Clip Lũ lụt ở Tây Âu (nguồn video: Global News/YouTube)
Số người thiệt mạng do lũ lụt ở châu Âu ước tính lên tới ít nhất 67 người, nhiều người khác bị thương.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi trận lũ này là "thảm kịch". Trong khi một vài chính trị gia cho rằng đây là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Mưa lớn đã khiến các con sông dâng tràn bờ, cuốn trôi nhiều nhà cửa và xe cộ.
Ít nhất 8 người đã thiệt mạng ở Bỉ. Trong khi đó, Pháp, Hà Lan và Thụy Sĩ cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bị sốc trước "thảm họa" thiên nhiên
Vào tối ngày 15/7 theo giờ địa phương, các nhà chức trách Đức khẳng định ít nhất 59 người đã thiệt mạng do lũ lụt ở miền Tây của nước này.
Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất mà Đức từng trải qua kể từ Thế chiến II. Nhiều thị trấn và làng mạc bị ngập sau các trận mưa lớn xối xả.
Cảnh sát ở bang Bắc Rhine-Westphalia, miền Tây nước Đức cho biết, đã phát hiện thêm 5 thi thể nữa, nâng tổng số người thiệt mạng do lũ ở vùng lên 31 người. Còn ở vùng Rhineland-Palatinate phát hiện thêm 9 người nữa thiệt mạng, ngoài con số 19 người chết do lũ trước đó.
Trước đó, các nhà chức trách địa phương cho biết , kết nối internet và điện thoại bị ngắt quãng, thậm chí đường dây cấp cứu 112 cũng không thể gọi được.
Hàng chục người vẫn còn mất tích, sau khi một vài ngôi nhà đổ sập tại ngôi làng Schuld ở Eifel, khu vực núi lửa có nhiều ngọn đồi và thung lũng nhỏ uốn lượn.
Nhiều ngôi nhà cổ bị hư hại, do nhà kết cấu làm từ gỗ và gạch cổ không chịu được sức lũ quét, mang theo cây cối và đất đá trên đường đi của lũ.
Nhà cửa bị tàn phá sau khi lũ rút ở Schuld, Đức
Thống đốc bang Rhineland-Palatinate báo cáo trước nghị viện khu vực rằng "Chúng ta chưa từng thấy thảm họa nào như vậy. Sức tàn phá của nó thật kinh khủng".
Thủ tướng Angela Merkel hiện đang ở Washington, Mỹ trong chuyến thăm và hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong thông cáo, Thủ tướng Đức cho biết, cảm thấy sốc trước thảm họa mà nhiều người ở vùng lũ đã phải gánh chịu".
"Tôi bày tỏ niềm thương tiếc và cảm thông với những gia đình có người thiệt mạng và mất tích do lũ. Tôi tỏ lòng cảm ơn tới tận đáy lòng đối với những người đang cứu hộ và cứu trợ lũ lụt, không biết mệt mỏi.", Thủ tướng Đức bày tỏ.
Bỉ ảnh hưởng nặng nề do lũ
Bên kia biên giới, hãng tin Belga trong bản tin cho biết, có 8 người đã thiệt mạng và 4 người khác mất tích do lũ ở Bỉ.
Trước đó, Thống đốc tỉnh Liege cho biết, ít nhất 2 người đã thiệt mạng và một vài người khác vẫn còn mất tích. 4 thi thể được tìm thấy ở quận Verviers, miền đông Bỉ, công tố viên thành phố khẳng định.
Cư dân ở Chaudfontaine, trên bờ sông Vesdre bắt đầu sơ tán kể từ chiều hôm thứ tư.Ngoài ra, hàng trăm hướng đạo sinh cắm trại ở Wallonia đã phải sơ tán từ đêm thứ ba.
Người dân lập rào chắn và đắp bao cát để tránh nước lũ tràn vào nhà ở Bỉ
Chính phủ Pháp cho biết đã cử 40 nhân viên cứu hộ cùng máy bay trực thăng tới Bỉ để hỗ trợ công tác cứu hộ, trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ nhân đạo của Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU sẵn sàng hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. "Tôi xin chia sẻ cảm thông với gia đình các nạn nhân chịu ảnh hưởng lũ lụt ở Bỉ, Đức, Luxembourg và Hà Lan, cũng như những người đã bị mất nhà cửa trong đợt lũ.", bà nói.
Italy vào Áo đã gửi các đội cứu hộ lũ lụt tới Bỉ.
Nguy cơ lũ lụt ở đông bắc nước Pháp
Pháp cũng đã trải qua những trận mưa lớn với 11 khu vực ở vùng đông bắc cảnh báo nguy cơ lũ lụt.
Cơ quan khí tượng của Pháp cảnh báo, lượng mưa 90mm ở những khu vực này kéo dài từ 3 tuần tới 1 tháng. Lượng mưa 70mm kể từ thứ ba, đã khiến đất bão hòa nước và có khả năng sạt lở bùn ở những vùng trũng.
Hà Lan sơ tán người dân
Chính quyền thị trấn Valkenburg, miền nam Hà Lan, gần với biên giới Đức và Bỉ đã sơ tán một viện dưỡng lão và một nhà tế bần trong đêm. Trong khi đó, lũ đã biến một con phố chính của thị trấn du lịch thành một dòng sông.
Chính phủ Hà Lan đã triển khai 70 đơn vị quân đội cứu hộ tới tỉnh Limburg vào chiều tối Thứ 4 nhằm hỗ trợ sơ tán người dân và đắp bao cát do sông vỡ bờ.
Các hồ ở Thụy Sĩ trước nguy cơ ngập
Ở Thụy Sĩ, mưa lớn đã gây ra lở bùn và lở đất.
Các nhà chức tránh ở thành phố Geneva khuyến cáo người dân không đi dọc bờ sông, hay đi xuôi xuống Rhône để tránh bị lũ cuốn. Mực nước hồ Geneva cũng gây quan ngại cho các nhà chức trách.
Nguy cơ lũ cao dọc bờ hồ Zurich và sông Limmat. Chính quyền địa phương cảnh báo người dân không đi vào rừng để đảm bảo an toàn do bão mạnh và sức gió vượt mức 100km/h, khiến cây cối nghiêng ngả.
Cơ quan Khí tượng Thụy Sĩ cảnh báo, hồ Lucerne ở miền trung Thụy Sĩ cũng đứng trước nguy cơ lũ rất cao. Trong khi đó, hồ Thun, Biel, thượng nguồn sông Rhine và sông Reuse đứng trước nguy cơ cao.
Theo Liên đoàn Đường sắt Thụy Sĩ, một số đường đèo và đường hầm qua núi đã phải đóng cửa. Giao thông đường sắt gián đoạn ở một vài nơi tại Thụy Sĩ.