Lõm ngực sơ sinh - bệnh lý cần điều trị sớm

26-09-2018 13:53 | Đời sống
google news

SKĐS - Bệnh lõm ngực bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh có sự xuất hiện một vết lõm sâu ở thành ngực trước. Dị tật có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc đến tuổi dậy thì, mức độ lõm có thể thấy rõ trong quá trình phát triển của trẻ.

Tỉ lệ mắc chiếm khoảng 1/1000 trẻ được sinh ra, chiếm 87% các biến dạng mắc phải của lổng ngực; tỉ lệ nam nhiều gấp 4 lần nữ. Trẻ bị lõm ngực nặng sẽ ảnh hưởng đến chức năng tim phổi. Trong trường hợp không ảnh hưởng chức năng thì đối với trẻ lớn có thể ảnh hưởng tâm lý.

Bệnh lõm ngực bẩm sinh do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức theo chiều hướng  vào trong lồng ngực. Nguyên nhân bệnh có yếu tố di truyền. Ngoài ra, thiếu canxi và vitamin D cũng có thể làm tăng nguy cơ lõm ngực.

Những ảnh hưởng thường thấy của bệnh ngực lõm là có vết lõm sâu bất thường ở thành trước ngực, người bệnh có thể trạng gầy yếu, mệt mỏi, hay thở dốc khi hoạt động gắng sức, có cảm giác đau và tức ngực, nhiễm trùng hô hấp tái phát, ặc cảm tâm lý.

Phân loại đơn giản nhất thành 2 dạng gồm ngực lõm đồng tâm và ngực lõm lệch tâm. Bên cạnh đó, phân loại Nuss dựa trên hình dáng vùng lõm, chiều dài đoạn xương ức bị lõm và độ xoắn vặn của xương ức. Ngoài ra, tác giả HyungJoo Park phân loại I A là lõm ngực đồng tâm khu trú, I B là lõm ngực đồng tâm dạng phẳng, II A1 lõm ngực lệch tâm khu trú, II A2 gồm những trường hợp lõm ngực lệch tâm dạng phẳng, II A3 lõm ngực lệch tâm tạo kênh dài và II B lõm ngực hỗn hợp, cả lồi và lõm.

Lõm ngực sơ sinh Một trường hợp lõm ngực bẩm sinh vừa được điều trị tại BV. Nhi Đồng 2

Về điều trị, chỉ định phẫu thuật dựa vào triệu chứng mệt khi gắng sức, dấu hiệu đẩy lệch tim, và phần lớn là do thẩm mỹ. Phẫu thuật cũng là phương pháp duy nhất hiệu quả điều trị lõm ngực.

Hiện tại BV. Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM phẫu thuật điều trị ngực lõm theo phương pháp của DonaldNuss (được thực hiện từ năm 1987) do nhiều ưu điểm như không cắt xương sườn, đường mổ nhỏ, ít chảy máu.

Phẫu thuật Nuss được thực hiện từ các bước xác định loại lõm ngực, vị trí lõm, đo và uốn thanh đỡ, bóc tách xuyên trung thất sau xương ức qua khoang màng phổi đối bên và luồn thanh đỡ qua lồng ngực.

Độ tuổi tiến hành phẫu thuật tốt nhất từ 6 - 18 tuổi. Dưới 18 tuổi đạt hiệu quả cao nhất do đang tuổi dậy thì thành ngực còn đang phát triển dễ nâng lên, trên 18 tuổi thành ngực cứng khó đạt hiệu quả cao.

Lõm ngực là một bệnh bẩm sinh, yếu tồ tâm lý, mặc cảm tự ti, lo lắng của gia đình và bệnh nhi cũng như yếu tố chèn ép tim phổi do ngực lõm (các trường hợp lõm nặng) là nguyên nhân chính khiến BV. Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã phát triển loại phẫu thuật này hơn 10 năm, BS.CKII. Phan Văn Tiếp (nguyên trưởng khoa Chỉnh hình nhi) và giờ đây TS.BS. Phan Đức Minh Mẫn hiện tại là trưởng khoa Chỉnh hình Nhi vẫn tiếp tục kế thừa “nâng ngực cho các trẻ em” không may mắn.

Phụ huynh cần để ý đến con cái, khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng ngực nên đưa bé đến khám, hình ảnh lồi hoặc lõm bất thường ở vùng ngực cần được khám và đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nhi để có những can thiệp kịp thời.

Một ca lõm ngực kèm nang phổi khiến tim bị đẩy lệch
Bé trai 7 tuổi nhà ở Đắk Lắk lõm ngực, nhập viện trong tình trạng khó thở, viêm phổi, tim bị dồn sang phải. BV. Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh nhân bị lõm ngực rất nặng, phần giữa ngực bị lõm rất sâu với chỉ số Haller là 4,5 (thông thường chỉ khoảng 3). Bệnh nhi đối diện với nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như chèn ép tim và trung thất, cản trở chức năng hô hấp, viêm phổi nặng.
Do bé vừa bị lõm ngực vừa bị nang phổi, các bác sĩ đã cân nhắc, hội chẩn nhiều khoa phòng và cuối cùng chọn lựa phương án tối ưu là mổ cùng lúc, vừa cắt thùy phổi qua phương pháp nội soi vừa nâng ngực lõm cho bé sau khi cắt thùy phổi xong.
BS. Nguyễn Trần Việt Tánh, khoa Ngoại tổng hợp, phẫu thuật viên phối hợp chính, cho biết, không giống các trường hợp cắt thùy phổi nội soi thông thường, bệnh nhi có tổn thương ở thùy dưới phổi trái rất to, viêm dính nhiều vào thành ngực khiến cuộc mổ trở nên phức tạp hơn và phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.
Ca phẫu thuật tiến hành trong 4 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã đồng thời nội soi lồng ngực cắt thùy dưới phổi trái và đặt thanh dụng cụ nâng ngực cho bệnh nhi. Sau mổ, sức khỏe của bé đã ổn định. Kết quả tái khám cuối tháng 8/2018 cho thấy bé hết mệt, ăn uống tốt, tối ngủ ngon.


BS.CKI. TRƯƠNG HÙNG QUỐC
Ý kiến của bạn