Người bệnh gọi là lên đường
Ở con hẻm 57 đường Điện Biên Phủ, phường 15, Q.Bình Thạnh, đang trải qua những ngày cuối cùng của đợt phong tỏa do dịch COVID-19. Phía sau những chốt chặn có dòng chữ cảnh báo “Khu vực đang phong tỏa” đã bắt đầu lan tỏa những ánh sáng hy vọng. Có người dân động viên hàng xóm “dịch bệnh đã được khống chế, nay mai sẽ ổn cả thôi”… Ở cạnh đó, những y bác sĩ của Trạm Y tế phường 15, Q.Bình Thạnh ánh lên những nụ cười từ trong đáy mắt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1994) đã công tác tại trạm từ cuối năm 2018, cũng đồng hành cùng đội ngũ y tế chống dịch vào mùa dịch năm 2020. Ấy vậy, đối với Nguyệt đợt dịch thứ 4 lần này quả là một “cuộc chiến” dù không tiếng súng.
Chị Nguyệt và các đồng nghiệp hỗ trợ công tác lấy mẫu tại các điểm nguy cơ
Chị Nguyệt kể, ca bệnh COVID-19 chỉ điểm tại khu vực này là BN N.T.N.G. (SN 1999), số nhà 57/55/28C đường Điện Biên Phủ. Sau đó 2 người khác cùng sống chung phòng trọ cũng phát hiện mắc bệnh. Ngay lập tức, ngày 30/5, UBND phường 15 phối hợp công an phường, quân sự phường, trạm y tế và các ban ngành đoàn thể phường triển khai 4 chốt chặn phong toả xung quanh khu vực nhà số 57/55/28C Điện Biên Phủ, gồm các tổ dân phố 20, 21, 22, 23 và một phần tổ 19 và 32, tổng diện tích phong tỏa 10.000 mét vuông. Toàn bộ 436 hộ với 1.770 người phải “nội bất xuất - ngoại bất nhập”.
Trạm y tế phối hợp cùng Trung tâm y tế quận ngày đêm lấy mẫu trong khu vực phong tỏa và lấy mẫu mở rộng, mục đích là “quét” một lượt để truy tìm F0. 36 ca bệnh được nhận diện. Đa phần các ca bệnh ở trong khu vực phong tỏa đặc biệt (hẻm 57/55- nơi phát hiện ca bệnh chỉ điểm). Từ 4 chốt chặn ban đầu, nơi đây dần dần phong tỏa hẹp chỉ còn 2 chốt chặt liên quan đến khu vực phong tỏa đặc biệt.
Những ngày đầu phong tỏa, không khí tại đây “căng” như sợi dây đàn. Bởi với toàn bộ 436 hộ và 1.770 người dân, riêng về công tác chăm sóc sức khỏe đã dồn lên vai Nguyệt và các đồng đội khối lượng công việc khổng lồ. Chị Nguyệt nhớ lại, những ngày đó, chuông điện thoại lúc nào cũng nối nhau thông báo những trường hợp khẩn cấp.
Người dân phường 15, Q. Bình Thạnh trật tự xếp hàng chờ lấy mẫu
Giữa khuya ngày 5/6 (ngày thứ 7 trong đợt phong tỏa), cụ bà gần 70 tuổi bị mệt, chóng mặt, sốt, tinh thần của cụ bà và gia đình hoang mang. Chị Nguyệt bình tĩnh trấn an bệnh nhân và người nhà, hướng dẫn sử dụng thuốc. Cụ bà tạm ổn, thế nhưng rạng sáng hôm sau các biểu hiện lại tái xuất hiện. Từ tờ mờ sáng, Nguyệt liên hệ các nguồn để điều xe cấp cứu. Xe chưa đến, BS. Nguyệt cùng DS. Bùi Ngọc Thanh Thảo mặc đồ bảo hộ để vào bên trong khu vực phong tỏa khám cho bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân mặc đồ bảo hộ…
Xe chở cụ bà vừa đi, Nguyệt và đồng nghiệp đẫm mồ hôi trở về trạm y tế. Chỗ ngồi chưa nóng, điện thoại lại kêu lên, Nguyệt tiếp tục mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị hộp thuốc và dụng cụ rồi rẽ chốt chặn để vào bên trong hỗ trợ cho một bệnh nhân khác.
Nguyệt không nhớ hết được số lần ra – vào bên trong khu vực phong tỏa . Nguyệt cười hiền: “Những ngày đầu, điện thoại nổi chuông liên tục, quá nhiều người cần hỗ trợ nên tôi rất lo lắng, áp lực. Tôi chỉ lo rằng không đủ sức lực để hỗ trợ cho người dân, còn về lo sợ lây nhiễm bệnh thì không bởi đã mặc đồ bảo hộ đúng quy định. Về sau, người dân bớt hoang mang hơn, tình hình cũng tạm ổn hơn.
Cứ người dân gọi là chúng tôi lại lên đường. Việc mặc đồ bảo hộ đã trở thành thói quen, dù nóng bức, mệt mỏi nhưng chúng tôi vững lòng và đi vào bên trong không một chút đắn đo…”
“Ngày mai sẽ ổn thôi”
Trưởng Trạm y tế phường 15 Ngô Thị Hồng Thơm kể, những ngày qua, chị và nhân viên y tế của trạm là những người thường trực chăm sóc sức khỏe cho 1.770 người dân ở bên trong khu vực phong tỏa. Hàng trăm trường hợp từ người bệnh mạn tính (cao huyết áp, tiểu đường…) đến ngày tái khám dùng thuốc, các trường hợp cấp kíp cần phải điều động xe cấp cứu 115.
Ở một điểm lấy mẫu trong cộng đồng Trưởng TYT phường 15 Ngô Thị Hồng Thơm cùng các đồng nghiệp tăng cường lấy mẫu
Những trường hợp người bệnh mạn tính đang dùng thuốc BHYT khi cần hỗ trợ thuốc, chị Thơm và đồng nghiệp liên hệ với người bệnh, hướng dẫn người bệnh chụp ảnh chứng minh nhân dân, thẻ BHYT và toa thuốc. Ngay sao đó, trạm y tế sẽ phân công nhân sự đi nhận thuốc, và trở về giao tận tay người bệnh. Những trường hợp không có BHYT nhưng có bất kỳ bệnh cảnh cần hỗ trợ, bác sĩ của trạm sẽ trực tiếp vào khám, kê đơn thuốc. Nhân viên của trạm sẽ mua thuốc gửi vào cho người dân.
Nhân sự tại trạm có 5 người, trong đó có 4 nhân viên nữ, một điều dưỡng mang thai tháng thứ 6. Chị Thơm kể, điều dưỡng Mã Thị Huế đang mang thai nên chị và các đồng nghiệp khác chủ động giành hết những công việc có nguy cơ cao, để dành công tác nhập liệu thống kê cho chị Huế. Từ đó, chị Thơm và 3 đồng nghiệp khác chạy như con thoi. Không chỉ hỗ trợ y tế cho người dân trong khu vực phong tỏa, chị cùng các đồng nghiệp hỗ trợ Trung tâm y tế trong việc lấy mẫu trong khu vực phong tỏa, lấy mẫu mở rộng đến công tác tiêm chủng.
Chị Thơm kể, đối với điều dưỡng Mã Thị Huế, trong những lúc đồng nghiệp được điều động đi lấy mẫu, tiêm chủng, tại địa phương có những trường hợp cần được hỗ trợ y tế, chị Huế đã mặc đồ bảo hộ và trực tiếp xử trí cho người bệnh.
Phút ngơi tay hiếm hoi của Bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt và đồng nghiệp
“Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, không ca kíp, có lệnh điều động hoặc điện thoại của người bệnh là lên đường. Có những cuộc gọi khẩn giữa đêm, cả nhóm nháo nhào thức dậy lao vào guồng công việc. Vất vả là vậy, nhưng khi nghĩ đến những người bệnh mạn tính có thuốc kịp thời, nhiều trường hợp phụ nữ mang thai và bệnh nhân cần phẫu thuật đã được điều xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế, chúng tôi thở phào, nhẹ nhõm, nhìn nhau và cười”- Chị Thơm chia sẻ.
Chị Thơm rưng rưng nói: “Hơn 1 tháng nay, tôi và đồng nghiệp “bám trụ” ngay tại trạm y tế. Những lúc giữa đêm, khi công việc đã ngơi tay chúng tôi nhớ nhà, nhớ con quay cuồng nhưng chỉ dám gọi điện về gặp con. Chúng tôi thường động viên người dân và động viên nhau “ngày mai sẽ ổn thôi”, đó cũng là nguồn hy vọng để chúng tôi tiếp tục nỗ lực…”.
Ông Nguyễn Huy Nghị - Chủ tịch UBND phường 15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ, trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa, đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết, lực lượng chức năng tại các chốt chặn đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ nhân viên y tế, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Cụ thể, lực lượng đã hỗ trợ tuyên truyền người dân trong khu vực giữ khoảng cách khi các xe cấp cứu và nhân viên y tế đến nơi; yêu cầu người dân và người bệnh chấp hành nội quy trong khu phong tỏa; phun khử khuẩn phương tiện xe cấp cứu vận chuyển trước và sau khi ra khỏi khu vực phong tỏa; các loại thuốc men được hỗ trợ vận chuyển vào bên trong cho người dân. Họ đã tích cực đóng góp công sức cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của thành phố…