Hà Nội

Lõm lồng ngực, khi nào cần mổ?

24-11-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Cháu 19 tuổi, cháu bị lõm ở phần ngực bên phải 3,5cm, cháu đã đi khám tại Bệnh viện TW Quân đội 108, các bác sĩ nói cháu không sao...

Cháu 19 tuổi, cháu bị lõm ở phần ngực bên phải 3,5cm, cháu đã đi khám tại Bệnh viện TW Quân đội 108, các bác sĩ nói cháu không sao, phần lõm của cháu ít và cháu là thanh niên nên xương đã cứng và sẽ không lõm nữa, nếu mổ sẽ rất đau. Cháu không biết là sau này cháu có bị lõm sâu nữa không. Với độ lõm hiện tại cháu có nên mổ không?

Lô Sơn (lo.son.906@gmail.com)

Lõm ngực nguyên nhân chủ yếu do dị tật bẩm sinh: do xương ức bị đè ép trong quá trình hình thành bào thai, do dính chặt xương ức với cơ hoành, do bệnh loạn sản sụn, do rối loạn cấu tạo bào thai hoặc có yếu tố di truyền gia đình. Ngực lõm được phân làm 3 độ: Độ 1: “Phễu” sâu không quá 2cm, độ 2: “phễu” sâu > 2cm, độ 3: “phễu” sâu > 4cm.

Về điều trị: Tập phục hồi chức năng và dùng dụng cụ chỉnh hình do các chuyên gia chỉnh hình và phục hồi chức năng khi trẻ còn nhỏ, lõm lồng ngực nhẹ. Chỉ định phẫu thuật khi bị “phễu” độ 3 hoặc độ 2 có các biến chứng như: mệt mỏi tăng, giảm chức năng hô hấp, tuần hoàn, viêm đường hô hấp. Lứa tuổi có thể phẫu thuật: Lớn hơn 3 tuổi và không nên quá 14 tuổi. Trường hợp của cháu nếu lõm 3,5cm là trung bình nếu không có các biến chứng như trên thì không cần phẫu thuật. Mặc dù hiện nay mổ lõm lồng ngực cũng rất hiệu quả trên bệnh nhân trên 18 tuổi. Tuy nhiên do khung xương đã chắc nên rất đau. Cháu đã khám tại BVTW Quân đội 108 là đúng địa chỉ về phẫu thuật tạo hình xương và lồng ngực. Những lời khuyên đó hoàn toàn đúng vì vậy cháu nên tin tưởng. Trường hợp vẫn muốn mổ thì cháu nên cân nhắc kỹ.

BS. Nguyễn Văn Thịnh

 


Ý kiến của bạn