Các kỹ thuật hút mỡ
Theo GS.TS. Nguyễn Tài Sơn - nguyên Chủ nhiệm khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, có nhiều phương pháp hút mỡ để lấy mỡ thừa cục bộ, phổ biến nhất là:
Kỹ thuật hút mỡ thông thường: Khi áp dụng kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm một hỗn hợp thuốc tê và hóa chất vào bộ phận cơ thể cần loại bỏ mỡ thừa. Hỗn hợp này sẽ khiến vùng cơ thể đó mất cảm giác, sưng và chắc lại. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa một ống thông rất mảnh vào vị trí cần hút mỡ rồi sử dụng máy hút gắn ở đầu bên kia để hút mỡ thừa ra.
Phương pháp này trước đây được xem là "tiêu chuẩn vàng" trong phẫu thuật hút mỡ. Nhưng nó có hạn chế là khó hút toàn bộ lượng mỡ thừa ở khu vực cần thực hiện ra ngoài, có thể gây tổn thương nhiều tại vùng hút mỡ của bệnh nhân.
Kỹ thuật hút mỡ bằng máy trợ lực: Với phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng ống thông được quay ở tần số cao nhằm phá vỡ các mô mỡ. Sau đó sử dụng máy hút và hút các mô mỡ đã được phá vỡ ra ngoài qua ống thông. Kỹ thuật này được sử dụng ở những bộ phận có các mô mỡ dày đặc, rất khó để hút ra ngoài như bụng và lưng.
Phương pháp này ít gây ra tổn thương cho bệnh nhân do phá vỡ mô mỡ bằng máy trợ lực đồng thời làm tăng hiệu quả hút mỡ ra khỏi vùng cần thực hiện mà không cần đưa ống thông vào nhiều lần.
Kỹ thuật hút mỡ bằng sóng siêu âm: Trong kỹ thật này, bác sĩ phẫu thuật sử dụng sóng siêu âm để phá vỡ và nới lỏng mô mỡ ra khỏi các mô cơ thể. Nhờ đó nâng cao hiệu quả loại bỏ mỡ thừa. Kỹ thuật này có 2 nhánh là hút mỡ bằng sóng siêu âm bên trong và hút mỡ bằng sóng siêu âm bên ngoài.
Hút mỡ bằng sóng siêu âm bên trong sử dụng năng lượng siêu âm trực tiếp trên mô mỡ dưới da qua ống thông hoặc sử dụng ống kim loại được đưa vào qua vết rạch trên da. Hút mỡ bằng sóng siêu âm bên ngoài hướng năng lượng siêu âm vào vùng da ở khu vực cần thực hiện mà không cần phải đưa vào bên trong.
Trong những năm gần đây, kỹ thuật này được sử dụng dưới dự giám sát do năng lượng siêu âm đôi khi được phát hiện gây ra tổn thương cho những mô xung quanh. Các tổn thương này dẫn đến việc hình thành điểm tụ dịch là những khoảng trống chứa dịch dưới da, có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí có trường hợp vài tháng sau hút mỡ.
Kỹ thuật hút mỡ bằng tia laser: Đây là một phương pháp hút mỡ sử dụng năng lượng của tia laser để tạo sức nóng trên mô mỡ ở khu vực cần thực hiện và làm tan mỡ. Năng lượng tia laser được điều khiển qua một cáp quang sợi mảnh được đưa vào dưới da và chùm tia laser sẽ được chiếu qua đó.
Tùy lựa chọn của bác sĩ phẫu thuật, có thể để lại mô mỡ bị tổn thương hoặc hóa lỏng trong cơ thể để cơ thể đào thải một cách tự nhiên hoặc đưa ống thông vào để hút phần mỡ tan chảy hoặc bị tổn thương ra ngoài sau khi chúng đã được xử lý bởi năng lượng tia laser.
Kỹ thuật này phù hợp để loại bỏ mỡ thừa ở những bộ phận như bụng, đầu gối, đùi, cánh tay, ngực, mặt và lưng.
Những biến chứng có thể xảy ra
Theo GS.TS. Nguyễn Tài Sơn, nhìn chung, hút mỡ là một phẫu thuật an toàn, nhất là hiện nay đã có những máy dùng áp lực của tia nước giúp đánh mỡ và bảo tồn được các mạch máu, ít gây tổn thương. Hoặc có đầu hút bằng sóng siêu âm đánh tan mỡ trước khi hút… là những biện pháp an toàn hơn, đảm bảo việc hút mỡ nhiều mà không ảnh hưởng đến lượng máu bị mất.
Tuy nhiên, vẫn còn đó tai biến nguy hiểm. Đó là khi phẫu thuật viên có kỹ thuật hút mỡ không tốt, không nhận định được khi hút mỡ có thể làm tổn thương mạch máu, nhất là đối với những người quá béo. Trong quá trình hút mỡ, một số tế bào mỡ rất nhỏ có thể chui vào mạch máu, chạy khắp cơ thể gây thuyên tắc động mạch phổi. Thuyên tắc động mạch phổi là trường hợp tối cấp cứu vì có thể dẫn đến tử vong rất nhanh. Tai biến này rất hiếm, nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu việc hút mỡ được thực hiện ở các bệnh viện lớn, nếu không may xảy ra tai biến này sẽ được cấp cứu kịp thời. Còn nếu thực hiện ở những cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện cấp cứu thì có thể gây ra hậu quả khó lường.
Tổn thương tại vị trí hút mỡ: Khi loại bỏ một lượng lớn mô mỡ trong một thời gian ngắn, có thể làm ảnh hưởng đến cân bằng nội môi và chức năng sinh lý của cơ thể. Hút mỡ ở những vị trí nhạy cảm như bụng, ngực, đùi... có thể gây tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tình trạng tê bì, ngứa ran hoặc mất cảm giác tại vị trí hút mỡ, làm tổn thương mạch máu dẫn đến chảy máu, tụ máu. Ảnh hưởng đến cấu trúc sợi collagen khiến da sần sùi, chảy xệ...
Sốc phản vệ: Trong quá trình phẫu thuật hút mỡ kéo dài có thể phải sử dụng thuốc gây mê dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, như dị ứng thuốc, sốc phản vệ. Tình huống này nếu không được cấp cứu đúng và kịp thời có thể dẫn đến tử vong...