Lũ lụt đang tàn phá thế giới

21-08-2013 23:41 | Quốc tế
google news

Những trận lụt lớn chưa từng có đang xảy ra tại nhiều khu vực châu Á từ vùng Viễn Đông của Nga sang Trung Quốc, đến Pakistan rồi qua Philippines đang đe dọa cuộc sống của hàng trăm nghìn người. Thiệt hại về người do lũ lụt trong những ngày qua ở khu vực này cũng đã lên đến con số vài trăm.

Những trận lụt lớn chưa từng có đang xảy ra tại nhiều khu vực châu Á từ vùng Viễn Đông của Nga sang Trung Quốc, đến Pakistan rồi qua Philippines đang đe dọa cuộc sống của hàng trăm nghìn người. Thiệt hại về người do lũ lụt trong những ngày qua ở khu vực này cũng đã lên đến con số vài trăm.

Trong bối cảnh thế giới liên tiếp hứng chịu thiên tai lụt lội những năm gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 18/8/2013 đưa ra một dự báo. Theo đó, trong tình huống xấu nhất đến năm 2050, 136 thành phố ven biển lớn trên thế giới có thể sẽ bị thiệt hại tới một nghìn tỷ đô-la Mỹ/năm bởi lũ lụt nếu không có các biện pháp đối phó quyết liệt. Dựa trên những dữ liệu về dân số cũng như tổn thất về nhà cửa, thương mại hay công nghiệp của 136 thành phố ven biển, bản báo cáo được đăng trên tạp chí Nature Climate Change do nhà kinh tế Stephan Hallegatte cùng các đồng nghiệp thực hiện đã đưa ra con số thiệt hại ngay từ giờ của riêng 4 thành phố Miami, New York, New Orleans (Mỹ) và Quảng Châu (Trung Quốc) đã lên tới con số là 6 tỷ USD mỗi năm, tức chiếm 43% tổng thiệt hại do lũ lụt của các thành phố biển trên thế giới.
Lũ lụt đang tàn phá thế giới 1
 Lũ lụt làm nền kinh tế thế giới thiệt hại gần chục tỷ đô - la mỗi năm.

Đầu mùa hè năm nay, người ta đã chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của những trận lũ lụt đổ xuống khắp vùng Đông và Nam Âu trong suốt nhiều tuần. Ngay lúc này, đó đây ở Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, Pakistan hay Nga, những trận lũ lụt vẫn đang liên tiếp hoành hành, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng nghìn người.

Vùng Viễn Đông của Nga hiện đang phải hứng chịu một trận lụt lịch sử. Chính quyền đã phải sơ tán hơn 23 nghìn dân. Mưa lớn kéo dài bất thường đã làm mực nước sông Amour lên cao đến mức kỷ lục từ hơn một thế kỷ nay. Có nơi nước sông dâng cao 6,7m. Dự kiến, mức nước sông ở nhiều nơi còn có thể lên tới 7,8m trong những ngày tới. Hàng nghìn ngôi nhà cùng hàng trăm nghìn hecta hoa màu trong vùng Amour, Khabarovsk, Primorie và vùng tự trị của người Do Thái bị ngập chìm trong nước lụt từ nhiều ngày qua. Chính quyền vùng Amour cho biết, 43% dự trữ than cho mùa đông của vùng đã bị nước lũ cuốn trôi.

Tại Trung Quốc, lũ lụt trong những ngày qua hoành hành khắp vùng Đông Bắc nước này, làm hơn một trăm người chết và hàng trăm người khác bị mất tích. Hàng trăm nghìn người phải chạy khỏi vùng lụt. Trong lúc đó tại Philippines, những cơn mưa như trút nước đã gây úng lụt làm toàn bộ Thủ đô Manila và vùng phụ cận bị tê liệt từ hai ngày qua. Trường học, công sở và thị trường chứng khoán đều phải đóng cửa. Đã có 3 người chết và 4 người mất tích vì lũ lụt tại đây. Chính phủ đã phải ban hành tình trạng thiên tai khẩn cấp ở tỉnh Cavite. Còn tại Pakistan, cũng vẫn là mưa lớn kéo dài trong hai tuần qua đã gây ra những trận lũ lụt khủng khiếp làm 108 người chết và đe dọa cuộc sống của hơn 300 nghìn người dân. Tổng số đã có 770 khu làng bị ngập lụt, 2.500 ngôi nhà bị nước phá hủy hoàn toàn.

So sánh tỉ lệ thiệt hại với tăng trưởng dân số thành phố, khả năng phòng vệ trước lũ lụt, mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu... Nhóm chuyên gia WB xác định, nếu các thành phố biển tăng cường đầu tư các biện pháp chống lũ thì tổng thiệt hại có thể hạn chế được ở mức 52 tỉ USD mỗi năm vào năm 2050. Ngược lại, trong kịch bản không có các biện pháp ứng phó tích cực, tổn thất của hơn một trăm thành phố biển nêu trên có thể vượt quá con số một nghìn tỷ USD mỗi năm.

Theo phân loại của nghiên cứu, các thành phố giàu được cho là có nhiều khả năng đối phó với lũ lụt tốt hơn, các thành phố nghèo thì vẫn là nơi thường xuyên bị thiên tai tàn phá. Lấy thí dụ như trường hợp thành phố Amsterdam của Hà Lan, một thành phố biển giàu có và nổi tiếng với các biện pháp phòng chống hiệu quả, nhưng hàng năm vẫn bị mất đi 3 triệu USD vì lũ lụt.

Nhà kinh tế Hallegatte cho biết, 136 thành phố cần phải đầu tư hàng năm để cải thiện các biện pháp phòng chống lũ lụt, nhờ đó có thể giảm thiểu thiệt hại xuống còn từ 60 - 63 tỷ USD/năm vào năm 2050. Mức tổn thất này được cho là có thể chấp nhận được. Trong điều kiện lạm phát và dân số tăng, mức tổn thất này tương đương với mức thiệt hại hiện tại.

TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng bị xếp vào nhóm thiệt hại cao với con số 1,9 tỷ USD, xếp sau Thiên Tân của Trung Quốc, New York và Miami của Mỹ.

                 Hà Phương

 (Theo WB, Nature Climate Change) 


Ý kiến của bạn
Tags: