Trong đó nếu thai nhi có giới tính không mong muốn, họ sẽ lựa chọn loại bỏ (phá thai). Sự lựa chọn này sẽ để lại hệ lụy cho sức khỏe người mẹ cũng như sự mất cân bằng giới tính để lại hậu quả lâu dài cho xã hội...
Phải đẻ bằng được con trai
Chị Vương Thị Thúy Quỳnh (tên đã được thay đổi), lấy chồng là trưởng họ, con trai độc nhất trong một gia đình ở một vùng quê Hưng Yên. Trong 3 năm chị mổ đẻ, sinh liền 2 cô con gái. Dù không nói ra, nhưng cả gia đình chồng đều rất mong mỏi có con trai. 5 năm sau đó, Quỳnh tiếp tục mang thai, ban đầu cô thử nước bọt cho kết quả là trai, nên cả gia đình thấp thỏm mừng thầm. Tuy nhiên khi thai đủ lớn để siêu âm phát hiện giới tính thì lại là bé gái. Nhưng với khát vọng có con trai của gia đình chồng, Quỳnh rất lo sợ vấn đề sức khỏe nếu mang thai lần thứ 4 (vì đã ba lần mổ đẻ). Hơn nữa, nếu mang thai tự nhiên, không may vẫn tiếp tục là con gái thì phải biết làm thế nào?
Do đó, chị Quỳnh đang nỗ lực tìm hiểu và nhờ mọi mối quan hệ để tìm xem có nơi nào dùng phương pháp IVF có lựa chọn giới tính. Tuy nhiên, việc nuôi 3 con nhỏ ăn học, gánh nặng kinh tế đã đủ khó khăn, giờ lại dành ra một khoản tiền để làm IVF thì lại càng thêm gánh nặng. Đó là chưa kể phương pháp IVF có thành công hay không.
Bác sĩ sản khoa N.Q.T. (xin không nêu tên cụ thể) tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, không ít trường hợp xin tư vấn để sinh con trai. Họ tìm tới các trung tâm sản khoa lớn, từ Hà Nội tới TP.Hồ Chí Minh, thậm chí ra cả nước ngoài, chỉ với mong mỏi có nơi nào đó đồng ý giúp họ làm IVF lựa chọn giới tính trước sinh. Cũng không ít trường hợp mang thai tự nhiên, nhưng đến khi siêu âm cho kết quả giới tính không như mong muốn, nhiều gia đình lựa chọn biện pháp bỏ thai.
Khi gặp những trường hợp này, theo bác sĩ N.Q.T, là rất khó xử. Khi đã tư vấn để họ giữ lại thai nhi không được, nếu bác sĩ tại bệnh viện không nhận giúp họ bỏ thai, thì họ sẽ đến với các phòng khám tư. Điều này rất nguy hiểm cho thai phụ.
Theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" thì tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít gia đình quyết định bỏ thai khi thai đã ngoài 22 tuần. Nếu bệnh viện từ chối vì vi phạm luật, thì thai phụ vẫn có nhiều cách để phá bỏ thai nhi, thậm chí họ tìm đến cả những cơ sở y tế không đảm bảo chuyên môn.
Những hệ lụy "không ai gánh thay" cho phụ nữ
Phá thai gây ra hậu quả rất khó lường cho phụ nữ, bởi các thủ thuật như vậy có khả năng xảy ra tai biến.
Nếu cứ cố để sinh bằng được con trai, người phụ nữ có thể phải bỏ thai nhiều lần. Sau mỗi lần bỏ thai, là một lần đau đớn về thể xác và tinh thần. Bị nhiễm trùng, nguy cơ gây vô sinh thứ phát, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Khá nhiều thai phụ sau khi bỏ thai, bị mắc bệnh trầm cảm, không thể mang thai, phải đi điều trị.
Ngoài ra chi phí cho mỗi lần mong mỏi có con trai cũng rất lớn. Nếu dùng các biện pháp can thiệp y học, nếu nhẹ thì phải dùng hormone, đi canh trứng, xét nghiệm sớm giới tính thai nhi. Trong một số trường hợp (không hiếm gặp), nếu xét nghiệm không chính xác (do thai nhi còn nhỏ) thì nguy cơ bỏ thai oan.
Nếu sử dụng biện pháp IVF có lựa chọn giới tính, có thể tiêu tốn đến vài trăm triệu, nhưng không phải 100% các trường hợp đều đạt được mong muốn.
Việc mong mỏi có con trai cũng dẫn đến nuôi dạy con không công bằng, cưng chiều con trai quá mức, sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm sinh lý của các con gái và tính hiếu thắng, độc tôn của trẻ trai.
Giải pháp nào cho lựa chọn giới tính trước sinh
Về lĩnh vực quản lý, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/11/2020, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó có quy định về xử phạt với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Theo đó:
- Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
- Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
- Phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi; cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
Ngoài ra, có thể bị phạt đến 20 triệu đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Nghị định 117/2020 cũng quy định áp dụng mức phạt:
- Phạt tiền đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Mặc dù các quy định đã có, tuy nhiên việc xử phạt này có mang lại hiệu quả hay không, có phát hiện ra các trường hợp vi phạm để xử phạt hay không lại là một bài toán khó chưa có câu trả lời.
Do vậy, ngoài các chế tài, cần cần đẩy mạnh giáo dục giới tính, nâng cao việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ.
Mời độc giả xem thêm video:
Người dân các tỉnh về Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần lưu ý những gì?