Lựa chọn các thuốc điều trị bệnh chắp mắt

17-06-2023 14:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Chắp mắt là một bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị đúng có thể dẫn đến các biến chứng mạn tính.

Các bệnh về mắt cần lưu ý khi hè vềCác bệnh về mắt cần lưu ý khi hè về

SKĐS - Mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng cho những hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời như dã ngoại, bơi lội…

1. Vì sao bị chắp mắt?

Chắp là một trình trạng viêm phổ biến ở mắt liên quan đến tổn thương u hạt mỡ, mạn tính, ảnh hưởng đến mí mắt trên hoặc dưới, gây ra bởi sự tắc nghẽn ống tuyến Meibomian với sự ứ đọng bài tiết. Chắp mắt thường lành tính và có thể tự khỏi không cần điều trị.

Nguyên nhân gây bệnh chắp:

  • Chắp mắt do viêm và tắc nghẽn tuyến bã nhờn của mí mắt như viêm da tiết bã, trứng cá đỏ và viêm bờ mi mạn tính.
  • Do bị lẹo trong mắt không lành hoặc xẹp hẳn, chỗ sưng sẽ bị tắc và biến chứng thành chắp.
  • Nhiễm virus: Chắp mắt có thể liên quan đến viêm kết mạc do virus.
Lựa chọn các thuốc điều trị bệnh chắp - Ảnh 2.

Bệnh chắp là một bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị đúng có thể dẫn đến các biến chứng mạn tính.

2. Các triệu chứng chắp mắt thường gặp

Chắp thường có các biểu hiện:

  • Ban đầu chắp thường là u hạt không đau, nốt dưới da rõ, đường kính 2-8mm. Nếu có nhiễm khuẩn, chắp sẽ to dần và gây sưng, đỏ, đau.
  • Chảy nước mắt và kích ứng nhẹ có thể xảy ra.
  • Lật mi có thể thấy u hạt kết mạc bên ngoài, thường xuất hiện đơn độc, đôi khi nhiều hơn.
  • Chắp lớn cũng có thể che khuất tầm nhìn hoặc ảnh hưởng đến việc đóng mí mắt.
  • Có thể kèm theo viêm bờ mi...

Chắp mắt phổ biến ở người lớn hơn trẻ em; thường xuyên nhất xảy ra ở những người trong độ tuổi 30-50. Cần phân biệt chắp (bên ngoài mi mắt) với lẹo (bên trong mi mắt), u nang da, ung thư biểu mô tuyến Meibomian...

3. Điều trị chắp mắt thế nào?

3.1.Điều trị không dùng thuốc

- Chườm ấm (10 phút, 4 lần mỗi ngày): Giúp giảm tình trạng tắc nghẽn ở tuyến dầu.

- Massage nhẹ bên ngoài mí mắt: Thực hiện nhẹ nhàng trong khoảng vài phút mỗi ngày, có thể giúp tuyến dầu hết bít tắc.

- Vệ sinh vùng mí mắt.

3.2.Các thuốc điều trị hỗ trợ

Sau khi dùng các biện pháp không dùng thuốc mà chắp vẫn không khỏi, các triệu chứng kéo dài hơn 1 tháng, chắp lớn, tái phát, có biểu hiện nhiễm trùng, gây biến dạng giác mạc hoặc cản trở chức năng mí mắt, cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và điều trị.

Tùy từng thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc điều trị chắp, thường là: Thuốc kháng sinh tại chỗ (dạng thuốc mỡ, nhỏ mắt) và toàn thân (dạng uống); thuốc steroid (chống viêm). Có thể kết hợp rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9%.

Thuốc kháng sinh tại chỗ

- Ở dạng thuốc mỡ bao gồm: Choramphenicol, tobramycin, neomycin, polymyxin B.

- Ở dạng thuốc nhỏ mắt bao gồm: Levofloxacin, natri sulfamethoxazole, ciprofloxacin, neomycin, polymyxin B.

Thuốc kháng sinh dùng tại chỗ có thể gây ra các phản ứng: Bỏng rát mắt, kích ứng mắt, cảm giác châm chích, phát ban da.

Thuốc kháng sinh đường uống

Các thuốc thường dùng là: Tetracycline, doxycycline, minocycline, cephalosporin, erythromycin, amoxicillin, doxycycline, cefalexin. Ở những bệnh nhân không thể dùng tetracycline, metronidazole là lựa chọn thay thế được ưu tiên.

Sử dụng kháng sinh đường uống trị chắp mắt có thể gặp khó chịu ở đường tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn và cảm giác chán ăn.

Steroid đường tiêm

Nếu không có bằng chứng nhiễm trùng, có thể sử dụng steroid tiêm trong tổn thương. Có thể sử dụng dung dịch triamcinolone để tiêm trị chắp mắt. Các tổn thương lớn hơn có thể cần tiêm nhắc lại sau 2 đến 7 ngày.

Lựa chọn các thuốc điều trị bệnh chắp - Ảnh 4.

Có thể sử dụng thuốc kháng sinh dạng nhỏ mắt để trị chắp mắt.

3.3.Điều trị ngoại khoa

Với các tổn thương dai dẳng cần can thiệp ngoại khoa. Các tổn thương nhỏ hơn có thể được điều trị bằng phẫu thuật nạo và bóc tách. Các tổn thương lớn hơn đòi hỏi phải cắt bỏ rộng rãi hơn. Chắp tái phát nên được sinh thiết để loại trừ ung thư biểu mô tế bào bã nhờn.

4. Lưu ý khi điều trị chắp mắt

Để trị chắp mắt hiệu quả, bệnh nhân cần thực hiện:

- Cần uống kháng sinh đủ liều đã được kê đơn, thường là trong 7 ngày để đảm bảo tác dụng. Tránh dùng kháng sinh kéo dài.

- Không đeo kính áp tròng trong khi có các triệu chứng, không trang điểm mắt, đặc biệt là bút kẻ mắt và mascara.

- Nên bổ sung trong chế độ ăn uống với một loại axit béo thiết yếu như omega-3 giúp chống viêm. Omega-3 có thể giúp các tuyến dầu ở mí mắt hoạt động tốt hơn. Các loại cá béo như cá hồi hoặc cá mòi có chứa omega-3 hoặc trong các thực phẩm bổ sung có chứa omega-3.

- Có thể bổ sung vitamin A: Nghiên cứu cho thấy nhóm người bị bệnh chắp có nồng độ vitamin A trong huyết thanh thấp hơn đáng kể so với mức bình thường tương ứng

- Tránh các sản phẩm từ sữa và điều chỉnh chế độ ăn uống tránh mụn: Tránh caffein, sô cô la và đồ chiên rán có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh chắp.

- Tập thói quen ngủ ngon, đúng-đủ giờ, tập thể dục thường xuyên và không khí trong lành để cải thiện sức khỏe của da và do đó giúp tuyến meibomian hoạt động tốt.

Xem thêm video đang được quan tâm:

3 biện pháp khắc phụ khô da.

DS. Hoàng Vân
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn