Long An: Lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục, đặc biệt cao trong nhóm MSM

06-09-2022 08:55 | Y tế
google news

SKĐS – Tại Long An, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn đặc biệt cao trong những năm gần đây và chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)…

Gần 95% lây nhiễm HIV qua đường tình dục

ThS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho biết, trường hợp nhiễm HIV phát hiện tại thành phố Tân An vào tháng 6/1993, đến 6/2022 (sau 29 năm) 100% huyện thị, thành phố và 100% xã phường có người nhiễm HIV.

Dịch HIV tập trung cao ở Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An. Đây là các huyện và thành phố trọng điểm, tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, có đường quốc lộ liên tỉnh… Không chỉ HIV/AIDS, đây cũng là tâm điểm của dịch COVID-19, sốt xuất huyết…

Tính đến 30/6/2022, tổng số người nhiễm HIV là 4.880 người, trong đó tử vong 1.574 trường hợp. Hiện số bệnh nhân còn sống đang quản lý tại cộng đồng là 3.889 (trong đó ngoại tỉnh là 620 người). Có 3.003 người được đang được điều trị thuốc kháng ARV.

Điều đặc biệt lưu ý là lây nhiễm HIV trong những năm gần đây ở Long An chủ yếu là qua đường tình dục. Tỉ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn năm 2018 là 63,7%; năm 2019 là 79,2%, và năm 2021 tăng lên tới 94,7%.

Số người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng mạnh, từ 16,2% (năm 2018) lên 69,9% (năm 2021). Riêng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, số người nhiễm HIV trong MSM được phát hiện là 67,9%.

photo-1659371647967

ThS Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Long An chia sẻ về phòng chống HIV của tỉnh cho các nhà báo

Triển khai các hoạt động can thiệp ‘trúng đích"

ThS Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Long An cho biết, MSM họ thường không lộ diện (do sợ kỳ thị) nên rất khó tiếp cận. Vài năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính... của một số dự án trong đó có EPIC, tập trung can thiệp giảm hại vào nhóm này, giúp họ nâng cao kiến thức… nên họ đã dần ‘lộ diện’.

Cụ thể, hiện Long An có 7 Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC), trong đó có 4 cơ sở thuộc dự án EPIC; 8 cơ sở điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV) thì trong đó có 6 cơ sở được dự án tài trợ. Ngoài ra dự án còn hỗ trợ điều trị lao, viêm gan C, cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV, hoạt động tiếp cận cộng đồng và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Tại Long An, dự án EPIC được triển khai từ năm 2018 đã hỗ trợ nguồn lực cho một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện các mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện) trong phòng, chống HIV/AIDS.

Cơ bản đến tháng 6/2022, ngành y tế Long An đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra, điển hình là chỉ tiêu PrEP và chỉ tiêu K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) đạt được theo tiến độ của dự án.

Đối với mục tiêu 95-95-95, ước tính đến tháng 6/2022, Long An đã triển khai thực hiện và đạt được tỉ lệ 88,4% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 91,9% bệnh nhân hiện đang được điều trị ARV và 98,3% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Nói về một số khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, ThS Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ, khi làm về lĩnh vực nào đó cần có thời gian đào tạo cán bộ, nhưng hiện nay cán bộ làm công tác phòng chống HIV bị thay đổi quá nhiều, và không ổn định. Về tài chính, mặc dù ở tỉnh đã phê duyệt đề án đảm bảo tài chính trong phòng, chống HIV, nhưng sử dụng kinh phí đó còn khó khăn. Hiện kinh phí mới chỉ sử dụng cho tập huấn, hội nghị còn những giải pháp can thiệp chúng ta cần thì lại chi không được…

Mời độc giả xem thêm video:

6 Triệu Chứng Của Bệnh Đậu Mùa Khỉ Cần Lưu Ý Và Cách Phòng Ngừa | SKĐS



Thu Hương
Ý kiến của bạn