Lồng ghép triển khai mô hình bác sĩ gia đình: Ðể thành công cần có sự đầu tư đồng bộ

23-10-2017 14:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trung tâm Y tế dự phòng Quế Võ là đơn vị làm điểm mô hình này của toàn tỉnh. Trong đó, 2 xã Chi Lăng và Phù Lương là hai xã thực hiện và phát huy tốt vai trò của mô hình này,

sau khi các phòng khám đi vào hoạt động đã khám sàng lọc, tư vấn cho hàng nghìn lượt người dân, quản lý hơn 3.000 hồ sơ.

Anh N.X.C ở Quế Ổ, Chi Lăng được các y bác sĩ Trạm Y tế xã Chi Lăng khám bệnh theo mô hình Bác sĩ gia đình. Anh C. được chẩn đoán sỏi thận và được giới thiệu lên tuyến trên để điều trị. Anh C. cho biết, anh đến khám, được tư vấn về mô hình Bác sĩ gia đình, anh hiểu về những lợi ích của mô hình phòng khám này đem lại, anh rất hài lòng và mong muốn mọi người tham gia vì mang lợi ích cho cá nhân, anh cảm thấy rất hài lòng.

Lồng ghép triển khai mô hình bác sĩ gia đìnhPhòng khám bác sĩ gia đình tại xã Chi Lăng, Quế Võ, Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, mô hình phòng khám Bác sĩ gia đình còn có ý nghĩa đặc biệt đối với những người bệnh cao tuổi, những người ở khu vực xa trung tâm, điều kiện đi lại gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Giao ở Mai Thôn, xã Chi Lăng năm nay đã 70. Ông bị mắc các bệnh mãn tính, sức khỏe không được tốt. Ông Giao cho biết, nhà ở xa, trước đây con cháu phải luân phiên đưa ông lên bệnh viện tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh để khám bệnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sau khi được khám và quản lý sức khỏe theo mô hình Bác sĩ gia đình, bản thân ông là bệnh nhân, đồng thời là đối tượng hưởng lợi mà mô hình đem lại, ông cảm thấy vô cùng hài lòng.

Sự hài lòng của người dân là vậy, tuy nhiên, vì mới thực hiện thí điểm nên mô hình còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn về cơ chế tài chính, Bảo hiểm y tế cũng như nhận thức chưa cao của người dân về mô hình chăm sóc sức khỏe này. Theo đó, để  hoạt động tốt mô hình Bác sĩ gia đình, trước hết cần có sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự đầu tư đồng bộ cho hệ thống cơ sở y tế các tuyến xã, phường cùng với việc nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ.

Tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Các phòng khám BSGĐ đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ theo mô hình của Bộ Y tế quy định: Thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám BSGĐ, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình. Một số phòng khám BSGĐ có hoạt động rất tốt, đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến.

Kết quả bước đầu của mô hình  phòng khám BSGĐ tại Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và UBND tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai mô hình Bác sĩ gia đình tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 - 2020, mới đây, Sở Y tế Bắc Ninh phối hợp với Trường Đại học Y dược Thái Nguyên tổ chức 2 lớp đào tạo ngắn hạn về Y học gia đình cho 107 bác sĩ công tác tại trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã. Việc mở các lớp đào tại bác sĩ gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại tuyến cơ sở, từng bước thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục.


Q. Hoa
Ý kiến của bạn