Lờn thuốc - chuyện không nhỏ!

13-06-2019 16:59 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Những kháng sinh mới thường được khuyến cáo chỉ dùng trong bệnh viện hoặc khi có sự chỉ định cân nhắc của bác sĩ điều trị. Đó là thuốc quý có tính dự trữ, nếu sử dụng bừa bãi chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ bị lờn, bị đề kháng.

Có lần, một bạn trẻ đã tìm đến tôi để hỏi ý kiến xem sau khi lén lút đi “giải quyết sinh lý”, nghi ngờ bị mắc bệnh, có thể đến nhà thuốc mua loại thuốc kháng sinh “xịn” nhất về dùng để tự chữa bệnh. Tôi vội vàng giải thích, đại khái: “Hiện nay ở ta đang có tình trạng rất đáng lo ngại là có một số người bị các bệnh lây qua đường tình dục (trước đây gọi là bệnh hoa liễu như giang mai, lậu, mồng gà. hột xoài…) nhưng không chịu đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị mà lại nghe mách bảo tìm mua loại kháng sinh mới nhất như các loại kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, 4, hoặc các Fluoroquinolon thế hệ 2, 3… để tự chữa bệnh, làm như thế không chỉ hại cho bản thân bởi vì dùng thuốc không đúng bệnh sẽ nặng thêm mà vô tình có thể làm hại cho cộng đồng. Những thuốc kháng sinh mới nhất được khuyến cáo chỉ dùng trong bệnh viện  khi được bác sĩ điều trị chỉ định, hướng dẫn và theo dõi sử dụng, vì đó là thuốc rất quý có tính dự trữ, nếu sử dụng bừa bãi chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ bị đề kháng”. Lúc đầu nghe tôi nói, anh bạn trẻ có vẻ hiểu nhưng sau có vẻ ngơ ngẩn với hai chữ “đề kháng”. Tôi đã có dùng chữ văn vẻ nôm na hơn để giải thích cho anh bạn trẻ thế nào là kháng sinh bị “đề kháng”. Anh bạn trẻ sau khi nghe buột miệng: “A, ý thầy muốn nói lờn thuốc !” (chữ “lờn thuốc” là chữ người Nam Bộ thường dùng).

Một lần khác, một vị cao tuổi đến tìm tôi để hỏi ý kiến xem có thể tự sử dụng một lọai thuốc an thần gây ngủ khá thông dụng là SEDUXEN [diazepam] để chữa chứng mất ngủ. Tôi vội vàng trình bày tác hại của việc người bệnh tự ý dùng bừa bãi thuốc loại này, trong đó có tác hại rất nghiêm trọng là thuốc làm cho bị nghiện. Người đã bị nghiện sẽ phải tiếp tục dùng thuốc, không bỏ được thuốc và bị “dung nạp thuốc”. Tôi thấy mình hớ vì ông cụ không hiểu “dung nạp thuốc” là gì, vì vậy, tôi dùng lời lẽ đời thường hơn để giải thích với cụ. Khi ấy, cụ đã buột miệng: “A, ý của dược sĩ muốn nó tới “lờn thuốc” ấy mà !”.

Lờn thuốcVi khuẩn lờn thuốc kháng sinh

Như vậy chữ” lờn thuốc” mà nhiều người thường hay sử dụng hiện nay có đến hai nghĩa.

Trước hết, đối với việc sử dụng thuốc là kháng sinh, “lờn thuốc” có nghĩa là vi khuẩn gây bệnh không còn nhạy cảm, có khả năng chống lại tác dụng của thuốc để đưa đến hậu quả là kháng sinh mà người bệnh sử dụng không mảy may gây hại đối với vi khuẩn. “Lờn thuốc” ở đây là sự rút gọn của “vi khuẩn lờn thuốc kháng sinh”.

Nghĩa thứ hai của “lờn thuốc” mà bà con ta cũng thường hay sử dụng là đặc tính của thuốc gây nghiện

Thiết nghĩ, ta cũng nên biết qua vi khuẩn lờn thuốc kháng sinh như thế nào để hiểu vì sao có lời khuyên phải dùng kháng sinh đúng thuốc, đúng liều và đủ thời gian. Trong điều trị, ngay từ đầu phải dùng loại kháng sinh có tác dụng (nên lưu ý có kháng sinh có tác dụng hiệu quả đối với loại  vi khuẩn này nhưng không hiệu quả đối với lọai vi khuẩn khác) tức phải dùng đúng thuốc. Ngay từ đầu phải sử dụng ngay liều tấn công tức là liều mạnh để vi khuẩn bị tiêu diệt ngay không kịp tồn tại dưới dạng chai lì. Sau đó, duy trì liều có hiệu quả trong suốt thời gian điều trị, bằng cách dùng nhiều lần thuốc trong ngày và dùng trong nhiều ngày. Nên đặc biệt lưu ý, thời gian dùng kháng sinh thông thường không dưới 5 ngày. Có loại bệnh nhiễm khuẩn phải dùng kháng sinh cả tháng, riêng bệnh lao phải dùng thuốc từ 6 tháng trở lên. Tức là phải dùng kháng sinh đúng liều và đủ thời gian thì mới mong khỏi bệnh. Vấn đề “lờn thuốc kháng sinh” đang là vấn nạn gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Trong chữa trị bệnh lao ở nước ta hiện nay đang phải đối phó với “lao đa kháng thuốc” (tức bệnh lao mà vi khuẩn đã đề kháng với nhiều thuốc chống lao thuộc hàng đầu trong công tác chữa trị) và “lao siêu kháng thuốc” (tức bệnh lao mà vi khuẩn đã đề kháng với không chỉ các thuốc thuộc lọai hàng đầu mà cả với thuốc dự trữ hạng 2).

Trên nguyên tắc, nếu vi khuẩn còn nhạy cảm với kháng sinh cổ điển, thông dụng thì sử dụng kháng sinh loại này và tránh dùng kháng sinh loại mới. Không nên nghe lời mách bảo tìm mua các loại kháng sinh mới nhất (các fluoroquinolon, các cephalosporin thế hệ thứ ba, thứ tư) để tự chữa bệnh mà lại dùng sai. Những kháng sinh mới thường được khuyến cáo chỉ dùng trong bệnh viện hoặc khi có sự chỉ định cân nhắc của bác sĩ điều trị. Đó là thuốc quý có tính dự trữ, nếu sử dụng bừa bãi chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ bị lờn, bị đề kháng. Như carbamenem là loại kháng sinh dự trữ rất quý (ở ta ngay các bệnh viện lớn cũng rất ít khi phải dùng xem như để dành, để khi hữu sự trong thế chẳng đặng dừng mới dùng) thế mà nay đã bị đề kháng.

Nghĩa thứ hai của “lờn thuốc” mà bà con ta cũng thường hay sử dụng là tình trạng cơ thể ta do dùng một thứ thuốc lập đi lập lại nhiều lần nếu dùng liều lượng cũ sẽ thấy thuốc không có tác dụng và phải tăng liều lượng mới thấy thuốc có “ép phê”. Lờn thuốc là một đặc tính của thuốc gây nghiện, trong đó có thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc hướng tâm thần nói chung, kể cả ma túy. Có nhiều người quen dùng thuốc an thần gây ngủ (như Seduxen) càng ngày càng tăng liều dùng thì mới ngủ được. Nhưng ngay một số thuốc thông thường như các thuốc trị đau thấp khớp, có nhiều người quen dùng cứ thấy hiệu quả của thuốc giảm dần theo thời gian. Trong lĩnh vực dược, người ta phải luôn luôn tìm ra thuốc mới, một phần để thay thế thuốc cũ bị lờn là vì thế.

Đối với người dùng thuốc, để hạn chế cả hai sự lờn thuốc kể trên, chỉ có cách là sử dụng thuốc khi thật cần thiết, theo sự hướng dẫn của thầy thuốc, không lạm dụng và không sử dụng bừa bãi thuốc.


PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn