Statin thuộc một trong bốn nhóm thuốc điều trị rối loạn mỡ máu có tác dụng hạ mỡ máu (cholesterol). Nhóm thuốc này được dùng phổ biến hiện nay, tuy vậy, thuốc có một số tác dụng không mong muốn cần lưu ý.
Rối loạn mỡ máu là gì?
Rối loạn mỡ máu hay còn gọi là rối loạn lipid máu hoặc tăng cholesterol là bệnh khá phổ biến tại Việt Nam và có xu hướng ngày càng tăng. Rối loạn mỡ máu là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành.
Mỡ máu có dưới hai dạng chính là cholesterol và triglycerid. Rối loạn mỡ máu là bệnh lý có tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ có lợi bảo vệ cho cơ thể.
Căn nguyên của bệnh rất rõ ràng, đó là do lượng mỡ trong máu quá nhiều. Nguy cơ rối loạn mỡ máu chủ yếu đến từ việc ăn quá nhiều chất béo như thịt mỡ, bơ, dầu từ các thức ăn chiên rán, đồ ăn nhanh và đồ ngọt. Những người béo phì, uống nhiều rượu bia và ít vận động cũng có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu cao. Ngoài ra, bệnh cũng có thể là do bị ảnh hưởng từ di truyền, ví dụ như rối loạn lipid máu hỗn hợp... Bệnh cũng có thể đến do các hội chứng liên quan, ví dụ như suy giáp, đái tháo đường, bệnh gan hay thận hư...
Rối loạn mỡ máu gây hẹp lòng mạch.
Ưu điểm của statin
Tất cả các statin (atorvastatin, simvastatin, rosuvastatin...) đều có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu rất hiệu quả, đặc biệt là cholesterol tỷ trọng thấp (LDL- C) là loại cholesterol xấu, có khả năng làm xơ vữa động mạch. Các statin ức chế sinh tổng hợp cholesterol, làm giảm cholesterol trong tế bào gan, qua đó làm tăng vận chuyển LDL từ máu, kết quả cuối cùng của các quá trình hóa sinh này là giảm nồng độ cholesterol trong huyết tương.
Ngoài hiệu quả làm giảm cholesterol, một số tác giả cho rằng các statin có tác dụng cải thiện rối loạn chức năng nội mạc, tăng độ khả dụng sinh học của nitric oxid (NO), chống ôxy hóa, ức chế các đáp ứng viêm và ổn định mảng xơ vữa động mạch (tác dụng đa hướng), cho nên các statin cũng có vai trò trong dự phòng tiên phát bệnh mạch vành ở người tăng cholesterol máu.
Tác dụng bất lợi của statin
Khi dùng các statin người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau bụng và buồn nôn. Các tác dụng phụ này gặp ở 5% bệnh nhân dùng thuốc, trong đó 4 - 9% bệnh nhân bị đau đầu, 3 - 5% bệnh nhân thấy chóng mặt, có 1 - 2% bệnh nhân bị nhìn mờ, 1-2% bị mất ngủ suy nhược. Một số người thấy đau cơ, đau khớp. Có 2% bệnh nhân kết quả chức năng gan tăng hơn 3 lần bình thường, nhưng không có triệu chứng và bệnh nhân sẽ hồi phục chức năng gan khi ngừng thuốc.
Ngoài việc gây ra các tác dụng không mong muốn trên nhóm statin còn có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng với liều cao. Mới đây, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã đề nghị đưa các thuốc statin vào diện cần kiểm soát, bởi vì, khi dùng liều cao atorvastatin, simvastatin với các chất ức chế đồng phân P450 như kháng sinh nhóm macrolid (clarythromycin, erythromycin) hoặc nhóm ức chế protease kháng HIV (lopinavir, ritonavir, saquinavir) hoặc loại thuốc kháng nấm phổ rộng itraconazol có thể gây đau cơ, tiêu cơ vân. Ngoài ra, cảnh báo về các tác dụng phụ nguy hiểm cho người dùng thuốc thuộc nhóm statin là có khả năng thuốc làm gia tăng lượng đường trong máu, tăng HbA1c (Hemoglobin- Hb là một trong những thành phần cấu tạo nên tế bào hồng cầu của máu, có vai trò vận chuyển ôxy trong máu. Bình thường luôn luôn có sự gắn kết của đường trong máu với Hb của hồng cầu. HbA1c chiếm đa phần ở người lớn, nó đại diện cho tình trạng gắn kết của đường trên Hb hồng cầu) gây bệnh đái tháo đường týp 2 (tỷ lệ khoảng 9-13%).
Người sử dụng thuốc statin cần lưu ý
Trước khi dùng thuốc nên kiểm tra men gan và mỡ máu lúc đói (buổi sáng chưa ăn uống gì), nếu có tăng men gan hoặc đường máu cần báo cho bác sĩ biết lúc đi khám bệnh. Nếu bình thường, trong đợt điều trị statin, cần kiểm tra lại, nếu thấy men gan, đường máu tăng, trước tiên phải ngừng dùng thuốc, sau đó báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có cách khắc phục. Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn chuẩn, ít cholesterol trước khi uống thuốc và phải tiếp tục duy trì chế độ ăn này trong suốt thời gian điều trị. Vì tổng hợp cholesterol ở gan xảy ra chủ yếu vào ban đêm nên dùng thuốc vào buổi tối sẽ làm tăng hiệu lực của thuốc.
Để dùng thuốc có hiệu quả người bệnh cần ăn kiêng mỡ, lòng, phủ tạng động vật. Không nên ăn các loại thịt đỏ (trâu, bò, chó...) và tôm vì chúng chứa nhiều cholesterol. Cần vận động cơ thể bằng mọi hình thức tùy theo sức khỏe, điều kiện và tuổi tác của mỗi người.