Tính đến thời điểm hiện tại, nước lũ do mưa dai dẳng đã ảnh hưởng đến 3.979 gia đình tại 223 ngôi làng ở 4 tỉnh trên. Ông Chaiwat cho biết thêm rằng lũ lụt đang giảm ở Chiang Rai, Sukhothai và Nong Khai nhưng lại tăng ở Phitsanulok.
Trong khi đó, chi cục phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở tỉnh phía Bắc Chiang Mai báo cáo nước chảy từ núi Doi Moncham đã tràn xuống 7 ngôi làng ở huyện Mae Rim vào tối 31/8. Người dân và du khách đã được sơ tán trong thời gian ngắn.
Kể từ ngày 16/8, lũ lụt và sạt lở đất do mưa lớn tại Thái Lan đã ảnh hưởng đến 23 tỉnh, làm 22 người thiệt mạng và 19 người bị thương.
Trong diễn biến khác, nhà chức trách Thái Lan đã mở một cuộc điều tra về vụ sập hầm đường sắt Muak Lek - Lam Takhong ở huyện Pak Chong, tỉnh Nakhon Ratchasima, làm 3 công nhân nước ngoài thiệt mạng. Cuộc điều tra cũng sẽ xem xét kết quả điều tra của công ty Đường sắt quốc gia Thái Lan (SRT) để xác định liệu công trình có tuân thủ thiết kế, quy định và tiêu chuẩn an toàn hay không.
Vụ sập hầm xảy ra vào đêm 24/8 sau trận mưa lớn kéo dài mặc dù ở thời điểm xảy ra vụ việc trời không mưa. Các nạn nhân, gồm 2 công dân Trung Quốc và một công dân Myanmar, đang ở bên trong đường hầm, cách lối vào 1,5 km khi công trình bị sập.
Hầm đường sắt Muak Lek - Lam Takhong được thiết kế dài khoảng 8 km nằm trong đoạn dài 251 km của tuyến đường sắt cao tốc Thái Lan - Trung Quốc giữa Bangkok và Nakhon Ratchasima. Sau tai nạn, việc xây dựng đường hầm đã tạm dừng để các kỹ sư và nhà thầu thảo luận về các biện pháp đảm bảo an toàn trước khi tiến hành.
Các chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét cẩn thận các điều kiện đất và đá trong các dự án xây dựng phức tạp, đặc biệt khi sử dụng các kỹ thuật như “khoan và nổ”, tuy hiệu quả về mặt chi phí nhưng đòi hỏi các biện pháp an toàn nghiêm ngặt để ngăn chặn xảy ra những sự cố tương tự.