Hà Nội

Lồng đèn - nét đặc sắc của mỹ thuật ứng dụng

17-02-2020 09:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hội An là nơi nổi tiếng với các làng nghề thủ công mỹ nghệ, nghề làm lồng đèn là một trong số đó.

Hiện tại nơi đây có hơn 10 cơ sở sản xuất lồng đèn truyền thống cung cấp cho thị trường lớn trong nước và quốc tế. Nghề làm lồng đèn truyền thống còn khiến Phố cổ Hội An tạo nên sức hút cho những du khách ghé thăm nơi đây. Giữ lửa và góp phần tạo nên nét đẹp độc đáo cho những chiếc lồng đèn ấy chính là các nghệ nhân.

Hấp dẫn làng nghề truyền thống

Nghề làm lồng đèn ở Hội An bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước và ngày một hoàn thiện theo thời gian. Có rất nhiều nghệ nhân làm lồng đèn sống rải rác ở Hội An. Một số người chuyên làm về chế tạo khung, đảm bảo tạo hình quả cầu, hình giọt nước, hình trụ... được uốn từ tre. Một nhóm khác là thợ thủ công, họa sĩ vẽ các hình, hoa văn trang trí lên vải tơ lựa để làm lồng đèn. Có những người chuyên vẽ trang trí lồng đèn “siêu to khổng lồ” ở các khách sạn hay treo ở nơi thờ tổ tiên của các gia đình Hội An.

Thời điểm bắt bắt đầu khởi sắc nghề làm lồng đèn ở Hội An là từ những năm 1990 - 1995. Ban đầu, việc sản xuất được khôi phục ở một vài gia đình với các loại lồng đèn truyền thống như đèn ông sao, bánh ú, kéo quân, đèn xếp,... Dần dần, do nhu cầu mua sắm ngày càng cao nên nghề được mở rộng, phát triển ở nhiều hộ gia đình. Cùng với đó là sự đa dạng hóa mẫu mã và phát triển về quy mô sản xuất qua việc chuyên môn hóa nhiều công đoạn. Tại Hội An đã xuất hiện nhiều cơ sở làm lồng đèn vượt khỏi phạm vi một gia đình, thu hút đông đảo nhân công và hàng ngày sản xuất một số lượng lớn các loại lồng đèn nhằm phục vụ nhu cầu mua bán tại chỗ cũng như bán ra nhiều địa phương ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài.

Người phố Hội coi đèn lồng vừa là phương tiện chiếu sáng, vừa là một hình thức trang trí, và hơn hết cả là niềm tự hào về văn hóa địa phương.

Người phố Hội coi đèn lồng vừa là phương tiện chiếu sáng, vừa là một hình thức trang trí, và hơn hết cả là niềm tự hào về văn hóa địa phương.

Truyền thông quốc tế khen ngợi

“Hội An càng sâu thẳm và say đắm lòng người khi mỗi đêm về, lồng đèn giăng sáng khắp các ngả đường...”, một tác giả nước ngoài từng viết về phố cổ Hội An như thế. Dòng tâm sự này đã nói hộ cảm xúc của rất nhiều du khách khi về với Hội An trong những đêm hội lồng đèn. Và đã thành truyền thống, hằng năm, vào dịp tết cổ truyền hoặc những dịp lễ quan trọng trong năm, Hội An đều tổ chức “Lễ hội lồng đèn” để tôn vinh các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất, tạo môi trường sáng tạo, chế tác mẫu mã, trưng bày, sắp đặt đèn lồng phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ công chúng và du khách.

Năm 2015, Tạp chí du lịch nổi tiếng toàn cầu Wanderlust của Anh đã công bố danh sách bình chọn 7 lễ hội ấn tượng nhất Việt Nam, trong đó “Lễ hội lồng đèn Hội An” được xếp ở vị trí đầu tiên. Wanderlust cũng xếp Hội An vào top 10 thành phố du lịch yêu thích nhất thế giới vị thứ 5, trên cả Vancouver - Canada, Berlin - Đức, Rome - Ý, Vienna - Áo và Krakow - Ba Lan cũng bởi một phần từ “ánh sáng lồng đèn”. Một trong số những người có công làm sống lại chiếc đèn lồng ở Hội An phải kể đến nghệ nhân Huỳnh Văn Ba, người tiên phong phục chế và tạo dáng lại chiếc đèn lồng, hình thành chiếc đèn lồng khung tre bọc vải ngày nay. Tài năng của ông đã sớm được người Nhật để ý đến, và Chính phủ Nhật đã từng mời ông sang Nhật để giới thiệu về cách làm lồng đèn của Việt Nam.

Được truyền thông quốc tế ưu ái nên lồng đèn đã nhanh chóng đến với các nước trên thế giới như Đức, Italia, Singapore, Hồng Kông... để trưng bày và biểu diễn. Sản phẩm này đi đến đâu cũng được yêu thích nhờ sắc màu huyền ảo và bóng dáng Hội An - mảnh đất gây thương nhớ cho biết bao du khách. Không quá khi nói lồng đèn đã trở thành đặc sản đối ngoại, góp phần mang Hội An ra với thế giới.


Việt Sơn
Ý kiến của bạn