Hà Nội

Lòng trắc ẩn, biến điều không thể thành có thể

30-12-2020 15:34 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Một trái tim nhiệt huyết, một cái đầu lạnh và một đôi bàn tay khéo léo - đó là 3 phẩm chất cần phải có của một bác sĩ ngoại khoa để có thể thành công trong y nghiệp. Nhưng đôi khi, đứng trước những ca bệnh cực kỳ phức tạp, thì ngoài 3 yếu tố trên, nếu không có một tấm lòng trắc ẩn, thì bác sĩ ngoại khoa sẽ không thể có đủ dũng cảm để thực hiện những quyết định táo bạo, dù khó khăn nhưng sẽ mang lại hạnh phúc lớn nhất và nhiều nhất cho bệnh nhân…

Một tai nạn kinh hoàng…

Dù đã gần 2 năm trôi qua, nhưng chị Đào Thị Thủy ở phường Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh vẫn không thể quên được giây phút của buổi sáng ngày 28/12/2018, một tai nạn tàu hỏa kinh hoàng đã ập đến với bé Phạm Hải Đăng - con trai của chị.

Nhớ lại thời điểm đó mắt chị Thủy đỏ hoe, giọng run run: “Nghe tiếng tàu hỏa tôi nhao ra, kịp túm lấy và kéo con ra khỏi đường tàu, nhưng phần chân của cháu vẫn bị tàu hỏa cán qua”.

Ngay lập tức, chị đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để cấp cứu. Tại đây, bé được các bác sĩ sơ cứu rồi chuyển gấp lên Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (BVTWQĐ 108).

GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng - Phó giám đốc BVTWQĐ 108, xúc động nhớ lại: Tai nạn đã khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng chân cho đến bàn chân của cả 2 chân bé chỉ còn là một khối thịt dập nát lẫn lộn. Các cấu trúc giải phẫu của cẳng chân và bàn chân cả 2 bên: cơ, cân, gân, xương, khớp và mạch  máu, thần kinh hầu như đã bị tổn thương hoàn toàn.

Do tổn thương quá nặng, có nguy cơ cao và tiên lượng xấu, các bác sĩ đã cân nhắc chỉ định cắt cụt cấp cứu cẳng chân và bàn chân cả 2 bên để tránh hoại tử lan rộng gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.

Dù cứu được đôi chân, nhưng do tổn thương ban đầu quá phức tạp, sẹo xấu... nên bé Đăng không thể đi lại được.

Khi nghe thông báo này, chị Thủy khuỵu xuống. Chị day dứt ân hận, chỉ vài phút bẩn cẩn mà con trai bé bỏng, mới 27 tháng tuổi của chị phải chịu thương tổn nặng nề. Cứ nghĩ đến chuyện Đăng sẽ không thể chạy nhảy, chơi đùa như những đứa trẻ khác, nước mắt chị lại lăn dài...

… một quyết định táo bạo

Cho đến bây giờ, GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng vẫn chưa quên khi ekip bác sĩ hội chẩn ca bệnh: "Khi tiếp nhận BN, cảm giác của anh em bác sĩ chúng tôi là rất đau xót"...

Chính vì thế, các bác sĩ đã thăm khám lại một cách tỉ mỉ, đánh giá kỹ tình trạng chi thể của cháu. Nhận thấy rằng vẫn còn đôi chút hy vọng, dù là không nhiều…

Và một quyết định táo bạo của GS.Hoàng cùng các y bác sĩ của Viện Chấn thương Chỉnh hình, BVTWQĐ 108 đã mang đến cho gia đình BN một tia hy vọng.

GS.Hoàng đã trực tiếp trao đổi cặn kẽ với gia đình BN về khả năng điều trị và kế hoạch can thiệp phẫu thuật… Mặc dù không dễ dàng nhưng các bác sĩ vẫn quyết tâm thực hiện…

Chị Thủy chia sẻ: “Khi nghe GS.Hoàng nói sẽ cố gắng tìm mọi cách cứu chữa và tiếp tục nghiên cứu tìm cách phục hồi để sau này cháu có thể đi lại được trên chính đôi chân của cháu, tôi đã khóc vì vui mừng và cảm động…”.

“Điều trị ca bệnh này thực sự là gian nan, bởi tổn thương xương khớp của BN quá phức tạp nên bàn chân không còn hình hài thông thường nữa. Ngay cả khi cố giữ được cả 2 chân thì sau khi vết thương liền sẹo, cháu cũng không thể sử dụng được bàn chân do đã bị mất toàn bộ da che phủ, mất đoạn mạch máu thần kinh và do biến dạng các điểm tỳ…”. GS.Hoàng chia sẻ.

Bé Đăng phải đi lại bằng đầu gối

Nếu muốn phục hồi lại chức năng đi đứng cho BN thì các thầy thuốc sẽ phải thực hiện phẫu thuật rất nhiều lần, với những kỹ thuật can thiệp rất khó.

Trong đó phục hồi khung xương và tạo hình phủ vùng tỳ đè bàn chân bằng các vạt tự do có ứng dụng kỹ thuật vi phẫu sẽ là những thách thức lớn nhất.

Trong khi đó, BN mới hơn 2 tuổi và các cấu trúc giải phẫu đều rất nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ thất bại cao. Chưa kể đến, các mạch máu và các dây thần kinh bị mất đoạn nên phải nối ghép vi phẫu, do đó ca mổ sẽ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.

Lúc này, vấn đề gây mê và hồi sức trong và sau mổ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho BN là không hề đơn giản. Một thách thức nữa là việc tham khảo kinh nghiệm của các tác giả nước ngoài về điều trị phẫu thuật cho loại tổn thương phức tạp như vậy (ở cả 2 chân trên những trẻ em 2-3 tuổi) lại chưa được các tác giả quốc tế thông báo trong y văn thế giới.

GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng và bé Đăng trước các ca mổ chỉnh sửa.

GS.Hoàng trầm ngâm: “Đối với tôi, đó thực sự là một ca mổ phức tạp và đáng nhớ. Nó có thể được ví như một “trận đánh lớn” đòi hỏi bản thân phải phát huy tối đa khả năng chuyên môn của mình để ca mổ không thể thất bại.

Nếu lựa chọn con đường dễ dàng và an toàn nhất là cắt bỏ đôi chân của bé ngay sau tai nạn thì thật là đơn giản, không ai có thể trách bác sĩ được. Nhưng nếu vậy thì cháu bé cứ lớn lên với đôi chân bị cụt, cả tương lai phía trước của cháu sẽ đi về đâu?”.

Và thành công ngoài mong đợi

Thế rồi, can thiệp phẫu thuật cấp cứu đã cứu sống được cả 2 chân cho cháu bé. Tuy nhiên, cho dù vết thương đã liền sẹo, nhưng do tổn thương ban đầu quá phức tạp nên bé vẫn không thể đi lại được do sẹo xấu dính xương gây co kéo biến dạng, kèm theo loét và đau ở bàn chân cả 2 bên.

Lúc này Đăng chỉ có thể di chuyển bằng xe đẩy, bế hoặc phải đi lại bằng 2 đầu gối. Việc đi lại bằng đầu gối khiến đầu gối biến dạng bẹt xuống, vùng da ở đó trở nên chai sần, xù xì, đen sẫm.

Nhưng, việc di chuyển bằng đầu gối cũng rất khó khăn, bởi cẳng chân và bàn chân của bé bị duỗi thẳng ra… GS. Hoàng và các bác sĩ Viện CTCH lại tiếp tục các ca phẫu thuật chỉnh sửa để Đăng có đôi chân với đầy đủ chức năng…

Như một phép màu, sau 4 lần mổ tạo hình ứng dụng những kỹ thuật phức tạp ở trình độ rất cao, đến nay bé đã có thể đi lại và vận động hoàn toàn như bình thường bằng chính đôi chân của mình.

Trải qua 4 lần phẫu thuật, đến nay bé Đăng đã đi lại, chạy nhảy được như những đứa trẻ bình thường khác

GS. Hoàng chia sẻ, cách thức và chiến lược can thiệp phẫu thuật cho ca bệnh này thành công cả về mặt chuyên môn và khoa học, giúp trả lại cuộc sống lành lặn cho BN.

Về mặt khoa học, đây là ca mổ tạo hình thành công đồng thời 2 vạt Delta vi phẫu có phục hồi thần kinh cảm giác ở vùng tỳ đè của cả hai bàn chân đầu tiên trên thế giới.

Đây cũng là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật tạo hình phủ thành công cả 2 bàn chân bằng 2 vạt tự do ứng dụng kỹ thuật vi phẫu.  Để đảm bảo cho các ca phẫu thuật, nhiều chuyên khoa khác như: gây mê, hồi sức tích cực, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, dinh dưỡng... cũng đã phối hợp điều trị rất ăn ý và hiệu quả.

Hai năm trôi qua sau tai nạn kinh hoàng ấy, nhìn Đăng vui chơi, chạy nhảy giống như bao đứa trẻ bình thường khác, không ai có thể nghĩ và có thể tưởng tượng được rằng, đã có một tai nạn khủng khiếp xảy ra với đôi bàn chân bé bỏng ấy.

Gặp Đăng sau can thiệp sửa sẹo mới đây khi bé đang ngủ ngon lành trong vòng tay của mẹ. Nhẹ nhàng xoa hai đầu gối vẫn chưa mờ hết chai sần, ngắm đôi bàn chân hồng hào tự nhiên của con, chị Thủy mỉm cười: Không thể ngờ rằng, có ngày con tôi có thể đi lại được như bình thường. Gia đình chúng tôi rất hạnh phúc và vô cùng biết ơn các bác sĩ, đặc biệt là GS. Hoàng - người đã trực tiếp mổ cho cháu. Mọi sinh hoạt của cháu giờ đây đã hoàn toàn trở lại bình thường.

Chỉ cần thêm một vài thủ thuật chỉnh sửa rất nhỏ nữa thôi là bé có thể trở lại cuộc sống bình thường, được vui đùa, chạy nhảy giống như tất cả các bạn bè cùng trang lứa. Cố lên nhé cậu bé dũng cảm!


Thu Hà
Ý kiến của bạn