý trên 600 bệnh nhân cũng cho thấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân chạy thận chu kỳ là 29%. Đặc biệt, bệnh nhân chạy thận nhiễm COVID-19 có tỷ lệ tử vong lên đến 42%. Tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân chạy thận nhân tạo và cao hơn so với lọc màng bụng.

Tại Việt Nam, trong đợt dịch thứ 2, từ ngày 25-7-2020 đến 27-1-2021, Bệnh viện Đà Nẵng có 350 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, trong đó tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 chiếm 13,1% (46 người), tỷ lệ tử vong chiếm 56,6% (26 người). Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang cũng có 38 bệnh nhân lọc máu chu kỳ nhiễm COVID-19, tử vong chiếm 31,6% (12 người), toàn bộ bệnh nhân trong đợt dịch này chưa được tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19.

Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang theo dõi 360 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, trong đó có 108 bệnh nhân nhiễm COVID-19, 6 người tử vong do nhiễm bệnh nền khác (chiếm 5.56%). Tỷ lệ này giảm hơn đáng kể so với đợt dịch thứ hai được cho là tác động của tiêm vaccine COVID-19. Hầu hết các bệnh nhân đã tiêm vaccine mũi 3.

Do đó, việc cho bệnh nhân lọc máu tại nhà (bao gồm thận nhân tạo tại nhà hoặc lọc màng bụng tại nhà) sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc khi bệnh nhân ít phải đến bệnh viện hơn, mặc dù lọc máu tại nhà bạn vẫn cần nhân viên y tế hỗ trợ. Vì thế việc chọn một phương pháp điều trị, như lọc máu tại nhà sẽ rất phù hợp với giai đoạn dịch COVID.

3. Phát triển lọc máu Việt Nam trong những năm tiếp theo

Theo TS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam, trong những năm tới, Hội lọc máu sẽ đưa những tiêu chí cụ thể về dịch lọc cho từng bệnh nhân, nâng cao năng lực điều trị; Áp dụng chuyên sâu của thận nhân tạo vào việc điều trị chống độc, loại bỏ cytokine, COVID-19 nặng; Đưa các loại màng lọc supper High Flux vào điều trị…

Hội thảo Lọc màng bụng cho trẻ em suy thận mạn

Cùng ngày, Bệnh viện Nhi Trung Ương cũng tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đềLọc màng bụng cho trẻ em suy thận mạn hưởng ứng Ngày Thận thế giới. Tham gia hội thảo gồm có PGS-TS. Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cùngTS-BS. Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận và Lọc máu; TS-BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh – Trưởng khoa Thận Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2, Phó trưởng Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP. HCM.

Lựa chọn phương pháp điều trị bệnh thận mạn để sống khỏe trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS. Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - ước tính có khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới hiện mắc các bệnh lý về thận do các nguyên nhân khác nhau. Con số này gấp đôi số lượng bệnh nhân đái tháo đường và gấp 20 lần so với bệnh ung thư.

Bệnh thận mạn là một bệnh không hiếm ở trẻ em và là hậu quả của sự giảm độ lọc cầu thận. Suy thận thường không có triệu chứng rõ rệt. Người nhà sẽ không biết hay không lưu ý để theo dõi sức khỏe của trẻ. Vì thế, phần lớn trường hợp nhập viện thường đã ở giai đoạn cuối.

Hiện có 3 phương pháp điều trị thay thế thận, đó là ghép thận, thận nhân tạo và lọc màng bụng. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm khác nhau.

- Ghép thận giúp trẻ sớm trở lại cuộc sống bình thường nhưng hiện nguồn thận cho còn rất hạn chế và chi phí cao.

- Trẻ chạy thận nhân tạo thường sẽ phải kiêng khem nghiêm ngặt nên chậm phát triển về thể chất, còi cọc. Trẻ phải nghỉ học thường xuyên để chạy thận nên việc học bị ảnh hưởng.

- Phương pháp này sử dụng chính màng bụng của bệnh nhân như một màng lọc. Lọc màng bụng giúp trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng, vẫn đi học và duy trì các sinh hoạt hàng ngày. Thêm vào đó, bệnh nhi và gia đình chỉ cần đến bệnh viện 1 tháng 1 lần để tái khám, kiểm tra và nhận dịch, hạn chế lây nhiễm COVID.

Lựa chọn phương pháp điều trị bệnh thận mạn để sống khỏe trong dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo TS-BS. Nguyễn Thu Hương - Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, lọc màng bụng nên là lựa chọn đầu tiên cho trẻ em, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 như hiện nay.

Tỷ lệ sống của lọc màng bụng tốt hơn so với thận nhân tạo, lọc màng bụng cải thiên tỷ lệ tử vong 29% so với 23% của thận nhân tạo theo nghiên cứu từ năm 1998-2012. Bên cạnh đó, phương pháp lọc màng bụng duy trì chức năng thận còn lại tốt hơn, hạn chế việc phải xâm lấn mạch máu, kiểm soát nồng độ tan tốt hơn, ít phải hạn chế về chế độ ăn uống…

Đồng thời, một nghiên cứu của Cohort dựa trên 135 nghiên cứu của 28 quốc gia, với 1.054 bệnh nhân trong 3-5 năm cũng cho thấy, tình trạng kiểm soát dịch ở bệnh nhân khởi đầu lọc màng bụng tốt hơn. Điều đó nghĩa là tỷ lệ sống cao hơn.

TS-BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2, Phó trưởng Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP. HCM cho biết, tần suất bệnh thận mạn ở trẻ em ngày càng tăng, chiếm 18/1 triệu trẻ/năm. Tỷ lệ bệnh thận mạn giai đoạn cuối ở trẻ chiếm 2%/tổng số bệnh nhân bệnh thận mạn. Số lượng thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) ở Việt Nam ngày càng tăng, với 42 ca năm 2003 và tăng lên 2.000 ca năm 2011.

Từ năm 2010, Bệnh viện Nhi Đồng 2 triển khai lọc màng bụng, với tổng cộng 109 bệnh nhi. Qua theo dõi và quan sát, trẻ lọc màng bụng giảm tỷ lệ suy sinh dưỡng, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa xương, nhiễm trùng…

Suy thận mạn là vấn đề nghiêm trọng, chỉ được điều trị bằng 3 cách: ghép thận, thận nhân tạo và lọc màng bụng. Tỷ lệ tử vong của bệnh khá cao nếu không duy trì điều trị. Đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành như hiện nay, việc khám bệnh – chữa trị cũng gặp nhiều hạn chế. Do đó để chăm sóc và bảo vệ thận luôn khỏe mạnh, hãy lấp đầy những lỗ hổng kiến thức để lựa chọn cách điều trị hiệu quả nhất!


PV
Ý kiến của bạn