“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...”

18-06-2016 15:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Câu thơ bất hủ trong bài Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan làm tựa cho bài viết này, mô tả việc những người con của dòng họ khoa bảng nổi tiếng “Đinh Nho” ở Gôi Mỹ (Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh)...

Câu thơ bất hủ trong bài Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan làm tựa cho bài viết này, mô tả việc những người con của dòng họ khoa bảng nổi tiếng “Đinh Nho” ở Gôi Mỹ (Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh) mới đây đã lặn lội đến vùng đất Cao Bằng, hòng tìm chút dấu vết, chí ít cũng là được tắm mình trong cái không gian cổ kính ngày xưa mà tiền nhân của họ từng sống, làm việc. Hơn 300 năm trước, vị tiền nhân ở tuổi 30 đã đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), sau thực sự trở thành một ngôi sao sáng ở cả hai lĩnh vực trị quốc an dân và thi ca trong lịch sử cận đại nước ta. Người đã có khoảng thời gian 6 năm (1704-1710) làm Đốc trấn Cao Bình tức Cao Bằng ngày nay. Đó là Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (1671-1716).

Vào dịp cuối năm ngoái, nhân chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 300 năm Ngày mất của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, Sở Văn hóa Thông tin Du lịch Hà Tĩnh và dòng họ Đinh Nho Hương Sơn đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học. Tác phẩm nổi tiếng lâu nay được biết đến của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn là Mặc Trai sứ tập, viết trên đường đi sứ nhà Thanh năm 1715. Theo đánh giá trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 6, NXB Khoa học Xã hội, năm 2000: “Thơ Đinh Nho Hoàn nhuần nhị, ngọt ngào và chứa chất những tình cảm, ý vị, đẹp đẽ, thể hiện nồng nàn lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc”. Trong hội thảo, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, cán bộ Viện Hán Nôm công bố nghiên cứu về tác phẩm mới tìm thấy của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn qua bản viết tay chữ Hán, ký hiệu AB.185: Hoán Tỉnh châu dân từ Cao Bằng thập thủ. Cao Bằng thập thủ gồm 10 bài vịnh cảnh Cao Bằng, như đánh giá của PGS.TS. Ngô Đức Thọ trong hội thảo: “...Những câu thơ đẹp như vậy phải coi là một thông điệp mỹ học vượt ngàn lớp thời gian đến với chúng ta”.

Họ Đinh Hà Tĩnh gặp mặt họ Đinh Cao Bằng. Ông tộc trưởng Đinh Nho (phía ngoài bên phải) trao đổi với ông trưởng họ Đinh Cao Bằng.

Từ “những câu thơ đẹp” nêu 10 địa danh cụ thể, mà mới đây ông tộc trưởng dòng họ Đinh Nho Hương Sơn đã khởi xướng cuộc hành hương lên vùng đất cụ Tổ từng sống, làm việc. Nhưng đến phút chót đoàn vẫn chưa hề có liên hệ nào trước với nơi sẽ đến, ngoại trừ việc trưởng ban liên lạc dòng họ ở Hà Nội là ông Đinh Nho Bảng còn lưu số điện thoại của một người tên là Đinh Danh Phương, hiện đang làm một công việc gì đó ở Cao Bằng mà ông thoáng gặp trong dịp họp họ Đinh toàn quốc ở Ninh Bình vào đầu năm 2013. Xưa, từ Kinh thành Thăng Long đến trấn Cao Bình quãng 150 dặm (trên 200km), đường mòn nhỏ hẹp, bên vực thẳm, núi cao, lại phải qua nhiều rừng rậm có thú dữ rình rập, thì ít ra là nửa tháng ngày đi đêm nghỉ cụ Tổ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn mới tới được nơi nhậm chức. Nay thời hiện đại, đoàn hành hương gồm những chút chít của cụ chỉ cần 8 tiếng đồng hồ là cán đích. Gần 22 giờ khuya, trước mặt mọi người hiện ra một vùng đất bằng phẳng, điện sáng trưng, đó là thị xã Cao Bằng mới lên thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh. Đoàn nghỉ tại khách sạn Hoa Việt, hỏi ra mới biết, dinh Đốc trấn xưa đặt chính nơi đây. Vậy là đoàn hành hương tình cờ đã chọn đúng nơi ở, làm việc của cụ Tổ, thật khớp với câu thơ Bà Huyện Thanh Quan thuở nào: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Sáng. Đã thấy một người trạc tuổi trung niên, gương mặt đôn hậu, dễ mến đến gõ cửa, tự giới thiệu tên là Đinh Danh Phương. Trước hết anh vui vẻ hỏi thăm sức khỏe từng vị khách cao niên, vất vả sau một chặng dài, rồi mời cả đoàn đi ăn sáng, đãi món phở vịt đặc sản địa phương. Lúc ra ngồi bàn uống nước, anh bấm máy gọi cho một người bảo cũng trong họ “Đinh ta”, là Đinh Ngọc Viện, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, để cùng anh lo việc tiếp đón cho chu đáo. Đến lúc ấy cả đoàn mới biết Đinh Danh Phương là một quan chức của tỉnh: Giám đốc Sở Nội vụ. Sau đó anh đưa đoàn về Sở Nội vụ. Lát sau anh Viện đến chào đoàn và hai anh nhanh chóng lĩnh hội được mục đích chuyến đi, bố trí người lái xe thông thạo địa hình để tìm lại di tích của quan Đốc ngày xưa thông qua 10 bài thơ. Trong đầu những người hành hương lên nơi địa đầu của Tổ quốc lại nảy ra cùng một suy nghĩ: Hẳn có cụ Tổ đưa đường chỉ lối chuyến đi mới thông đồng bén giọt được như vậy!

Khách sạn Hoa Việt nhìn ra cửa sông gọi là Mục Thành, nơi trên bến dưới thuyền tấp nập. Sử sách ghi rằng: Quan Đốc trấn là người liêm khiết, giỏi việc trị quốc an dân, nên các thương gia người Hoa từng đặt một tấm bia đá lớn ở Mục Thành để ca ngợi công đức của ngài. Vật đổi sao dời, nay tấm bia đó không còn, may thay trong kho lưu trữ của Viện Hán Nôm còn một bản dập. Bia viết rằng, con sông dữ dằn lắm, giữa dòng có tre mọc, đá dô, thuyền bè về mùa lũ đến chỗ ấy tránh không kịp, thường bị va quyệt và đắm, của cải mất hết, có khi còn chết người. Cụ Đốc trấn Đinh Nho Hoàn khi vừa về nhậm chức đã xem ngay nơi thủy hiểm, mùa cạn cho thợ bơi ra đục bằng những tảng đá nổi, phát dọn gốc tre, nên thuyền qua lại không còn bị tai nạn nữa. Cụ còn có lệnh giảm thuế, giảm sự kiểm soát phiền hà khách thương ra vào bến thuận lợi, nhanh chóng...

Giờ bắc qua sông Bằng là cây cầu bê tông cốt thép vững chãi. Đoàn dừng lại trên cầu, mọi người phóng tầm mắt về nơi cửa sông, ghềnh đá, hội quán ngày trước; xa hơn gặp dãy Hoàng Sơn xanh mờ uốn lượn như dải lụa, thật đúng với miêu tả của cụ Hoàng giáp trong bài số 2 Ngắm Hoàng Sơn lúc trời tạnh mưa: Da trời rửa sạch bằng tờ/Chất ngất Hoàng Sơn vẻ vẻ ưa... Bỗng nghe tiếng họa mi lảnh lót bên sông, trưởng ban liên lạc họ Đinh Hà Nội là ông Đinh Nho Bảng như bị tiếng chim ấy hút hồn, vội chạy sang bên kia cầu. Ít phút sau ông trở lại, rạng rỡ với chiếc lồng con trong tay, có chú họa mi ngàn phố đang hót, rất giống câu thơ của cụ Tổ: Khe kiều chim gióng, tiều về sớm/Động khẩu hoa ngâm khách ở trưa/Dửng dửng miếu thần hương chửa lạnh/Khí thiêng nghi ngút lại hơn xưa.

Phố Bằng Giang cách cầu không xa, người qua lại nhộn nhịp, trong lòng ông giáo sư luyện kim Đinh Phạm Thái, một thành viên trong đoàn, bỗng bừng dậy bao kỷ niệm. Chính nơi đây vào năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước (Lúc đó ông chưa hề biết đến Cao Bằng thập thủ), ông đã nhiều lần nghỉ lại, tắm mát trên quãng sông này, chờ mua vé ôtô lên công tác ở mỏ thiếc Tĩnh Túc. Và cũng chính từ đây hình thành một ý tưởng tinh luyện thiếc mới, để rồi sau đó vài năm ông đã hoàn thành luận văn tiến sĩ và được cấp bằng độc quyền sáng chế cá nhân về luyện thiếc đầu tiên ở nước ta.

Xe bon bon theo đường lên hang Pắc Bó lịch sử, nhưng chỉ đi cách trung tâm thành phố chừng 5km thì dừng trước đền Khâu Sầm (thuộc bản Ngần, xã Vinh Quang, huyện Hòa An). Đây là đền thờ danh nhân Nùng Trí Cao, thời vua Lý Thái Tông, được phong Thượng đẳng thần vì có công đánh đuổi giặc Tống. Bài số 3: Mây chiều ở Khâu Sầm, là một bài tả “mây chiều” mượn cảnh vật để nói về nỗi lòng thương nhớ quê hương của tác giả: Lớp lớp mây hôm quyến nhạn về/Non Sầm hàng trướng rủ so le... Trông nhà chửa thuở ngưng con mắt/Lại véo von đâu địch nhạn kia. Qua bài thơ này, ta có thể hình dung bóng cụ Tổ lặng lẽ đứng trước ngôi đền cổ kính, mắt đăm đắm nhìn về quê nhà phương trời Nam.

Cách đền thờ Nùng Trí Cao không xa, đến xã Hưng Đạo, cũng thuộc huyện Hòa An có chùa Đống Lân, được xây từ thời Lê Mạc, đã bị phá trụi, xây lại vào đời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, giữa thế kỷ XIX. Những lần trùng tu sau này, tất cả những chữ viết như tên chùa, câu đối đều bằng quốc ngữ, đây cũng là một cách thể hiện lòng tự tôn dân tộc của con cháu. Khi vừa bước chân vào cửa Phật đã gặp ngay một sư nữ đang cầm chổi quét lá bồ đề, nàng có vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, đôi mắt nhung thì thăm thẳm buồn. Hỏi, biết tên tục của nàng là Nguyễn Thị Minh Hân, mới xuống tóc, song không ai “khai thác” được thêm, cơn cớ gì mà  ni cô xinh đẹp này lại theo sư nữ trụ trì Thích Diệu Không bỏ việc đời về ở hẳn đây?  Trong chùa có một chuông đồng đúc nổi dòng chữ Nôm “Quốc thái dân an”, do quai treo bị gãy mà từ nhiều năm nay chuông cổ đặt ngay trên nền đất, còn một chuông đồng đúc mới được treo lên để thỉnh hàng ngày. Cụ Hoàng giáp có bài Tiếng chuông đêm ở Đống Lân (Bài 5), một bài thuộc loại hay nhất trong số “thập thủ”. Vậy là, quả chuông hơn 300 tuổi hôm nay vẫn còn hiện diện trước mắt chút chít của cụ. Ai cũng bồi hồi xúc động, đêm ấy, tiếng quả chuông này vang vọng đến tai quan Đốc trấn và cảm hứng thi sĩ đã tuôn ra ngòi bút lông của ngài: Trăng kia quán khói nọ kìa làng/Văng vẳng chuông đâu chốn lửa hương... Đèn ngày vì nước khêu chong mộng/Gối khách lo nhà thức vội vàng/Lòng vọng nghe thôi mới biết/Từ bi nọ khéo mênh mang...

Điểm đến cuối trong ngày của đoàn là thành Na Lữ (Bài 1, Na Lữ cổ thành), cách trung tâm thành phố chừng 15km, thuộc làng Đền, xã Hoàng Tuy (Hòa An). Đây còn gọi là Đền Vua Lê, đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, lễ hội vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm. Thành Na Lữ  được xây từ thế kỷ XI. Từ thế kỷ XIV để chống giặc Minh thường xâm phạm bờ cõi, tù trưởng người Tày là Bế Khắc Thiệu cùng ông Nông Đắc Thái dấy binh khởi nghĩa đóng đô ở đây. Năm 1431, Lê Lợi thân chinh đưa quân chinh phạt và cho tu sửa thành, sau đó dân lập “Sinh từ” thờ vua Lê Thái Tổ. Năm 1592, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng chiếm thành Na Lữ và xây cung điện, trải 3 đời vua. Đến năm Vĩnh Trị thứ hai (1677), nhà Mạc bị nhà Lê đánh bại, phải chạy dạt sang Trung Quốc. Cụ Đinh Văn Tả là một tướng giỏi nhà Lê, được ghi danh trong sử sách. Còn có thông tin chưa được kiểm chứng, cụ quê gốc Hưng Nguyên, Nghệ An, cùng huyết thống với cụ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (?). Khi mọi người trong đoàn vừa bước chân đến cửa thành, thấy một mương nước trong veo, có một người đang giặt áo, chợt nhớ đến câu thơ của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn trong bài Qua huyện Kỳ Dương đề Ngô Khê, tập Mặc Trai sứ tập: Nhà sư giặt áo vượt cầu Hương. “Nhà sư” hôm nay là một cựu chiến binh trông coi cổ thành, cũng bỏ dở việc giặt giũ, vượt cầu về vận quần áo chỉnh tề ra đón đoàn. Trong lúc trò chuyện ông đoan quyết rằng, Cao Bằng chỉ có một dòng họ Đinh, đều là con cháu của cụ Đinh Văn Tả cả.

Trong 10 bài vịnh, thì Na Lữ cổ thành có cách viết riêng, không tả cảnh, hoàn toàn luận thế sự: Bốn vách thành xưa dựng cội ngàn/Nền hương khói thuở gian quan/Ngàn hàng cây hống bầy con mác/Năm đóa mây che rợp bóng tàn/Đất cũ nhà vua vàng đá vững/Xương khô họ Mạc cát lầm tan...

Cuộc chia tay với hậu duệ của cụ Đinh Văn Tả thật vui vẻ, đậm đà tình huynh đệ. Họ sôi nổi hẹn ngày gặp lại. Niềm tự hào của dòng họ Đinh còn ở chỗ, sắp tới tỉnh Hà Tĩnh sẽ quyết định đặt tên danh nhân Đinh Nho Hoàn cho một con đường ở thành phố quê hương. Còn chính quyền địa phương tỉnh Cao Bằng cũng đã ghi nhận kiến nghị, rồi đây một đường phố được mang tên vị Đốc trấn liêm khiết, tài giỏi từng sống, làm việc hơn 3 thế kỷ trước trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.


Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn