Hà Nội

Lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ qua, chẩn đoán muộn

30-09-2022 12:09 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Lồng ruột ở người lớn là bệnh ít gặp nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể gây tắc nghẽn đường cung cấp máu cho ruột dẫn tới hoại tử, nhiễm trùng đường ruột...

1. Nguyên nhân gây lồng ruột ở người lớn

Ruột là cơ quan trong đường tiêu hóa, có hình ống, rỗng bên trong, rất dài và xếp trong ổ bụng. Lồng ruột là tình trạng một phần ruột trượt vào lồng với một phần ruột khác, gây tắc nghẽn thức ăn và dịch tiêu hóa không lưu thông.

Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây tắc nghẽn đường cung cấp máu cho ruột dẫn tới hoại tử, nhiễm trùng đường ruột và thủng ruột rất nguy hiểm.

Lồng ruột rất hay gặp ở trẻ em, rất ít các trường hợp xảy ra ở người lớn khiến cho việc chẩn đoán xác định gặp nhiều khó khăn. Việc phát hiện và điều trị sớm lồng ruột ở người lớn góp phần tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể xảy ra

Khác với lồng ruột ở trẻ nhỏ, lồng ruột ở người lớn thường có nguyên nhân:

  • Do có u ở ruột non hoặc đại tràng.
  • Bị viêm hạch mạc treo.
  • Bị viêm hồi manh tràng mạn.
  • Bị manh tràng di động.
  • Bị viêm do bệnh lý như bệnh Crohn.
  • Bệnh nhân có mô như mô sẹo hình thành trong ruột.
  • Sau phẫu thuật cắt đường ruột để giảm cân.

Tùy theo nguyên nhân mà vị trí lồng ruột ở người lớn cũng đa dạng: lồng ruột hồi - đại tràng; lồng ruột hồi - hồi - đại tràng; lồng ruột hồi - manh tràng...

Bác sĩ dựa trên siêu âm hoặc chụp CT có thể chẩn đoán được vị trí lồng ruột để có phương án phẫu thuật phù hợp.

Cần thận trọng với các trường hợp lồng ruột do u hầu hết là ung thư, cần điều trị sớm bằng phẫu thuật kết hợp với các phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư.

photo-1664357236507

Phát hiện và điều trị sớm lồng ruột ở người lớn góp phần tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

2. Dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng của bệnh lồng ruột ở người lớn rất dễ nhầm lẫn với nhiều tình trạng khác nên khó để phát hiện bệnh:

- Đau bụng từng cơn: Lồng ruột khiến thức ăn khó lưu thông, mạch máu ở ruột bị tắc nghẽn nên bệnh nhân thường đau bụng, bụng co cứng. Nếu cơn đau nghiêm trọng kéo dài có thể là dấu hiệu lồng ruột nặng đã dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử.

- Buồn nôn, nôn mửa: Kích thích đường ruột gây nôn mửa hoặc buồn nôn kéo dài. Đây là triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa khác. Chính vì thế khi các dấu hiệu bệnh xuất hiện dài, mức độ nặng dần và không giảm cần đưa người bệnh đi khám ngay để kiểm tra.

Triệu chứng nôn còn phụ thuộc vào vị trí ruột bị lồng: Nếu lồng ruột ở vị trí cao, bệnh nhân thường bị nôn sớm và nhiều; Còn lồng ruột ở các vị trí thấp thì bệnh nhân thường nôn muộn hoặc ít nôn.

- Bí trung, đại tiện: Là triệu chứng khá thường gặp ở người lớn bị lồng ruột. Do lồng ruột khiến thức ăn không thể di chuyển xuống phần ruột dưới để tạo ra phân đưa ra ngoài cơ thể.

Hiện nay hầu hết bệnh nhân người lớn bị lồng ruột đi khám muộn khi các triệu chứng bệnh kéo dài khiến bệnh đã biến chứng làm việc điều trị trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.

3. Chẩn đoán bệnh lồng ruột ở người lớn

Lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ sót, chẩn đoán muộn. - Ảnh 4.

Đau bụng từng cơn là triệu chứng của lồng ruột.

Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ thường yêu cầu làm một số phương pháp hỗ trợ chẩn đoán:

- Siêu âm và chẩn đoán hình ảnh ổ bụng: có thể cho thấy vùng ruột bị tắc nghẽn do lồng ruột và có thể cho thấy ruột có bị rách hay thủng không.

- Bơm hơi hay thụt barium: là phương pháp giúp hình ảnh ruột rõ nét hơn.

4. Lồng ruột ở người lớn có nguy hiểm không?

Khi bị lồng ruột đoạn ruột bị lồng có thể không được cung cấp máu đầy đủ. Vì vậy nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, các mô ở đoạn ruột bị thiếu máu nuôi dưỡng sẽ chết gây rách hoặc thủng thành ruột và có thể dẫn đến nhiễm trùng niêm mạc trong ổ bụng rất nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

5. Phẫu thuật là biện pháp điều trị duy nhất lồng ruột ở người lớn

Việc lựa chọn các phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân, thể trạng bệnh nhân. Nếu lồng ruột ở người lớn được phát hiện sớm, khi khối lồng chưa bị hoại tử và viêm phúc mạc thì phẫu thuật sẽ có hiệu quả cao vừa giúp điều trị lồng ruột vừa loại bỏ nguyên nhân bệnh.

Khác với ở trẻ nhỏ, bơm hơi không thể giải quyết được tình trạng lồng ruột ở người lớn. Ngoài phẫu thuật thì bệnh nhân cần điều trị nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để tránh tái phát. Nếu nguyên nhân do u ở manh tràng hay đại tràng phải, có thể phải cắt bỏ nửa đại tràng. Nếu u ở đại tràng trái thì cũng cần cắt bỏ, sau đó đưa hai đầu đại tràng ra ngoài nối với hậu môn. Trường hợp lồng ruột do viêm, dính ruột thì cần gỡ dính, tháo lồng ruột kết hợp với điều trị phòng ngừa nhiễm trùng.

Để phòng ngừa chứng lồng ruột ở người lớn cũng gặp khó khăn do ít xảy ra và thường là biến chứng của bệnh lý nào đó. Chính vì vậy người bệnh không nên chủ quan, cần đi khám ngay nếu thấy có những triệu chứng bất thường kéo dài. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ hướng dẫn biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp tránh bệnh tái phát cũng như biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

4 dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị lồng ruột, cha mẹ cần lưu ý4 dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị lồng ruột, cha mẹ cần lưu ý

SKĐS - Trẻ có biểu hiện đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú... là các dấu hiệu của chứng lồng ruột, cha mẹ cần chú ý đưa con đi khám và điều trị kịp thời.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Sai lầm: Ăn quả thay rau vừa tăng cân vừa hại sức khỏe | SKĐS


BS. Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn