Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc

14-11-2023 11:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Mưa lớn từ ngày 13/11 đến sáng 14/11 khiến mực nước lũ đổ về trên các sông đang dâng cao. Mưa lớn cũng khiến tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, gây ách tắc.

Nước lũ đổ về sông Leng ( xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) ngày một lớn.

Nhiều tuyến đường chia cắt do nước lũ dâng cao

Tại địa bàn xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), nước lũ trên sông Xoan và sông Leng cuồn cuộn đổ về nên trạm Y tế xã đã chủ động di dời trang thiết bị khám chữa bệnh từ tầng 1 lên tầng 2 để đề phòng ngập lụt, hư hại. Tại trụ sở xã và trường Tiểu học Trà Leng cũng đã sẵn sàng sơ tán nếu lũ tiếp tục dâng cao.

Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 1.

Mực nước sông ở các huyện miền núi đang lên rất nhanh.

Huyện Nam Trà My đã chỉ đạo 10/10 xã tập trung kiểm tra hiện trạng các khu dân cư, công sở, trường học và sẵn sàng lực lượng để di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có nguy hiểm. Đồng thời huy động phương tiện, máy móc để giải phóng sạt lở trên tuyến ĐH5 đảm bảo lưu thông an toàn cho nhân dân.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to. Tại Nam Trà My, lượng mưa đo tại xã Trà Dơn 283,6mm, Trà Leng 224,2mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới tại 10/10 xã là rất cao.

Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 2.

Cầu Nước Oa, sông Trường (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) ngập sâu, gây chia cắt cục bộ

Sáng 14/11, Sở GTVT cho biết, mưa lũ đã gây chia cắt lưu thông trên tuyến quốc lộ 14H (Hội An - Nông Sơn) và tuyến quốc lộ 40B (Tam Kỳ - Nam Trà My).

Cụ thể, trên quốc lộ 40B đoạn qua huyện Bắc Trà My, nước lũ băng qua ngầm Sông Trường (xã Trà Sơn) và ngầm Nước Oa (xã Trà Tân), ngập sâu từ 0,7m - 1m.

Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 3.

Nhiều điểm trên QL40B bị sạt lở nghiêm trọng.

Cũng trên tuyến này, phương tiện lưu thông đoạn qua địa phận các xã Trà Don, Trà Nam (Nam Trà My) gặp khó khăn do nền, mặt đường hư hỏng với hàng loạt "ổ gà", sình lún nhiều vị trí.

Thuộc địa phận huyện Nông Sơn, giao thông tuyến quốc lộ 14H bị ách tắc khi nước lũ băng qua cầu Khe Rinh (xã Phước Ninh) ngập sâu 1m. Tắc đường cũng xảy ra tại đoạn qua cầu Bến Đình (xã Quế Lâm) do nước ngập sâu 0,3m.

Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 4.

Nước băng qua cầu ở thôn Thái Chấn Sơn ( huyện Đại Lộc)

Trong khi đó, mưa kéo dài khiến cho nền, mặt đường quốc lộ 14D qua địa phận Nam Giang tiếp tục bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 5.

Cơ quan chức năng đã giăng dây, cấm người dân qua lại.

Hàng trăm người đóng cọc tre, "vá" hơn 100 mét bờ sông bị sạt lở

Hơn 100 mét bờ sông Vu Gia bị sạt lở nặng nề, đe dọa hơn 200 hộ dân sống ở gần đó. Hàng trăm người cùng lực lượng chức năng địa phương đã tiến hành đóng cọc tre, vá bờ sông sạt lở.

Ông Phan Phước Mơ - Chủ tịch UBND xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, mưa lớn kéo dài hai ngày qua khiến nước thượng nguồn đổ về rất nhiều. Nhiều điểm trên bờ sông Vu Gia qua địa bàn đã bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến hơn 200 hộ dân.

"Tinh trạng sạt lở này đã có từ năm ngoái nhưng vài ngày gần đây thì bắt đầu xâm thực mạnh, ăn sâu vào đất liền. Khu vực xảy ra sạt lở nằm ngay tuyến đường độc đạo vào thôn Khương Mỹ. Nếu tình trạng sạt lở cứ diễn biến phức tạp và không có biện pháp tu bổ, sửa chữa kè kịp thời thì gần 200 hộ dân thôn Khương Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập hoàn toàn. Hiện địa phương đã báo cáo lên UBND huyện Đại Lộc tìm phương án xử lý", ông Mơ nói.

Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 6.
Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 7.
Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 8.

Hơn 200 công an, dân quân tự về đã được huy động xuống giúp người dân gia cố bờ kè.

Khu vực sông Vu Gia đoạn qua thôn Khương Mỹ (Đại Cường) bị sạt lở bờ sông với chiều dài gần 100m, chiều sâu ăn vào bờ từ 4-5m. Nhiều vị trí sạt lở chỉ cách nhà ở của một số hộ dân khoảng hơn trăm mét, nguy cơ mất an toàn về người và tài sản.

Chính quyền địa phương đã huy động gần 200 công an, dân quân tự vệ và người dân đóng bao tải cát, đóng cọc tre làm kè để gia cố vị trí sạt lở. Cọc tre cũng được chuẩn bị sẵn, phục vụ việc "cứu" bờ sông đang bị sạt lở dần.

Bà Trương Thị Cẩm (trú thôn Khương Mỹ ) cho biết, vào mùa mưa lũ, người dân ở đây rất lo lắng vì tình trạng sạt lở đất nên đã báo với chính quyền địa phương. "Khi lực lượng chức năng xuống chống sạt lở, chúng tôi cũng tham gia chặt tre, đổ cát, gia cố, chống sạt lở", bà Cẩm nói.

Lũ cuồn cuộn đổ về các sông, nhiều tuyến đường giao thông miền núi bị sạt lở, ách tắc- Ảnh 9.

Đoạn kè đã được gia cố cẩn thận chống sạt lở. (ảnh Tuệ Lâm)

Hiện tại, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cùng Ban Phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ huyện đã đến kiểm tra và đưa ra phương án khắc phục tạm thời bằng đóng cọc tre, bao tải cát để giữ chân mái taluy, tạm không cho ảnh hưởng tuyến giao thông.

Ông Nguyễn Hảo – Bí thư huyện ủy Đại Lộc cho biết, trước mắt đã chỉ đạo UBND huyện yêu cầu địa phương khẩn trương gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở. "Khi qua mùa mưa, huyện sẽ nghiên cứu tìm phương án khắc phục lâu dài, nếu vượt khả năng thì sẽ báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kịp thời để không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của các hộ dân nơi đây", ông Hảo thông tin. 


Tuệ Lâm
Ý kiến của bạn