khiến nhiều điểm thu mua phế liệu đang giống như “cái bẫy tử thần” rình rập xen lẫn các khu dân cư. Những vụ nổ kinh hoàng ở Văn Phú, quận Hà Đông năm ngoái và Quan Độ (Bắc Ninh) vừa qua là quá đủ để các cơ quan quản lý và chính chủ nhân những cơ sở này phải chỉnh đốn ngay lập tức…
Nguy hiểm được báo trước
Vụ việc thảm khốc ở “làng phế liệu” Quan Độ, Yên Phong, Bắc Ninh rạng sáng 4/1/2018 đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Hai trẻ em tử vong, nhiều người khác bị thương nặng, 6 nhà dân thôn Quan Độ (Bắc Ninh) bị thổi bay. Hơn 1 năm trước cũng đã xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông (Hà Nội) cướp đi 5 mạng người cùng 10 người bị thương và hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng vì một người buôn bán sắt vụn cưa bom để lấy phế liệu. Đáng buồn hơn cả là nguyên do chung của các vụ việc đều giống nhau: sự liều lĩnh của những người làm nghề thu mua phế liệu, tự cưa, phá bom, mìn để tận dụng… kim loại.
Những bom đạn sót lại nhiều năm, vẫn được kích hoạt bởi những kẻ liều lĩnh.
Những vụ việc thương tâm từ việc thu gom, mua bán vật liệu nổ liên tiếp xảy ra tưởng đã là những bài học không thể nguôi ngoai về công tác quản lý vật liệu nổ, phòng chống cháy nổ các cơ sở thu mua phế liệu nằm giữa lòng khu dân cư, thế nhưng vụ nổ ở Bắc Ninh cho thấy vấn đề rất lớn này chưa được coi trọng, cũng chính là coi thường mạng sống và tài sản của nhân dân.
Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định quy định về việc quản lý vật liệu nổ, theo khảo sát của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 người chết và hàng ngàn người bị thương do tai nạn bom mìn. Còn con số của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đưa ra cũng cho thấy, trong gần 5 năm, chỉ từ năm 2012 đến giữa năm 2017, cả nước đã xảy ra hơn 9.200 vụ liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, gây những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Và không ít những vụ nổ từ bom, đạn sót lại bắt nguồn từ sự liều lĩnh của những cơ sở kinh doanh phế liệu.
Buông lỏng quản lý
Việc các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý không khác gì “châm ngòi nổ chậm” cho các cơ sở liều lĩnh này. Khi công tác quản lý phòng chống cháy nổ được làm tốt, chắc chắn những vũ khí đang được tàng trữ tại các điểm thu gom phế liệu sẽ được phát hiện kịp thời. Việc không biết hay cố tình bỏ qua các vi phạm ở các cơ sở thu mua phế liệu chính là nguyên nhân của các vụ việc nghiêm trọng, do đó, cần phải rà soát để xóa bỏ nguy cơ chứ không thể chỉ xử lý người chủ cơ sở sau mỗi tai họa khủng khiếp vì nhiều khi chính họ cũng không còn sống để chịu tội.
Ngoài “làng nghề” thu gom, tái chế phế liệu Quan Độ, Bắc Ninh, người ta còn thấy nhiều “xóm” khác như dọc quốc lộ 5, địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng là một trong những điểm tập kết phế liệu lớn. Hay như ở tỉnh Vĩnh Phúc có cả làng thu gom phế liệu các loại, thậm chí là có cả phế liệu nhập khẩu như máy bay, ôtô… Thậm chí ở ngay trung tâm Thủ đô vẫn có những “xóm” phế liệu lớn và lúc nào cũng nhếch nhác. Đó là khu vực Hoàng Cầu, làng Triều Khúc (quận Hà Đông), rải rác khắp khu vực Kim Giang, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển…
Ngoài nguyên nhân từ sự liều lĩnh của người “chế biến” phế liệu còn là sự bất hợp lý khi để tồn tại các điểm thu mua phế liệu ngay trong khu dân cư đông đúc, nguy cơ cháy, nổ rất cao và gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó, người dân ở những xóm “liều” này còn phải quanh năm sống chung với bầu không khí ô nhiễm.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý về kinh doanh, cháy nổ, vũ khí quân dụng… thực hiện một cách nghiêm túc chuyện cho phép kinh doanh phế liệu và siết chặt công tác thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang “rơi rụng” trong cơ quan, tổ chức và cá nhân cũng như là số lượng đang tồn sót sau chiến tranh.
Mặc dù sau mỗi vụ việc thảm khốc, nhiều địa phương lại nháo nhào siết lại công tác quản lý nhưng chỉ được thời gian đầu, sau đó dần buông lỏng. Ngay sau vụ việc, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã thành lập các chốt trực 24/24 giờ tại khu vực xã Văn Môn để kiểm soát tất cả các xe ôtô vận chuyển, mua bán phế liệu ra vào xã này. Và Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Tiến (chủ “kho” đạn) vì có hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại Khoản 3, Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015. Thế nhưng tất cả đều đã quá muộn và dù có còn sống thì cũng không ai có thể đền bù nổi những thiệt hại mà những vụ nổ bom, đạn như vậy gây ra. Việc xử lý những kẻ vi phạm chỉ có ý nghĩa răn đe người khác chứ không xóa được nỗi mất mát.