Hà Nội

Lồng ruột, cần được xử trí kịp thời

04-04-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Lồng ruột là một bệnh cấp tính xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em và chiếm tỷ lệ cao nhất là trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Lồng ruột là một bệnh cấp tính xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em và chiếm tỷ lệ cao nhất là trẻ dưới 24 tháng tuổi. Ðây là một bệnh hết sức nguy kịch nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây hoại tử ruột, sốc nặng và tử vong.

Vì sao bị lồng ruột?

Khi có một đoạn ruột chui vào lòng của đoạn ruột kế tiếp gọi là lồng ruột. Bệnh gây nên tắc ruột cơ học mà cơ chế là vừa bít nút, vừa thắt nghẽn, tạo thành một chuỗi biến chứng nguy kịch. Bệnh lồng ruột ở trẻ nhỏ thường xảy ra vào những lúc thời tiết dễ gây nên viêm nhiễm các bệnh khác như viêm ruột, viêm đường hô hấp do các loại virut gia tăng phát triển. Thống kê cho thấy, có tới 80 - 90% trẻ bị lồng ruột ở lứa tuổi dưới 24 tháng tuổi, hay gặp ở trẻ bụ bẫm và bé trai gặp nhiều hơn bé gái có thể do áp suất ở trong bụng và nhu động ruột ở bé trai mạnh hơn bé gái.

Hình ảnh lồng ruột.

Về nguyên nhân gây lồng ruột, có gần 90% trường hợp lồng ruột ở trẻ dưới 1 tuổi không xác định được nguyên nhân. Tuy vậy, cũng cần lưu ý vì đây là thời kỳ bé chuyển từ bú sữa mẹ sang ăn dặm hoặc thay đổi loại sữa trẻ đang dùng hoặc do bố mẹ vui đùa với con quá mức nên ruột dễ co bóp bất thường làm rối loạn nhu động ruột. Trong một số ít trường hợp, lồng ruột xảy ra do các u bướu, polyp có trong lòng ruột. Ngoài ra, sau một đợt nhiễm virut, trẻ cũng có thể bị lồng ruột do rối loạn co bóp ruột, dó đó trong những đợt có dịch cúm hoặc sau tiêu chảy do virut (Rotavirrus) thì số ca lồng ruột ở trẻ tăng lên cao hơn.

Biểu hiện của bệnh lồng ruột

Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh lồng ruột ở trẻ là đau bụng. Đau bụng thường xảy ra đột ngột và đau từng cơn, vì vậy, trẻ khóc thét, giãy dụa, ưỡn thẳng người, mặt xanh tái. Mỗi lần khóc thét chỉ kéo dài khoảng vài phút rồi trẻ nằm yên khoảng chừng 10 - 15 phút, có thể bú lại nhưng sau đó xuất hiện cơn đau bụng khác. Trẻ khóc là do cơn đau bụng dữ dội và vì do khóc nhiều nên trẻ bị mệt, mặt trắng bệch, lưng cong ưỡn lên, hai tay nắm chặt, chân co lại hoặc đạp lung tung. Tiếp đến là trẻ nôn ra sữa hoặc thức ăn hoặc nôn ra chất dịch mật màu vàng hoặc xanh nhạt. Trong trường hợp lồng ruột xảy ra đã muộn, có thể nôn ra phân. Đa số trẻ bị lồng ruột sau khoảng 8 giờ, trẻ đi ngoài ra máu có lẫn chất nhầy (cũng có trường hợp không đi ngoài ra máu). Nếu dùng ngón tay thăm dò trực tràng của trẻ có thể thấy ngón tay bị dính máu. Mỗi khi trẻ nằm yên, nếu sờ tay vào vùng hạ sườn phải dọc theo đường đi của đại tràng có thể thấy một khối nổi lên, trơn nhẵn, không cứng, đó là khối lồng của ruột. Trong khí đó, sờ vào hố chậu phải sẽ thấy rỗng vì ruột ở đây đã chui vào khối lồng rồi.

Ngoài ra, nếu trẻ bị lồng ruột ở giai đoạn muộn, sau 12 tiếng, trẻ thường sốt 39 - 400C, có dấu hiệu tắc ruột, viêm phúc mạc, đại tiện ra máu, nôn ra phân, cơn khóc có ít đi, trẻ lờ đờ, da xanh tái, bụng trướng do nhiễm độc. Chụp Xquang có thuốc cản quang (baryt) sẽ thấy chất baryt đi chậm và ngừng lại ở chỗ rỗng. Siêu âm là phương tiện cận lâm sàng giúp ích chủ yếu cho chẩn đoán lồng ruột có độ nhạy gần như 100% với điều kiện bác sĩ siêu âm có trình độ và có kinh nghiệm.

Khi nghi trẻ bị lồng ruột nên làm gì?

Khi thấy trẻ đột nhiên đau bụng, quấy khóc từng cơn, bỏ bú, có thể kèm theo nôn nhiều lần (nếu ở giai đoạn muộn hơn, trẻ đi ngoài phân lẫn máu đỏ tươi hoặc sẫm), cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và xử trí kịp thời tránh để xảy ra biến chứng (ruột hoại tử, sốc, nguy cơ tử vong cao).

Ngoài ra, đối với những trẻ đang bị sốt, ho hay nhiễm virut, trẻ đột ngột quấy khóc từng cơn cũng có thể là một dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột cần phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay để tránh nguy hiểm cho trẻ. Nên lưu ý với trẻ đã từng bị lồng ruột thường có nhiều nguy cơ bệnh tái phát, bố mẹ các cháu, gia đình cần hết sức lưu ý.

BS. Việt Bắc

 

 


Ý kiến của bạn