Lõm ngực bẩm sinh và những hệ lụy về sức khỏe

07-07-2012 08:06 | Phòng mạch online
google news

Lõm ngực bẩm sinh có tỉ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỉ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.

(SKDS) -  Lõm ngực bẩm sinh có tỉ lệ mắc bệnh không cao nhưng là một bệnh có tỉ lệ biến chứng cao. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển.

Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao

Bệnh lõm ngực bẩm sinh là một bệnh thuộc dạng dị tật xuất hiện từ bào thai. Sinh ra đứa trẻ đã mang sẵn nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh lõm ngực bẩm sinh là bệnh trong đó có sự xuất hiện một vết lõm sâu ở thành ngực trước. Trên cơ thể người bệnh, thành ngực không nở nang mà trái lại, chúng bị lõm sâu vào trong lồng ngực tạo nên một “hố” đến kỳ lạ. Bản chất của bệnh là do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức theo chiều hướng “đi” vào trong và ra sau. Chính vì thế mà tạo ra một vết lõm hiển hiện ngay trước ngực đúng như tên gọi của nó.

Bệnh lõm ngực bẩm sinh vốn là một dị tật nên nó được giả thuyết là do đột biến gen gây ra. Tuy nhiên, người ta chưa thể phát hiện chính xác sự biến đổi hay khuyết thiếu của đoạn gen nào chịu trách nhiệm chính. Bệnh lõm ngực bẩm sinh là một bệnh có tỉ lệ gặp không cao, chỉ vào khoảng 0,25 - 0,30%, tuy nhiên nó lại là dạng dị tật thuộc hàng phổ biến nhất trong các dị tật ở ngực.

Không hiểu theo một cơ chế nào, nhưng có một sự chênh lệch kỳ lạ về giới tính bệnh nhân. Đó là đặc điểm ưu thế “nam”. Đa phần bệnh nhân và trẻ em bị dị tật đều là nam giới. Tỉ lệ nam giới trong bệnh là 75%, trong khi đó, tỉ lệ nữ giới chỉ khoảng 25%. Điều này có nghĩa là nếu như trong gia đình có một thành viên bị lõm ngực bẩm sinh thì cần hết sức chú ý tới những em bé trai sắp được sinh ra.

 Kỹ thuật tạo hình điều trị.

Biến chứng không chỉ ở xương

Trong bệnh lõm ngực bẩm sinh, bản chất bệnh ở xương nhưng biến chứng lại ở ngoài xương.

Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng, càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Đa phần các đối tượng đều cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và ngại giao tiếp. Việc khoe ngực, diện những bộ đồ thời trang có lẽ chỉ là ước mơ xa vời.

Bên cạnh những biến đổi về mặt thẩm mỹ là những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khoẻ.

Đầu tiên chúng làm đảo lộn vị trí và thay đổi hoạt động chức năng của tim. Tùy vào thể lõm ngực là chính tâm hay lệch tâm mà nó tác động tới tim như thế nào. Nhưng thường thì tim sẽ bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Điều này là thực sự không có lợi vì sự di đẩy của tim kéo theo sự xoắn vặn và kéo đẩy của mạch máu lớn. Sự tác động này thường làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn. Tim có thể lệch trái, lệch phải hoặc có khi bị ép ở chính giữa. Hoạt động phát nhịp tim có thể bị nhanh lên hoặc chậm đi bất thường.

Thứ hai đó là sự tác động tiêu cực lên phổi. Lồng ngực lẽ ra cần phải “căng” và nở nang để nở ra trong mỗi thì hô hấp. Nhưng do dị tật, thể tích lồng ngực bị giảm rất lớn. Hiện tượng này làm phổi không thể giãn ra được và do đó chức năng hô hấp không đảm bảo. Thường xuyên, người bệnh bị chứng thiếu khí thở, thiếu máu, giảm nồng độ ôxy trong máu, tăng nồng độ khí carbonic trong máu. Thể lực bị suy giảm và hầu như bị giảm phát triển. Nạn nhân khó có sự phát triển thể lực vạm vỡ nếu như không được điều trị sớm.

Điều đáng ngại hơn, nếu những nạn nhân này bị các bệnh lý cấp tính khác như viêm phổi, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết thì tai biến rất dễ xảy ra và nguy cơ tử vong rất cao.

 Bệnh nhân trước và sau phẫu thuật lõm ngực.

Phẫu thuật tạo hình là ưu thế

 

Trước những biến chứng có thể xảy ra, việc điều trị là bắt buộc. Với bệnh lõm ngực bẩm sinh, phẫu thuật tạo hình là ưu thế lớn nhất. Phẫu thuật sẽ làm thay đổi chiều hướng phát triển và hạn chế sự lấn chiếm vào trong lồng ngực của khối xương biến dạng.

Trong phẫu thuật, người ta sẽ cưa đứt những xương sườn biến dạng. Sau đó, luồn một thanh kim loại cứng làm giá đỡ vào sau xương ức và xương sườn. Thanh kim loại này có tác dụng nâng khối xương lên, trả về vị trí cũ và định hướng cho khối xương phát triển ra ngoài mà không phát triển vào trong. Lồng ngực được giải phóng.

Đây là một kỹ thuật toàn diện và đạt hiệu quả tối ưu. Vì nó không làm mất đi phần xương nào của cơ thể nhưng lại bảo toàn được thể tích của lồng ngực.

Điều quan trọng là phát hiện sớm để điều trị sớm, điều trị trước dậy thì sẽ đem lại cơ hội phát triển bình thường cho các em.  

BS. Phan Hoàng Long


Ý kiến của bạn