Cùng với một số địa phương khác của tỉnh Long An , địa bàn huyện Cần Đước liên tiếp xuất hiện các vụ sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân.
Theo ông Bùi Văn Bảy (ngụ ấp 7, xã Phước Đông, huyện Cần Đước), gia đình ông ở dọc theo kênh Nước Mặn được hơn 20 năm. Tuy nhiên, nơi đây đã nhiều lần xảy ra sạt lở. Có khi, trong một năm, sàn nhà của ông bị sụp lở 2-3 lần.
Ông Bảy mong muốn chính quyền địa phương quan tâm xây dựng bờ kè kênh Nước Mặn kiên cố để gia đình và người dân xung quanh an tâm sinh sống.
Ông Trần Ngọc Thuận (ngụ ấp 7) cho rằng hiện nay, tình hình sạt lở dọc kênh Nước Mặn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Căn nhà của ông đã bị sạt lở một phần xuống sông, diện tích còn lại xuất hiện nhiều vết nứt.
Lo cho tính mạng, tài sản của gia đình, ông Thuận đã đưa các thành viên về ở chung với người con trai lớn. Hiện tại, gia đình ông có 11 thành viên nhưng phải sống trong căn nhà chật hẹp, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn.
Kênh Nước Mặn dài khoảng 2km, được đào cách đây hơn 100 năm để nối sông Vàm Cỏ với sông Rạch Cát. Mỗi ngày, nơi đây có hàng ngàn lượt tàu, thuyền qua lại. Ban đầu, con kênh Nước Mặn chỉ rộng 15m, đến nay rộng hơn 150m.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra sạt lở do tác động của dòng chảy trên kênh, phương tiện giao thông có trọng tải lớn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có tác động đến quá trình sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Phước Đông, trước đây, kênh Nước Mặn có một bên lở, một bên bồi. Từ khi cây cầu được xây dựng bắc ngang qua kênh Nước Mặn, dòng nước chảy xiết và thuyền qua lại nhiều làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở khu vực xã Phước Đông.
Hiện nay, khu vực kênh Nước Mặn có khoảng 14 hộ chịu ảnh hưởng; trong đó có một căn nhà bị sập hoàn toàn và nhiều nhà dân bị rạn nứt.
Điểm sạt lở tại kênh Nước Mặn, Phước Đông còn xuất hiện điểm sạt lở tại Rạch Ông Bán - tuyến đường giao thông liên ấp 3, 4 của xã.
Sạt lở làm sụt lún khoảng 150m; trong đó có một đoạn trên 20m bị sạt lở nghiêm trọng với chiều sâu sụt lún từ 1-3 m, lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép đường bêtông khoảng 10m.
Ông Nguyễn Văn Chương (người dân ấp 3, xã Phước Đông cho biết con sông Rạch Ông Bán có từ lâu. Nhà dân ở đây hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, dòng chảy bị khuyết sâu, tạo ra dòng chảy giữa nước lớn và nước ròng làm bị ảnh hưởng và gây ra sạt lở.
Bên cạnh đó, sự bồi đắp không có và sạt lở do nạo khoét sát chân bờ sông quá sâu đã tạo một dòng chảy mạnh làm đất không giữ được mặt nền hạ.
Trước tình hình sạt lở trên, chính quyền địa phương đã xử lý gia cố tạm thời đoạn 20m (đoạn bị sụt lún nghiêm trọng) bằng một hàng cừ dừa phía ngoài và một hàng cừ tràm, bạch đàn phía trong sát mép đường bêtông để bảo vệ ổn định cho tuyến đường.
Tuy nhiên, hiện tượng sụt lún vẫn tiếp diễn và có nguy cơ sạt lở hết phần đường bê tông rất cao. Nếu không được xử lý triệt để, thời điểm mùa mưa, lũ, triều cường dâng cao (khoảng tháng 9, 10) có khả năng sẽ gây ngập úng, sạt lở luôn phần thân đường giao thông nông thôn. Điều này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân đang sinh sống trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Quang Tuyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Đông, hiện địa phương có nhiều điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở; trong đó, điểm sạt lở tại kênh Nước Mặn và Rạch Ông Bán cần phải khắc phục khẩn cấp.
Tuy nhiên, kinh phí địa phương có hạn, không thể khắc phục ngay. Ủy ban Nhân dân xã đã kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ địa phương xây dựng bờ kè phòng, chống sạt lở, góp phần ổn định cuộc sống của người dân./.