Đỉnh lũ lịch sử năm 1968 bị phá vỡ
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lại vừa phát cảnh báo lũ đặc biệt lớn trên sông Thao; lũ khẩn cấp trên sông Lục Nam và sông Thương; lũ trên sông Cầu cùng các sông khác ở khu vực Bắc Bộ.
Theo đó, mực nước lúc 5h ngày 10/9, trên sông Thao tại Lào Cai là 86,18m, trên báo động (BĐ) 3 là 2,68m; tại Bảo Hà 61,81m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 0,88m; tại Yên Bái 35,22m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,8m;
Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 6,06m, dưới BĐ3 0,24m; Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,53m, trên BĐ3 0,23m (lúc 4h); Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,61m, trên BĐ3 0,31m. Trên sông Lô tại Tuyên Quang 25,64m, dưới BĐ3 0,36m.
Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà, Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử. Lũ trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương tiếp tục lên. Lũ sông Lục Nam xuống chậm.
Trong 12- 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà biến đổi chậm, tại Yên Bái tiếp tục lên và duy trì trên mức lũ lịch sử. Lũ sông Lục Nam tiếp tục xuống.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ nay (10/9) đến 11/9, lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục xuống dưới mức BĐ1; trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ (thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng- Thái Bình. Mực nước lũ hạ lưu sông Hồng- Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng- Thái Bình.
Cục Quản ý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cập nhật con số thiệt hại mới nhất do mưa lũ tính đến 6h sáng nay. Theo đó,đã có 103 người chết, mất tích, 752 người bị thương, 85 tàu thuyền các loại bị chìm ở nơi neo đậu. 140.632 ha lúa bị ngập úng, hơn 26.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, hơn 11.000 ha cây ăn quả bị hư hại, hơn 1500 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại, cuốn trôi, 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết....
Nhiều địa phương mất điện, nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng, nhiều biển quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ, cây xanh bật gốc gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...
Hà Nội sẵn sàng sơ tán dân
Trong đêm 9/9, nước sông Hồng dâng nhanh gây ngập lụt các khu dân cư ven sông trên địa bàn Hà Nội. Tính đến thời điểm 7h ngày 10/9, mực nước sông Hồng là 9,2m, vượt mức báo động I 0,7m.
Tối 9/9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết nhiều con sông tại thủ đô lũ đã lên mức báo động 3. Cụ thể, mực nước sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt hồi 17h ngày 9/9 đạt 7m (mực nước báo động 3 là 7m).
Thời điểm 22h40 ngày 9/9, mực nước trên sông Cầu, Sóc Sơn cũng đã lên mức báo động 3: 8,02m (mực nước báo động 3 là 8,00m).
Trước thực tế trên, Hà Nội lệnh Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sóc Sơn thi hành nghiêm những quy định khi có lệnh báo động 3.
Mực nước các sông lên nhanh, nhiều hồ thủy điện xả đáy, tối 9/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện... tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông về tình hình phức tạp của mưa lũ.
Không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở. Đồng thời sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm như: khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên...
Đồng thời, sở cũng yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp ở bãi sông... chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy có bị ngập lũ.
"Kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn" - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo.
Ngoài ra cần phải có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.
Sở này cũng yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 10/9:Bàng hoàng phát hiện camera được ngụy trang trong nhà tắm của 2 nữ sinh cao đẳng ở Đắk Lắk