Lòng như nắng sớm - Ảnh 1.

Trong tiết trời xuân đằm thắm, chúng tôi trò chuyện với Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty dược Việt Nam, giữa vườn mai đang trổ hoa vàng rực rỡ.

Phong thái ưu nhã, hóm hỉnh và đầy minh triết của ông khiến cho tôi tự hỏi, liệu có phải ngành y với sứ mệnh chữa bệnh cứu người cùng lời thề Hippocrates và lời Bác dạy "Lương y phải kiêm từ mẫu"đã hun đúc nên những người thầy thuốc vị tha, nhẫn nại nhưng vô cùng nhạy bén, kiên định và can đảm. Nắng xuân như tơ óng hòa vào màu hoa lấp lánh bất giác khiến tôi liên tưởng người TTƯT ấy giản dị, ấm áp như nắng, hào sảng, tươi duyên như nắng và tấm lòng, tài trí của ông cũng rạng rỡ như nắng.


Lòng như nắng sớm - Ảnh 2.

Không vội nói nhiều về bản thân, TTƯT, DSCK II Trần Tựu ôn tồn giúp chúng tôi hiểu thêm về nghề dược mà ông một đời theo đuổi: "Trong lịch sử, dẫu trải qua nhiều thăng trầm, li loạn song cha ông ta vẫn bảo vệ và gìn giữ ba ngôi miếu thờ rất quan trọng, tượng trung cho ý chí, khát vọng của tiền nhân. Đó là Văn Miếu, Võ Miếu và Y Miếu. "Văn" để làm đẹp con người, "võ" để có sức khỏe bảo vệ Tổ quốc còn "y" là để cứu người. Khi còn là thanh niên, tôi rất tâm đắc với lời của đức Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác rằng: "Ðạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công". Vì thế, tôi đã thi vào Đại học Dược Hà Nội và từ đây xác định con đường của mình là phải luôn gắng gỏi để có những sản phẩm tốt nhất chăm sóc sức khỏe của nhân dân".

Nhưng để đi được trên con đường đó thực sự là điều không đơn giản, nhất là đối với một thanh niên mồ côi cha khi mới vừa tròn 6 tuổi, sống trong một xã nghèo nhất tỉnh Hà Nam. Con đường đến trường tuổi ấu thơ là những ngày nước ngập trắng đồng, phải mang gậy tre dò đường, là những ngày theo mẹ đi mót lúa, "kéo bừa thay trâu", là ân tình của bạn bè, thầy cô và cha mẹ của bạn mình đã cưu mang, giúp chỗ ở, nuôi ăn khi đi học xa nhà.

Khóa sinh viên Dược năm ấy ra trường khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn cao trào. Ngay khi nhận bằng tốt nghiệp, dù gia đình đã có anh trai đang chiến đấu trong chiến trường, anh vẫn viết đơn tình nguyện đi B. Sau hai tháng ròng rã vượt Trường Sơn vào tuyến lửa, anh đã có mặt tại chiến khu R, lập tức triển khai công tác và chiến đấu, đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và nhân dân vùng kháng chiến.

Lòng như nắng sớm - Ảnh 3.

TTƯT Trần Tựu xúc động nhớ lại: "Năm 1973, để có cơ sở an dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn đồng bào, đồng chí được trao trả theo hiệp định Pari, Trung ương cục miền Nam đã gấp rút cho xây dựng Bệnh viện Ban Đón tiếp tại vùng giải phóng Lộc Ninh, Bình Phước. Tôi được phân công là trưởng khoa Dược, phụ trách một nhóm các dược sĩ, dược tá tổ chức pha chế, sản xuất tại chỗ các loại dịch truyền, một số loại thuốc tiêm. Ngày trao trả, tôi trực tiếp ra sân bay dã chiến và suốt đời không thể nào quên sự quả cảm, quật cường của các anh chị. Tôi tự dặn lòng và nói với anh em trong khoa là các cô chú, anh chị em đã trải qua tra tấn, đàn áp của kẻ thù, nhiều người tuyệt thực thời gian dài nên rất cần được chăm sóc chu đáo, cung cấp các loại thuốc tốt nhất để họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe để tiếp tục tham gia chiến đấu. Tôi cũng vô cùng biết ơn các đồng sự ngày ấy, họ thực sự là những người anh hùng, làm việc quần quật ngày đêm, chỉ ăn có rau rừng, cơm độn và muối quẹt mà làm được bao việc lớn".

Suốt những năm gian khổ đó, dù trong khoa chỉ có 14 người, đa số là nhân viên nữ, thường xuyên phải di chuyển để tránh những trận càn của kẻ địch, máy móc, trang thiết bị thiếu thốn, nhiều loại thuốc phải tự bào chế, chưng cất song ông cùng đồng đội đã luôn sát cánh, nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại dịch chuyền mặn, ngọn, pha chế các loại thuốc tiêm, vitamin và một số loại thuốc cảm cúm, thuốc trị đường ruột và vaccine ngừa tả… cung ứng đầy đủ cho một Bệnh viện và bảy Trạm y tế.

Nhiều sáng kiến "có một không hai" trong lịch sử ngành dược thế giới được ông đề xuất áp dụng như sử dụng các tấm dù pháo sáng làm vật liệu lọc thuốc, sử dụng các loại chai penixilin đem rửa sạch, hấp tiệt trùng để đóng các loại thuốc tiêm, vitamin… Nhiên liệu dùng cho cất nước, hấp thuốc, xử lý chai, lọ, bao bì đóng dịch truyền và các loại thuốc tiêm… đều do mọi người tranh thủ ngày thứ 7 đi kiếm củi trong rừng sâu.

Lòng như nắng sớm - Ảnh 4.

"Nhưng ngày ấy chúng tôi chỉ có đôi tay, vài vỏ thùng đạn và một khoảnh rừng để tạo nên một phòng pha chế dã chiến. Anh Tựu cùng anh chị em đào sâu xuống đất gần 2 thước để tạo hầm chứa thuốc, rồi lấy ni lông bao quanh chống ẩm, kệ chứa thuốc cũng do anh chị em đóng từ các thân cây. Còn phòng pha chế thì yêu cầu cao hơn, anh Tựu thức đêm mấy đêm vẽ bản vẽ chi tiết, rồi mọi người theo đó làm. Đào sâu hơn, lấy ni lông căng kín tường hầm và bao trùm lên mái, dưới sàn lót gỗ và đặt một chiếc bàn pha. Dụng cụ pha chúng tôi mua bình thủy tinh ở trị trấn Lộc Ninh và những chiếc muỗng lớn để khuấy, dùng cụ lọc bằng dù pháo sáng Mỹ vì nó mỏng và mịn, gấp lại nhiều lần và quấn vào đuôi của xilanh tiêm. Rồi chúng tôi dùng phương pháp chân không để đưa nước vào lọc. Lọc xong chúng tôi đóng vào chai tận dụng từ các chai thuốc cũ đã qua sử dụng được rửa sạch, hấp tiệt trùng. Đưa thuốc mới vào, dùng dây thun quấn chặt rồi đặt vào nồi hấp tiệt trùng một lần nữa. Trong suốt chừng ấy năm, thuốc và dịch truyền của chúng tôi không hề xảy ra bất cứ sự cố nào" - dược sĩ Lê Kiên, một trong những cán bộ của khoa dược ngày đó không giấu được cảm xúc tự hào.

Mùa xuân năm 1975, dược sĩ Trần Tựu được triệu tập để chuẩn bị theo quân giải phóng vào Sài Gòn - Gia Định tiếp quản. "Khi đó, tôi được giao cho một danh sách 120 cơ sở bào chế dược của chính quyền cũ. Tôi rất hoang mang vì địa bàn thì rộng, lại lạ lẫm trong khi chúng tôi chỉ có một nhóm người ít ỏi. Nhưng một cán bộ của Ban Quân quản đã động viên rằng, vào nội đô sẽ có cơ sở của ta tiếp ứng và hỗ trợ. Chúng tôi được phát quân trang như các chiến sĩ giải phóng để đảm bảo ăn mặc đồng bộ, nghiêm ngắn. Trưa ngày 30/04/1975, tôi ngồi trên chiếc gin ba cầu cùng các cán bộ thuộc đoàn quân tiếp quản các cơ sở dân chính của thành phố Sài Gòn từ vùng chiến khu Tây Ninh được lệnh hành quân. Cảm xúc lúc bấy giờ vô cùng hân hoan và tự hào vì biết từ ngày hôm nay, đất nước đã thống nhất, giang sơn về một mối" - TTƯT Trần Tựu sôi nổi kể lại.

Lòng như nắng sớm - Ảnh 5.

Trong suy nghĩ của TTƯT Trần Tựu, đó cũng là ngày khởi động một hành trình cách mạng mới, một hành trình không ngơi nghỉ với khối lượng công việc đồ sộ, nhạy cảm và đầy áp lực của các lực lượng tiếp quản.

Vào nội thành, đoàn xe của khối cơ quan dân chính dừng tại sân trường Đại học Bách khoa để chuẩn bị công tác cho ngày hôm sau. Nhưng khi màn đêm buông xuống, Trần Tựu cùng các đồng chí trong Ban Y tế - Xã hội lại nhận được tin báo kẻ xấu đang lên kế hoạch phá hoại một nhà máy và một kho hàng gần đó. Ngay lập tức, anh cùng ba chiến sĩ bảo vệ vác súng chạy đến tiếp ứng cho đội bảo vệ nhà máy. Chỉ ít phút sau, những thanh niên có hành vi phá hoại bị khống chế và thu hung khí, đèn điện được bật sáng xung quanh nhà máy.

Sau đó, họ tỏa đi tuần tra các nẻo đường, các khu cư xá để có thể kịp thời ngăn chặn những hành vi chống phá hoặc những trò chơi dại dột của đám thanh niên mới lớn.

Ngày hôm sau, nắng mai vừa lên, thành phố như bừng tỉnh sau một đêm dài hoang mang, bỡ ngỡ. Sương sớm làm tan loãng dần mùi khói súng và mùi khét cháy tỏa ra từ những công trình bị tàn quân phá hoại. Đội ngũ cán bộ Y Dược trang phục chỉnh tề tiến đến cơ quan Bộ Y tế của chế độ cũ. Mọi hoạt động của cơ quan này vẫn hết sức nề nếp, đội ngũ cán bộ hết sức bình tĩnh khi gặp cán bộ tiếp quản. Ngay khi được yêu cầu, họ bàn giao cho Dược sĩ Trần Tựu một hệ thống sổ sách ghi chép đầy đủ, cụ thể về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong một thời gian ngắn, nhờ sự phối hợp của họ, lực lượng y tế của ta đã tiếp quản nguyên vẹn các cơ sở y dược, bao gồm các viện bào chế, các công ty kinh doanh dược phẩm tại Sài Gòn

Danh sách chính xác lúc này là 125 viện bào chế, được chia cho cho 5 nhóm tiếp quản gồm các cán bộ của Ban Dân y từ cứ về, một số cán bộ y tế là cơ sở của cách mạng và số khác là nhân viên y tế của cơ quan Quản lý Dược của chính quyền Sài Gòn cũ. Dược sĩ Trần Tựu phụ trách một nhóm có nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở dược vắng chủ.

Nhớ lại những ngày đó, anh cười hiền bảo không biết mình lấy đâu ra sức lực để làm việc miệt mài từ sớm tới tận khuya, vừa tiếp nhận tài liệu, kiểm tra thực trạng các cơ sở rồi làm báo cáo… Ngày nối ngày cùng đồng nghiệp thức tới nửa đêm để hoàn chỉnh hồ sơ, lên phương án thay đổi tên gọi, quy trình quản lý. Anh cũng đề xuất tiếp tục sử dụng lại các cán bộ, nhân viên của các viện bào chế có nhân thân tốt, trình độ cao.

Những nhân viên là người của chế độ cũ từ nghi ngại, e dè, qua quá trình chứng kiến cán bộ giải phóng làm việc đã nể phục và tin tưởng hơn, nhiệt tình giúp đỡ, giải thích cặn kẽ mọi phương pháp, kỹ thuật bào chế thuốc tiên tiến nhất của các viện bào chế. Họ nấu thêm những phần cơm mang đến cho cán bộ tiếp quản ăn khuya và ngỏ ý muốn mua tặng Trần Tựu hai bộ đồ dân sự vì thấy anh chỉ mặc miết hai bộ quân phục bởi lo ngại còn có tàn quân ẩn núp đâu đó sẽ nhằm vào bộ đội để ám sát.

Hoàn thành công tác tiếp quản, dược sĩ Trần Tựu được UBND Thành phố quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9 trên cơ sở sáp nhập 7 viện bào chế tư nhân. Từ đây, người dược sĩ trưởng thành từ trong "cứ" đã bước vào một hành trình mới với nhiều thách thức là chèo lái con thuyền kinh doanh và sản xuất dược phẩm, đảm bảo cung ứng thuốc cho nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.


Lòng như nắng sớm - Ảnh 6.

Dược sĩ Chu Mai Hào, nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9 vẫn không quên những ngày mới giải phóng, đất nước bị cấm vận mọi mặt, nguồn ngoại tệ để nhập nguyên liệu sản xuất dược phẩm thiếu trầm trọng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân bị đình trệ vì thiếu thuốc điều trị.

Trong bối cảnh đó, dược sĩ Trần Tựu đã cũng Ban giám đốc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu các loại cây dược liệu bản địa của Việt Nam để đưa vào ứng dụng sản xuất một số loại thuốc. Cơ duyên run rủi, dược sĩ Trần Tựu đã đến gặp Giáo sư Đặng Hồng Vân và Tiến sĩ Phan Quốc Kinh, Đại học Dược Hà Nội để đề nghị hợp tác nghiên cứu.

Sau bao đêm trắng bám phòng thí nghiệm, niềm vui vỡ òa khi ê kíp chiết xuất thành công chất berberin từ cây vàng đắng và nghiên cứu từ cây cỏ sữa lớn lá làm thuốc chữa bệnh lị và bệnh đường ruột rất hiệu quả.

Lòng như nắng sớm - Ảnh 7.

Lòng như nắng sớm - Ảnh 8.

Những năm sau, thêm nhiều sản phẩm khác được ra đời từ xí nghiệp như sản phẩm Phytol (tương tự sản phẩm Cophytol của Pháp) chữa các bệnh về gan chiết xuất từ hoa; sản phẩm betasiphon có công dụng lợi tiểu chiết xuất từ cây râu mèo; một số loại cây tinh dầu khác của vùng núi nước ta được bào chế thành Dầu gió nâu, Dầu gió xanh…

Các sản phẩm được xí nghiệp đưa vào sản xuất hàng loạt, song do điều kiện giao thông ngày đó còn khó khăn và năng lực sản xuất của xí nghiệp còn hạn chế, nên thuốc không đủ cung ứng thị trường phía Nam, còn phía Bắc thì gần như "bất khả kháng". Vì thế, sau nhiều ngày đắn đo, dược sĩ Trần Tựu đã xin ý kiến hai nhà nghiên cứu cùng Ban giám đốc và đi đến quyết định sẽ chuyển giao công thức cho các đơn vị trong cả nước để đảm bảo nguồn thuốc chữa bệnh.

"Khi đó chúng tôi chỉ nghĩ, sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết. Mọi nghiên cứu là để phục vụ nhân dân chứ không nghĩ giữ bản quyền của riêng mình để thu lợi hay khoe khoang công lao" - TTƯT Trần Tựu nói.

Đặc biệt, ông đã nghiên cứu, ứng dụng thành công "Dây chuyền sản xuất Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu", đạt sản lượng chiếm 50% của cả nước, thu về một nguồn ngoại tệ lớn và đổi một số mặt hàng nguyên liệu thiết yếu khác để góp phần kiến thiết quốc gia. Cũng cần nói thêm là thời điểm đó, cao Sao vàng là sản phẩm chủ lực được xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Do yêu cầu xuất khẩu, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3 đã chia sẻ công thức cho các đơn bị khác cùng sản xuất, trong đó có Xí nghiệp 2/9.

Quá trình triển khai, dược sĩ Trần Tựu nhận thấy nhiều bất cập như thiếu các loại tinh dầu thiên nhiên, sản xuất thủ công, chiết rót bằng tay … khiến sản lượng thấp. Ông đề xuất thúc đẩy hợp tác sản xuất với các hợp tác xã nông nghiệp, vùng nguyên liệu để đàm bảo nguồn cung ứng tinh dầu trong nước. Đồng thời, mời các chuyên gia của Khoa Cơ khí Trường Đại học Bách khoa TP.HCM nghiên cứu, thiết kế một dây chuyền sản xuất mới. Song đáng buồn là các thiết kế đó lại quá phức tạp và thị trường thiếu vật tư, thiết bị thích hợp để chế tạo.

Không nản lòng, Trần Tựu lại cùng đồng sự của mình trong xí nghiệp mày mò tìm cách. Anh nêu ý tưởng cơ giới hóa hai công đoạn xử lý tá dược, pha chế và chiết rót… với hai công nhân kĩ thuật cơ khí lành nghề là Nguyễn Hữu Cảnh và Vi Văn Long. Và công trình "Nghiên cứu, thiết kế dây chuyền sản xuất Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu" mang dấu ấn "cây nhà, lá xí nghiệp" đã được triển khai thành công, năng suất lao động tăng vọt với sản lượng năm cao nhất đạt 59 triệu hộp, chiếm hơn 50% tổng sản lượng của cả nước.

"Chúng tôi làm đi làm lại nhiều lần, có lúc nản lòng nhưng rồi lại động viên nhau cố gắng. Quy trình sản xuất mới bao gồm: thiết bị xử lý tá dược, thiết bị pha chế chính với việc gia nhiệt có kiểm soát bằng hệ thống hơi nước (steam), hỗn hợp dầu cù là được lưu trữ trong thiết bị riêng với nhiệt độ thích hợp và vận chuyển trong đường ống đến khu vực chiết rót. Khâu chiết rót đã được cơ giới hóa với việc liên kết các đáy hộp chứa dầu cao thành hệ thống chiết rót với năng suất tăng từ 60 - 100 lần cách chiết rót thủ công"- ông Nguyễn Hữu Cảnh cho biết.

Một dấu ấn khác trong cuộc đời của TTƯT Trần Tựu là ông vinh dự được tham dự "Sự kiện Đà Lạt" do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh thời điểm đó tổ chức nhằm báo cáo thực tế hoạt động của một số doanh nghiệp điển hình với các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, được coi là "cú hích" trọng điểm đến công cuộc đổi mới.

Tại đây, sau khi nghe Trần Tựu báo cáo, đồng chí Phạm Văn Đồng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã nói: "Đồng chí Bregiơnép, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô có nói với Tổng bí thư Lê Duẩn của chúng ta rằng: Nếu Việt Nam mà cung cấp cho Liên Xô mỗi người một hộp cao Sao vàng thì Liên Xô cũng hết lòng ủng hộ những cái Việt Nam cần. Vì thế đồng chí cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy sản xuất". Cuối cuộc họp, đồng chí Trường Chinh ân cần dặn dò thêm: "Ngày xưa không có thuốc tây, ông cha ta đã nghiên cứu sử dụng thuốc nam để chữa bệnh rất hiệu quả. Xí nghiệp của đồng chí cần tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, khai thác hiệu quả nguồn dược liệu của Việt Nam để sản xuất ra nhiều hơn nữa sản phẩm thuốc điều trị cho người dân".

"Lời động viên của hai con người vĩ đại đó là nguồn cổ vũ lớn lao đối với tôi lúc bấy giờ" - TTƯT Trần Tựu chia sẻ.

Lòng như nắng sớm - Ảnh 9.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, từ Xí nghiệp 2/9, dược sĩ Trần Tựu được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Tp. HCM và tiếp đó, năm 1990, được điều động về Bộ Y tế nhận nhiệm vụ mới tại Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam. Bằng bản lĩnh, trí tuệ và sự tận tụy, cầu thị của mình, ông đã huy động được trí tuệ tập thể và sự ủng hộ của các cấp, các ngành, xây dựng và triển khai thành công Đề án chuyển Liên hiệp các Xí nghiệp thành Tổng Công ty Dược Việt Nam và đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc. Với cơ cấu, tổ chức, hoạt động linh hoạt, thích ứng với điều kiện đặt ra trong bối cảnh đó, Tổng Công ty dược Việt Nam đã thực sự là điểm tựa cho các doanh nghiệp thành viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nên sức liên kết ngành và chuỗi giá trị ngành lớn mà không để xảy ra tình trạng độc quyền, lũng đoạn thị trường thuốc, đầu cơ, găm hàng, tạo sóng khan hiếm để đẩy giá thuốc và từng bước ngăn chặn vấn nạn thuốc giả.

Lòng như nắng sớm - Ảnh 10.

Không những vậy, TTƯT Trần Tựu còn là chủ nhiệm đề tài trong nhiều dự án, đề án quan trọng nhằm thúc đẩy ngành dược phát triển mạnh mẽ, hạn chế phụ thuộc vào nguồn dược phẩm nước ngoài theo chủ trương của Bộ Y tế. Trong đó có Đề án "Qui hoạch tổng thể - đầu tư phát triển Tổng công ty Dược Việt Nam giai đoạn 1996 - 2025", tạo bước bứt phá tiên phong trong việc xây dựng và triển khai các dự án đầu tư mới, trang thiết bị và công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị thành viên. Đồng thời, đề xuất Bộ Y tế, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết các vướng mắc về thuế để thúc đẩy sản xuất các nguyên liệu kháng sinh nhóm betalactam tại công ty Dược phẩm Mekophar; bổ sung nguồn vốn đầu tư, kinh doanh, phát triển nguồn dược liệu tại các công ty chuyên kinh doanh dược liệu như Công ty dược liệu trung ương 1, Công ty VIMEDIMEX 2, Trung tâm dược liệu miền Trung; khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển nguồn dược liệu và sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu trong nước... Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Dược giai đoạn 1995-2005 đã có bước phát triển mạnh với doanh thu tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, góp phần cùng ngành Dược cả nước đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho phòng và chữa bệnh, trong đó gần 50% tổng giá trị thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước.

Hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, ngay sau khi nghỉ hưu năm 2005, tình yêu với ngành dược và mong muốn tiếp tục sản xuất những loại thuốc tốt, giá thành phải chăng thúc giục TTƯT Trần Tựu đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư công ty sản xuất - cung ứng thuốc hướng tới các chuẩn mực cao.

Trong suốt quá trình 18 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần dược phẩm Savi đã phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng sản xuất thành công trên 250 sản phẩm thuốc thuộc 11 nhóm điều trị với 222 sản phẩm được công nhận là sản phẩm Khoa học & Công nghệ, trong đó bao gồm các nhóm thuốc đặc trị ứng dụng công nghệ sinh học, các thuốc điều trị ung thư công nghệ cao. Trên nền tảng đó, TTƯT Trần Tựu tiếp tục ưu tiên đầu tư nhân lực, vật lực cho hoạt động KH&CN, đẩy mạnh hợp tác đa phương trong nghiên cứu khoa học, tạo ra các nhóm sản phẩm thuốc mới có khả năng thay thế cùng loại nhập khẩu, từng bước xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ông cũng luôn tích cực tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện vì cộng đồng. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, công ty đã tài trợ trên 15 tỷ đồng cho các hoạt động chống dịch, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và tặng Tủ thuốc cho các trường học ở biên giới, hải đảo.

"Ngành dược gắn liền với các dược phẩm và thuốc, đây là một ngành nghề cao quý, nó giúp bảo vệ sức khỏe con người, giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của bệnh nhân, để hiểu họ cần gì, cảm giác của họ ra sao, đồng thời đặt mình vào vị trí người nhà bệnh nhân để hiểu cho những lo lắng, bất an và nỗi đau xót của họ khi chứng kiến người thân ngày ngày chống chọi với bệnh tật, khi phải bán hết mọi gia sản để mua thuốc điều trị… để thấu cảm và nỗ lực hơn nữa để phát huy hết trí lực, khả năng, dành hết tâm sức để có được những sản phẩm thuốc hiệu quả, giá thành phải chăng và mang thương hiệu Việt Nam đến cộng đồng" - câu trả lời của người thầy thuốc đã bước qua mùa xuân thứ 75 của đời mình khi được hỏi vì sao không lựa chọn nghỉ ngơi, an hưởng ở tuổi này khiến tôi thêm thấu hiểu và và trân trọng.

Một cuộc đời bền chí, nhân văn và nhạy bén theo đuổi nghề dược của TTƯT Trần Tựu đã cho tôi cách nhìn mới về ngành dược và đội ngũ dược sĩ nước ta. Tôi chợt thấu cảm rằng, dù không được ngợi ca bằng những mỹ từ như "bàn tay vàng giải phẫu", "đôi mắt xanh chẩn bệnh", "người hùng bản mổ" hay "người làm lành nỗi đau"…, nhưng các thế hệ dược sĩ Việt Nam vẫn luôn lặng lẽ, khiêm cung, không suy bì hơn thiệt để tạo nên những viên thuốc ân tình, những bài thuốc quý - là kết tinh của trí tuệ, tấm lòng và tài năng của người thầy thuốc - cùng đồng nghiệp toàn ngành thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân với chất lượng tốt nhất và giá thành tiết kiệm nhất.


PHẠM VÂN ANH
Ý kiến của bạn