Mới đây, Bộ NN-PTNT đã quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Rất nhiều ý kiến đồng tình với quyết định này, và cho rằng, điều này sẽ làm giảm hàng nghìn ca tử vong, trong đó có cả bà mẹ đang mang thai do ngộ độc Paraquat mỗi năm.
Ngộ độc Paraquat: 70% tử vong
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, thống kê tại Trung tâm Chống độc cho thấy số người ngộ độc hóa chất Paraquat trong 10 năm trở đây có xu hướng tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2016 vừa qua đã có 450 ca ngộ độc Paraquat phải nhập viện cấp cứu, trong đó có đến 70% bệnh nhân tử vong.
Xét trên bình diện cả nước, ước tính mỗi năm có đến 1.000 ca ngộ độc Paraquat, đây là những con số hết sức hãi hùng, vì gần như bệnh nhân ngộ độc Paraquat sẽ tử vong, và nếu có chữa trị được thì những di chứng để lại cho sức khỏe vẫn hết sức nặng nề như di chứng về xơ phổi, khó thở, suy hô hấp, bệnh phổi mạn tính…
Paraquat - Kẻ giết người kinh khủng. Ảnh minh họa.
Theo ThS. Nguyên, Trung tâm Chống độc vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc Paraquat, trung bình 2-3 ca/ngày. Nói về lý do ngộ độc Paraquat, các bác sĩ cho hay, nguyên nhân chủ yếu là tự tử bằng hóa chất này vì chán nản, bức xúc hoặc giận dỗi, mâu thuẫn gia đình… Hoặc, có những trường hợp cùng quẫn vì tình, tiền, chán đời vô cớ, hay cờ bạc cá độ dẫn đến nợ nần túng thiếu tuyệt vọng cũng tìm đến cách tự tử bằng Paraquat. Đáng chú ý, với những trường hợp được cứu sống khi được hỏi hầu hết đều hối hận và cho biết nếu được quyết định lại sẽ không uống thuốc diệt cỏ tự tử như vậy nữa!
Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho 3 bệnh nhân tự tử bằng Paraquat, gồm 2 thanh niên và một cụ bà 71 tuổi. Cả 3 bệnh nhân đều uống hóa chất bảo vệ thực vật có dung dịch màu xanh. Sau khi uống bệnh nhân nôn nhiều, đau rát miệng, họng, nhập viện trong tình trạng vẫn tỉnh táo. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc cứu chữa cho các bệnh nhân vẫn rất nan giải và khó có thể nói trước được điều gì.
Bệnh nhân tự tử bằng hóa chất Paraquat điều trị tại Trung tâm Chống độc.
“Paraquat hấp thụ vào cơ thể rất nhanh, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã đạt nồng độ cao trong máu, vào nhanh trong phổi gây tổn thương nặng nề. Đáng nói là khi phổi tổn thương, bệnh nhân khó thở, nếu cho thở oxy cộng với chất độc này thành chất cực độc hơn paraquat và gây tổn thương mạnh thêm, việc cấp cứu rất khó khăn”- ThS. Nguyên cho biết thêm.
Hậu quả nặng nề, phòng ngộ độc Paraquat cách nào?
Theo các bác sĩ, bệnh nhân ngộ độc Paraquat nếu không tử vong thì cũng phải chịu đựng những tổn thương gan, thận hết sức nặng nề, đặc biệt là biến chứng xơ phổi.
Hiện nay, các phương pháp điều trị được áp dụng là lọc máu hấp phụ độc chất phối hợp uống các thuốc ức chế miễn dịch chống xơ phổi. Chi phí điều trị từ 50-100 triệu đồng. Tuy nhiên, với những nạn nhân nhập viện muộn, hoặc uống nhiều Paraquat đã ngấm vào các tổ chức, cơ quan của cơ thể thì bệnh tình gần như là vô phương cứu chữa (tỉ lệ tử vong của loại bệnh này vẫn lên tới 80%).
Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Ảnh: Trần Minh.
Để phòng tránh ngộ độc các loại hóa chất bảo vệ vốn rất độc hại, các bác sĩ khuyến cáo, cần chú ý các khâu dự phòng từ mua bán, đóng chai, cất giữ đến sử dụng: sản phẩm cần có cần nhãn mác ghi rõ các loại hoá chất, độc tính, cách cấp cứu khi nhiễm độc; cất ở nơi riêng biệt có khóa, ngoài tầm với của trẻ... Không được dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng hoá chất bảo vệ thực vật vì trẻ dễ nhầm đem ra uống.
Nông dân khi phun hoá chất cần mang trang phục bảo hộ lao động đầy đủ, không phun xịt hoá chất khi bụng đói, đang yếu trong người hay mới khỏi bệnh; không hút hoá chất lá, ăn, uống khi phun xịt hoá chất; tắm rửa thật sạch bằng xà phòng sau khi phun xịt hoá chất; khi vòi phun bị nghẹt không dùng miệng để hút; nghỉ ngơi xen kẽ trong lúc làm việc, không phun xịt liên tục quá hai giờ.
Nếu phát hiện người ngộ độc hoá chất bảo vệ thực vật cần tìm mọi cách để bệnh nhân nôn ra (ngoáy họng, móc họng…), cho uống than hoạt sau đó đưa đi cấp cứu tại BV để được các bác sĩ xử lý kịp thời.
Hiện nay trên thế giới cũng đã có khoảng 40 quốc gia cấm sử dụng hóa chất này.