Việc rèn luyện sự biết ơn không những không tốn kém của bạn thứ gì, mà còn mang lại cho bạn vô vàn lợi ích to lớn về mặt sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bởi “Lòng biết ơn chính là thái độ sống tốt đẹp nhất mà bạn có thể trau dồi cho bản thân mình nhằm đảm bảo sự thành công và hạnh phúc trong cuộc sống”, lời khẳng định của Robert Emmons, giáo sư tâm lý học đến từ Đại học California Davis.
Giáo sư Emmons đã và đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về mối quan hệ giữa lòng biết ơn và chất lượng sức khỏe. Kết quả cho thấy những người có thái độ sống biết ơn là nhóm người có nhiều lợi thế về mặt sức khỏe hơn cả: “Phần lớn những người này rất chú trọng việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Họ có nhiều thói quen lành mạnh hoặc có lợi cho sức khỏe như luyện tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ, hoặc thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ”, Emmons khẳng định.
Lợi ích của lòng biết ơn
Giảm stress:
Nhiều thống kê cho thấy căng thẳng thần kinh chính là một trong những nhân tố hàng đầu làm tăng tỉ lệ bệnh tật và tử vong ở con người. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy thái độ sống biết ơn có tác dụng giảm căng thẳng và giúp chúng ta quản lý cảm xúc của bản thân mình hiệu quả hơn. “Sự biết ơn cùng thói quen nói lời cảm ơn một cách chân thành có khả năng nâng đỡ tinh thần của mỗi người, giúp họ dễ dàng thích nghi và vượt qua được những vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày”, giáo sư Emmons xác nhận. Bên cạnh đó, với tác dụng giảm căng thẳng, thái độ sống biết ơn chính là một cách thức hữu hiệu giúp chúng ta dễ ngủ và ngủ ngon hơn cả - kết quả một công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Applied Psychology: Health and Well-Being vào năm 2011.
Tăng cường sức đề kháng:
Những người có thái độ sống biết ơn thường lạc quan trong cuộc sống, và điều này giúp cho hệ miễn dịch của họ hoạt động hiệu quả hơn những người khác - kết luận của nhiều công trình nghiên cứu khoa học về lòng biết ơn. “Đã có nhiều bằng chứng khẳng định mối quan hệ tương hỗ giữa sự lạc quan và các chức năng miễn dịch trong cơ thể người”, phát biểu của tiến sĩ Lisa Aspinwall, giáo sư tâm lý học đến từ Đại học Utah. tiến sĩ Aspinwall chia sẻ một công trình nghiên cứu được thực hiện trên các đối tượng là sinh viên năm nhất của một trường luật. Dựa theo một cuộc khảo sát tính cách bằng phương pháp trắc nghiệm và trả lời câu hỏi, các sinh viên được phân thành hai nhóm: một nhóm gồm những người lạc quan và nhóm còn lại là những người bi quan hơn nhóm kia. Cuộc nghiên cứu được thực hiện từ đầu năm học cho đến giữa học kỳ. Kết quả cho thấy nhóm sinh viên lạc quan duy trì được số lượng tế bào máu có chức năng bảo vệ hệ miễn dịch nhiều hơn hẳn những người bạn bi quan của mình.
Sự lạc quan còn phát huy tác dụng tích cực đối với những người có sức khỏe kém hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện trên các bệnh nhân AIDS và những người bệnh đang trong thời gian chuẩn bị làm phẫu thuật cho thấy: những người sống lạc quan có tình trạng sức khỏe tiến triển tích cực hơn và có nhiều khả năng khỏi bệnh hơn những người còn lại.
Nâng cao chất lượng cuộc sống:
Theo một công trình nghiên cứu của Đại học Kentucky được thực hiện vào năm 2012, người có thái độ sống biết ơn có xu hướng ứng xử tử tế và có văn hóa, kể cả khi người khác đối xử không lịch thiệp với họ. Trong cuộc nghiên cứu này, những người đạt điểm số cao trên thang đo mức độ biết ơn không có xu hướng phản ứng lại những hành vi không tốt nhắm vào mình. Họ có xu hướng nhạy cảm, dễ cảm thông với hoàn cảnh của người khác và thường không có ý định trả đũa.
Một công trình nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Journal of Applied Sport Psychology vào năm 2014 cho ra kết luận rằng thái độ biết ơn giúp các vận động viên tăng thêm sự tự tin vào bản thân - một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quyết định kết quả thi đấu. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy sự biết ơn giúp con người giảm thiểu tình trạng so đo tị nạnh. Khoa học đã chứng minh được rằng: việc chúng ta ganh tị với những người thành công hoặc giỏi giang hơn mình chỉ khiến cho cuộc sống chúng ta thêm tiêu cực và bất hạnh, trong khi đó, những người có thái độ sống biết ơn dễ cảm thấy tự tin và hạnh phúc hơn, đồng thời biết trân trọng sự thành công của những người xung quanh thay vì đố kỵ.
Sự biết ơn giúp con người vượt qua nỗi đau mất mát:
Con người vẫn có thể cảm thấy biết ơn kể cả khi đối diện với những biến cố đau thương hoặc bi kịch; thậm chí, khó khăn và biến cố giúp con người trở nên mạnh mẽ hơn. Đây chính là kết luận của nhiều cuộc nghiên cứu gần đây về hiệu ứng của lòng biết ơn được thực hiện trên cơ sở những sự kiện chấn động trên thực tế. Sau thảm kịch ngày 11/9 năm 2001, các nhà tâm lý học đã thực hiện một cuộc khảo sát trên mạng với sự tham gia của hơn 3000 người Mỹ. Cuộc khảo sát cho ra kết quả bất ngờ: Thay cho cảm giác buồn đau, nhiều người dân cảm thấy biết ơn và tin tưởng hơn vào cuộc sống sau biến cố.
Tiến sĩ Christopher Peterson - giáo sư tâm lý học đến từ Đại học Michigan - chính là người chủ trì cuộc khảo sát trên. Ông giải thích rằng thái độ biết ơn của người dân Mỹ sau sự kiện 11/9 xuất phát từ những cảm giác gần gũi, thân thuộc và thấu cảm với những người khác cùng cảnh ngộ. Còn theo giáo sư Emmons, chính tinh thần cộng đồng và những nỗ lực cùng nhau tái thiết sau thảm kịch giúp người dân vượt qua được những cảm xúc tiêu cực, từ đó tránh được các nguy cơ trầm cảm và rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD).
Làm thế nào để nuôi dưỡng và bồi đắp lòng biết ơn?
Mức độ hài lòng với cuộc sống của một người chưa bao giờ phụ thuộc vào sự giàu có hay mức thu nhập của anh ta. “Những người lạc quan và dễ có cuộc sống viên mãn lại thường là những người từng phải trải qua nhiều biến cố không vui trong quá khứ. Điều này cho thấy những hoàn cảnh khó khăn hoặc thử thách quả thực giúp con người phát triển bản thân theo thời gian”, nhận định của tiến sĩ Aspinwall.
Đừng đợi đến khi biến cố ập đến với mình thì mới biết ơn và trân quý những gì mình có, bởi lòng biết ơn là một điều hoàn toàn có thể rèn luyện và trau dồi được, và bạn có thể bắt đầu quá trình này ngay hôm nay. Sau đây là một vài đề xuất giúp bạn sớm hình thành thái độ sống tích cực hơn:
Tập thói quen viết nhật ký về những điều mình tâm đắc: nghiên cứu của giáo sư Emmons cho thấy những người có thói quen viết nhật ký về những điều mình đã làm được và những điều mình cần khắc phục hoặc hoàn thiện hơn trong ngày hoặc trong tuần thường có suy nghĩ tích cực về cuộc sống, lạc quan về tương lai và có tỉ lệ mắc bệnh tật ít hơn hẳn người bình thường.
Lập danh sách những điều tốt đẹp bạn đang có hoặc được nhận trong cuộc sống của mình, và tự hỏi bản thân mình rằng “Những điều tuyệt vời này có phải tự nhiên mà có hay không?”. Theo giáo sư Emmons, nhiều người trong chúng ta cần hình thành thói quen tự nhắc nhở bản thân phải nhớ đến điều này để nuôi dưỡng lòng biết ơn và duy trì thái độ sống tích cực.
Tập thói quen tự trò chuyện với bản thân mình một cách sáng tạo, lạc quan và trân trọng - đề xuất của tiến sĩ tâm lý học Sam Quick đến từ Đại học Kentucky. Nội dung cuộc “trò chuyện” có thể là về những điều bạn tâm đắc, những người mà bạn muốn gửi lời cảm ơn, hoặc về những thử thách mà mình đã trải qua cũng như việc chúng đã giúp mình trưởng thành hơn như thế nào. Chẳng hạn, bạn có thể tâm sự với bản thân về những người cấp trên, đồng nghiệp hoặc hàng xóm khó tính - những người đã và đang vô tình giúp bạn rèn luyện đức tính kiên nhẫn và thấu hiểu, giúp mình có cơ hội được hoàn thiện tính cách của bản thân được tốt hơn.
Nhìn lại những trải nghiệm đã qua của bạn ở một góc độ tích cực và lạc quan hơn. Theo tiến sĩ Quick, không có thử thách hay biến cố nào hoàn toàn tiêu cực cả: trong cái rủi luôn có cái may; khi cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác được mở ra cho chúng ta. Sau những biến cố không vui, chúng ta có cơ hội được rút kinh nghiệm, nhìn lại bản thân mình, ngộ ra nhiều điều quý giá và được trưởng thành hơn, và chính những lợi ích này sẽ là nền tảng để chúng ta dễ dàng gặt hái thành công và tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống về sau.