Lựa chọn mới cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối

25-06-2017 13:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều 23/6, ca mổ thay khớp gối bán phần đầu tiên tại miền Bắc đã được thực hiện thành công tại BV trường Đại học Y Hà Nội. Báo Sức khỏe&Đời sống độc quyền truyền hình trực tuyến toàn bộ ca phẫu thuật này.

Ca phẫu thuật hoàn thành sau khoảng 1 giờ đồng hồ do GS.TS Gunter Jens Muller, chuyên gia Đức, giáo sư nổi tiếng thế giới về phẫu thuật khớp, đã có kinh nghiệm mổ hơn 4.000 ca thay khớp, trực tiếp thực hiện cùng với sự trợ giúp của TS. Nguyễn Văn Hoạt, khoa Ngoại Thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội và kíp phẫu thuật của BV.

Ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần đầu tiên tại BV Đại học Y Hà Nội cũng là ca đầu tiên tại miền Bắc.

GS.TS Gunter Jens Muller được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao về trình độ và khả năng chuyên môn sâu cũng như kinh nghiệm. Mỗi năm, ông tiến hành khoảng 60 ca phẫu thuật đòi hỏi độ khó và trình độ cao. Ông cũng là giáo sư hướng dẫn, đào tạo các bác sĩ nội trú thực hành các quy trình điều trị bệnh mới.

GS.TS Gunter Jens Muller trả lời phỏng vấn của PV Báo Sức khỏe&Đời sống trước ca mổ.

Trung bình 1 ca phẫu thuật khớp gối bán phần có 5 thì bao gồm:
- Rạch da, phẫu thuật viên mổ 1 đường mổ 10cm ở khớp gối, để bộc lộ khớp gối;
- Loại bỏ gai xương của mâm chày;
- Cắt bỏ phần thoái hóa của mâm chày, cắt bỏ mặt sụn (phần thoái hóa của lồi cầu đùi);
- Trước khi lắp mảnh ghép (implant) phẫu thuật viên sẽ dùng dụng cụ để thử tìm ra kích thước phù hợp với khớp của bệnh nhân với mục đích làm sao cho tương đồng nhất về mặt giải phẫu cũng như cơ sinh học với khớp của người bệnh. Sau đó dùng implant thật gắn vào cơ thể của người bệnh có sử dụng xi măng sinh học;
- Cuối cùng là đóng vết mổ kết thúc quá trình phẫu thuật.
Chia sẻ trước ca mổ, GS. Muller cho biết, về mặt chuyên môn, thay khớp gối bán phần là một kỹ thuật tương đối mới không chỉ với y tế Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Tuy nhiên ông cho biết sẽ cố gắng để truyền đạt lại những kỹ thuật này cho các y bác sĩ Việt Nam. Nhìn tổng thể phẫu thuật khớp gối bán phần 1 ngăn có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật khớp gối toàn phần như đường mổ nhỏ, phù hợp với cơ sinh học của người Việt Nam, sau khi thay khớp gối, thời gian hồi phục, phục hồi chức năng nhanh, bệnh nhân quay lại với cuộc sống nhanh hơn. Mặt hạn chế của kỹ thuật này chính là kỹ thuật khó, đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật cao trong lúc mổ. So với phẫu thuật khớp gối toàn phần, phẫu thuật viên có sự hỗ trợ của khung cắt, đo trước mổ, tất cả kỹ thuật phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. Với kỹ thuật khớp gối bán phần, đòi hỏi kỹ thuật viên phải có trí tưởng tượng, đôi tay khéo léo. Thời gian đào tạo một bác sĩ phẫu thuật khớp bán phần lâu hơn so với khớp gối toàn phần.

GS. Muller cũng đánh giá cao sự khéo léo của các đồng nghiệp tại Việt Nam và cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển kỹ thuật thay khớp gối bán phần bởi số lượng bệnh nhân mắc bệnh này rất đông. Đây sẽ là bước đột phá cho y tế Việt Nam trong tương lai. “Tôi nghĩ với ngành y tế Việt Nam, các bạn sẽ chỉ mất khoảng 10 năm để phát triển kỹ thuật này”, GS. Muller nhận định.

Bệnh nhân (BN) được lựa chọn mổ khớp gối bán phần đầu tiên tại miền Bắc là bà Hoàng Thị Hồng, 59 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội. Chi phí khớp thay cho bệnh nhân được hãng Link tài trợ toàn bộ.

BN Hồng cho biết bị đau khớp gối gần 8 năm nay, chân phải đau nhiều hơn chân trái. Theo lời kể của bệnh nhân, ban đầu, BN chỉ có biểu hiện hơi đau nhưng làm gắng sức thì cảm thấy đau nhói. BN đã đi khám được xác định thoái hóa khớp vừa, được chỉ định tiêm chất nhầy nhưng gần đây lại có biểu hiện đau hơn, đau nhiều mỗi khi đi lại, cảm giác bị chèn khớp gối, cử động khớp khó khăn. Tại BV Đại học Y Hà Nội, BN được chẩn đoán thoái hóa khớp gối bên phải. Do hoàn cảnh khó khăn, BN được phẫu thuật miễn phí thay khớp gối bán phần bên phải.

Bệnh nhân Hoàng Thị Hồng, người đầu tiên tại miền Bắc được phẫu thuật miễn phí thay khớp gối bán phần.

13h50, ca mổ bắt đầu. Quá trình mổ, phẫu thuật viên mở phần khớp tổn thương, cắt một phần cơ xương trong. Lồi cầu đùi của bệnh nhân bộc lộ ra, nhìn thấy rõ thoái hóa của lồi cầu đùi. Sau khi tiến hành cắt dây chằng lên sụn trên, một phần sừng trước của sụn trên được lấy ra. Có thể thấy rõ mâm chày và phần khớp thoái hóa. Tiếp đó phẫu thuật viên thực hiện đưa dụng cụ vào đo, tạo lỗ khoan ở lồi cầu đùi giúp gắn xi măng sinh học bám chắc hơn và cuối cùng gắn khớp nhân tạo cố định vào xương của bệnh nhân. 14h50, sau một giờ phẫu thuật, ca mổ kết thúc thành công, phẫu thuật viên đã hoàn thành các công đoạn đặt khớp nhân tạo vào khớp của bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, sau mổ từ 2-3 ngày, bệnh nhân có thể bắt đầu tập vật lý trị liệu, và có khả năng đi lại được ngay. Bệnh nhân có thể xuất viện sau khoảng một tuần.


Nhóm PVĐT
Ý kiến của bạn