Hà Nội

Long An báo động tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm người trẻ tuổi

05-09-2023 17:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Long An, hiện có đến 94,3% trường hợp nhiễm HIV mới lây nhiễm HIV qua đường tình dục, trong đó 79,1% là lây nhiễm qua quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm học sinh, sinh viên, đặc biệt công nhân lao động ngày càng tăng, hầu hết người nhiễm thuộc quần thể MSM…

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết dự án EPIC năm thứ 4 của tỉnh Long An vừa diễn ra mới đây.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Long An cho biết, trường hợp nhiễm HIV phát hiện đầu tiên tại TP. Tân An vào ngày 20/6/1993. Đến nay, sau 30 năm (6/1993-6/2023), 100% huyện thị, thành phố; 100% xã phường đều phát hiện có người nhiễm HIV. Tổng số người nhiễm HIV là 4.998 người, trong đó tử vong 1.651 (33%). Hiện số bệnh nhân còn sống ở cộng đồng là 4.123 người (ngoại tỉnh là 776 trường hợp).

Hiện dịch HIV tập trung cao ở địa bàn giáp ranh TP. Hồ Chí Minh; khu công nghiệp, dân cư đông như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP. Tân An. Người nhiễm HIV chủ yếu là nam giới và quan hệ tình dục là đường lây chính, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Điều đáng lưu ý số nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao đối với MSM là học sinh, sinh viên (5,1%), công nhân lao động trong nhà máy, xí nghiệp (32%)...

photo-1689416192270

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Long An chia sẻ tại Hội nghị.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết, trong năm 2023, được sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, tỉnh đã phối hợp với Viện Pasteur TP HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ TW và Trường Đại học Y dược TP. HCM điều tra ước tính quần thể MSM trên địa bàn. Kết quả sơ bộ số MSM toàn tỉnh dao động từ 9.213-12.100 người, chiếm 1,9%-2,5% số nam giới từ 15-49 tuổi. Những năm gần đây, nhờ áp dụng một số mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV phù hợp và tiện lợi, số MSM tiếp cận được dịch vụ nhiều nên phát hiện nhiều trường hợp nhiễm HIV mới trong nhóm này, trung bình từ 500-600 ca trong 1 năm.

Hiện Long An có 7 Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC), trong đó có 5 cơ sở thuộc dự án EPIC hỗ trợ và 6/ 8 cơ sở điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV) cũng do dự án EPIC hỗ trợ. Ngoài đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách các lĩnh vực HIV/AIDS, dự án còn hỗ trợ điều trị lao, viêm gan C, bệnh không lây nhiễm cho người nhiễm HIV, hỗ trợ triển khai nhiều mô hình tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV tại cộng đồng và cơ sở y tế, xét nghiệm phát hiện ca nhiễm mới HIV, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động tại các khu công nghiệp...

Năm 2023, dự án hỗ trợ cho CDC tỉnh đào tạo cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn triển khai xét nghiệm tải lượng HIV phục vụ điều trị ARV cho hơn 3.300 bệnh nhân điều trị tại 7 OPC trên địa bàn.

Tại Long An, dự án EPIC được triển khai từ năm 2018 đã hỗ trợ nguồn lực cho một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện các mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện).

Cơ bản đến tháng 6/2023, ngành y tế Long An đạt được các chỉ tiêu cam kết với Dự án EPIC Trung ương năm thứ 4, điển hình là chỉ tiêu tìm ca HIV chuyển tiếp điều trị ARV, điều trị PrEP và kết quả mục tiêu 95-95-95 đạt được theo tiến độ của dự án.

Đối với mục tiêu 95-95-95, ước tính đến tháng 6/2023, Long An đã triển khai thực hiện và đạt được tỉ lệ 98,2% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 80,1% bệnh nhân hiện đang được điều trị ARV và 99,1% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Mời độc giả xem thêm video:

Bạn Hỏi - Chuyên Gia Trả Lời: Tất Tần Tật Về HIV/AIDS I SKĐS



Thu Hương
Ý kiến của bạn