LS Đỗ Thái Hán: "Việc tạm giam đối với Bs.Lương và cán bộ Sơn là không cần thiết"

30-06-2017 07:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Liên quan đến vụ việc tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Thái Hán - Trưởng Văn phòng luật sư DoHa, đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Việc tạm giam đối với Bác sĩ Hoàng Công Lương và nhân viên phòng vật tư thiết bị y tế Trần Văn Sơn là không cần thiếtLuật sư Đỗ Thái Hán, Trưởng Văn phòng luật sư DoHa, đoàn Luật sư TP Hà Nội

PV: Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn), ký hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình để bảo trì bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại đơn nguyên Thận nhân tạo - BVĐK Hòa Bình, nhưng đơn vị này lại ký hợp đồng với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh bảo trì đơn nguyên Thận nhân tạo dẫn đến hậu quả đau lòng vừa qua. Vậy theo luật sư, trách nhiệm ở đây là ai?

Luật sư Đỗ Thái Hán: Để xác định rõ được trách nhiệm của các bên thì cần chờ kết luận điều tra về nguyên nhân của sự việc trên. Tuy nhiên, nếu hậu quả trên xảy ra là do lỗi trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị y tế thì trách nhiệm chính thuộc về Công ty Thiên Sơn. Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh cũng liên đới phải chịu trách nhiệm vì là bên trực tiếp thực hiện các công việc dẫn đến hậu quả trên. Đối với BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng buộc phải biết đơn vị nào ký hợp đồng và thực hiện công việc vì ngoài nhân viên đến thực hiện việc bảo dưỡng máy móc thì còn liên quan đến các văn bản như: Biên bản nghiệm thu, bàn giao, hóa đơn chứng từ thanh toán.

Việc tạm giam đối với Bác sĩ Hoàng Công Lương và nhân viên phòng vật tư thiết bị y tế Trần Văn Sơn là không cần thiết

PV: Cũng liên quan đến sự cố tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, xin hỏi luật sư việc bắt tạm giam là nhằm ngăn chặn những đối tượng nguy hiểm, có nguy cơ bỏ trốn, tiếp tục gây án, gây nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp này có cần thiết phải bắt tạm giam BS. Hoàng Công Lương và nhân viên Phòng Vật tư - Thiết bị y tế Trần Văn Sơn hay không?

Luật sư Đỗ Thái Hán: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003:

“Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội”.

Như các tin đã đưa, nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhiễm độc nguồn nước do lỗi của đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa máy móc. Do đó trách nhiệm này phải thuộc về đơn vị đã ký hợp đồng với bệnh viện. Sau khi tiếp nhận các thiết bị, máy móc thì các bác sĩ đã vận hành máy móc để khám chữa bệnh, như vậy, nếu Cơ quan điều tra khởi tố BS. Hoàng Công Lương theo Điều 242 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là chưa có cơ sở thuyết phục. Bởi vì quy trình chạy thận nhân tạo theo phương pháp lọc máu vẫn được thực hiện như vậy, không có gì khác so với khi xảy ra sự cố nghiêm trọng trên. Lỗi ở các đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị y tế, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc chứ không phải do bác sĩ.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, khi phân tích các dấu hiệu của hành vi phạm tội chưa rõ ràng thì Cơ quan điều tra vẫn có thể điều tra xác minh nhưng việc tạm giam đối với BS. Hoàng Công Lương và cán bộ nhân viên Phòng Vật tư - Thiết bị y tế là không cần thiết. Cơ quan điều tra nên xem xét chỉ cần áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra là phù hợp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!


Ngọc Thành (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Tags: