Hà Nội

Lỗi thường gặp khi sử dụng thuốc chữa bệnh

12-09-2019 11:10 | Dược
google news

SKĐS - Chủ đề sử dụng thuốc chữa bệnh không mới nhưng sự cố liên quan vô cùng đa dạng, không nơi nào giống nơi nào. Thậm chí, những sai lầm rất nhỏ nhưng hệ lụy vô cùng, theo đúng nghĩa “tiền mất tật mang”.

Sai lầm dùng thuốc trên thế giới

Theo Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), hàng năm tại Mỹ có tới trên 700.000 ca cấp cứu liên quan đến sai lầm khi dùng thuốc chữa bệnh. Những lỗi phổ biến cập nhật trên trang Rd.com cho thấy, nó thường rơi vào nhóm OTC (Over-the-counter), từ thuốc không cần kê đơn, có bán sẵn trên thị trường. Nhiều người cứ vô tư sử dụng, không đọc kỹ hướng dẫn, dùng quá liều, nhất là loại thuốc giảm đau, giảm sốt, nhuận tràng, kháng acid hoặc những loại thuốc gây phản ứng với các loại thuốc khác.

Hiện tượng phổ biến tiếp theo là nhầm thuốc do quá giống nhau, chuyên môn gọi là nhóm thuốc LASA (look-alike sound-alike), được đóng gói trong bao bì trực tiếp hoặc bao bì gián tiếp tương tự nhau về hình dạng, màu sắc, kích thước và thiết kế trên bao bì. Do đọc và viết gần giống nhau nên trong quá trình lưu thông, bảo quản, sử dụng dễ bị nhầm lẫn nên dẫn đến hệ lụy bất an cho người sử dụng.

Theo Tồ chức Y tế Thế giới (WHO) Trung Quốc có đến gần 1/4 số ca uống nhầm thuốc là do thuốc LASA gây ra, nhất là khi tên gọi viết bằng chữ Latin, tiếng Anh...

Sai lầm tiếp theo là thói quen uống thuốc thất thường, nhất là ở nhóm người mắc bệnh mạn tính cần điều trị dài ngày, định kỳ như bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh trầm cảm..., đôi khi chỉ dùng nửa thuốc hoặc khi thấy bệnh đỡ là bỏ. Theo nghiên cứu, những loại bệnh thần kinh nếu bỏ thuốc có thể gây biến chứng, khiến bệnh trầm trọng thêm như bệnh động kinh hay trầm cảm chẳng hạn.

Lỗi thường gặp khi sử dụng thuốc chữa bệnhNhững người bị suy tim sung huyết (CHF) cần thận trọng khi dùng các loại thuốc chữa bệnh

Thói quen dùng thuốc cũ chữa bệnh mới, lỗi này thường gặp ở những người dùng thuốc kháng sinh, dùng thuốc cũ hết hạn hoặc không đúng chủng loại, khi bệnh đỡ là bỏ thuốc hoặc giảm liều. Hậu quả, gia tăng khuẩn kháng thuốc và làm cho lần điều trị tiếp theo khó khăn thêm.

Ngoài các lỗi trên, nhiều người còn ngại đi khám bác sĩ, tự khám bệnh và tự mua thuốc về dùng. Nhẹ bệnh ngứa ngáy và nặng bệnh tim mạch, cao huyết áp… Ngoài ra còn có sai lầm rất đơn giản khác như sử dụng thuốc theo lời đồn đại, quảng cáo, dùng thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh. Thực phẩm chức năng chỉ mang ý nghĩa bổ sung, hỗ trợ cho chế độ ăn uống hàng ngày, bản chất vẫn là thực phẩm, không thể thay cho thuốc chữa bệnh được.

Nước uống thuốc tốt nhất là nuớc sạch, nước đun sôi để nguội hay nước lọc

Thận trọng khi dùng thuốc liên quan đến bệnh tim, cao huyết áp và tâm thần

Theo CDC, một số sai lầm thường gặp khi dùng nhóm thuốc an thần. Những người dùng benzodiazepin (valium, xanax, halcion) để dễ ngủ lại có rủi ro mắc chứng ợ chua hay còn gọi là bệnh trào ngược acid dạ dày cao trên 50%, nhất là vào ban đêm so với những người không dùng nhóm thuốc này.

Ngoài ra, khoa học còn  phát hiện thấy các loại thuốc an thần, uống theo đơn cũng làm cho thực quản phía dưới bị nới lỏng, gây hiện tượng acid dạ dày trào ngược, tăng bệnh ợ chua. Hay uống thuốc chống tiêu chảy khi bị sốt, đây là điều cấm kỵ. Theo khuyến cáo, không được tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy tại nhà nếu bị sốt, hoặc trong phân có máu, dịch nhầy, bởi đây là dấu hiệu bệnh nhiễm trùng, nhất thiết phải đi khám và tư vấn bác sĩ.

Aspirin là dược phẩm “dao hai lưỡi”, nên cần thận trọng về tác dụng phụ như gây chảy máu kể cả liều thấp, gây co thắt phế quản, độc hại với gan, suy giảm chức năng thận... Riêng với trẻ em dùng aspirin sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong cao). Vì vậy có nhiều quốc gia đã khuyến cáo không dùng thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi. Ngoài ra, aspirin chỉ có tác dụng cho nhóm người có rủi ro mắc bệnh tim mạch, đột quị cao mà không bị bệnh về dạ dày, chỉ dùng cho đàn ông còn phụ nữ  ít tác dụng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết, tuyệt đối không được dùng aspirin. Lý do trong sốt xuất huyết có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết kéo dài, không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Hậu quả, làm cho bệnh SXH trầm trọng thêm, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng không được dùng aspirin vào 3 tháng cuối thai kỳ vì nguy cơ băng huyết khi sinh. Vì lý do nói trên khi dùng aspirin nhất thiết phải có đơn của bác sĩ và được theo dõi chặt chẽ trong quá trình dùng thuốc.

Để hạn chế tác hại do aspirin  gây ra cho dạ dày, khi uống nên dùng dạng viên bao tan ở ruột hoặc viên phóng thích kéo dài, chỉ uống sau ăn và tăng cường nước. Không nên nghiền nát hoặc bẻ nhỏ thuốc khi uống. Nếu thấy các tác dụng phụ như chảy máu, lên cơn hen, dị ứng... ngừng thuốc ngay và báo cho bác sĩ để xử trí kịp thời.

Một số chất kích thích và thuốc chống trầm cảm có thể làm cho sức khỏe tồi tệ hơn. Những người mắc bệnh suy tim sung huyết (CHF) cần thận trọng khi dùng các loại thuốc, kể cả OTC lẫn thuốc kê đơn. Suy tim, có thể hiểu đơn giản, trong đó tim không thể cung cấp đủ máu cho não, gan, thận và các cơ quan khác, có thể từ nhẹ đến nặng.

Một số loại thuốc, kể cả dùng cho bệnh tim và các bệnh khác, có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn, vì vậy, dứt khoát  phải có sự chấp thuận của bác sĩ, như nhóm thuốc dưới đây.

Thuốc pháng viêm không steroid (NSAID): Gồm aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve, Naprosyn), được dùng để giảm đau và viêm. Ngay cả sử dụng ngắn hạn cũng có thể làm tăng huyết áp và can thiệp vào các loại thuốc hạ huyết áp. Nhiều loại thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn có chứa NSAID.

Cảnh báo tương tự cũng xảy ra đối với các thuốc ức chế COX-2, như celecoxib (Celebrex). Nhóm thuốc Thiazolidinediones (dùng để điềutrị bệnh đái tháo đường týp 2), như  rosiglitazone và pioglitazone, có thể dẫn đến mức độ lưu giữ chất lỏng nguy hiểm ở bệnh nhân suy tim từ trung bình đến nặng.

Liệu pháp thay thế hormone và tránh thai đường uống, cả hai loại thuốc này đều có thể làm tăng huyết áp. Nếu đang mang thai, dùng thuốc có thể dẫn đến tăng huyết áp.

Nhóm thuốc kích thích như thuốc hướng tâm thần được sử dụng để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thuộc nhóm thuốc kích thích, bao gồm Adderall (một loại thuốc kích thích) và methylphenidate (Ritalin, Concerta). Nhóm thuốc này thường làm tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Nhiều loại thuốc giảm cân cũng được xem là chất kích thích.

Thuốc hóa trị như Anthracyclines, bao gồm cả doxorubicin (Adriamycin) là một trong những loại thuốc hóa trị hiệu quả nhất, nhưng chúng có thể làm hỏng cơ tim. Nếu phải dùng lâu dài nên dùng liều lượng thấp hơn để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Điều trị trầm cảm cũng rất quan trọng ở nhóm người mắc bệnh tim. Nếu bị suy tim, cần phải có kế hoạch điều trị, dùng thuốc cẩn thận dưới sự giám sát của chuyên môn.

Không nên uống canxi lúc đói, bởi canxi là một trong những khoáng chất cơ thể cần để phát triển xương, nó tạo ra một loại muối có tên là carbonate. Dạ dày cần nhiều HCl để bẻ gãy carbonat canxi. Nên uống vào lúc no để giúp dạ dày sản xuất nhiều acid nói trên mới hấp thụ được canxi.

Lỗi thường gặp khi dùng thuốc của người Việt

Một trong những sai lầm phổ biến của người Việt là ngại đi khám bệnh, tự khám bệnh tự mua thuốc về dùng. Nhiều người, cứ có bệnh là tự ra hiệu thuốc mua về dùng, đỡ là bỏ liền hoặc uống không hết liều. Việc làm này có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc vô ý thức, gây nhờn thuốc, như thuốc kháng sinh chẳng hạn.

Lỗi tiếp theo là dùng đơn thuốc cũ chữa bệnh mới. Một toa thuốc bác sĩ kê sau khi khám chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm nhất định. Dùng lại toa thuốc cũ vì nghĩ rằng bệnh cũ tái phát nhưng thực tế, thuốc không phát huy tác dụng, thậm chí còn gây nguy hiểm lâu dài cho sức khỏe.

Sai lầm thứ ba là cắt giảm, dồn liều hay “truy lĩnh”. Đây là sai lầm xuất phát từ tâm lý cho rằng uống thuốc hại nhiều hơn lợi. Ví dụ, đáng ra dùng 3 - 4 lần trong ngày, thì chỉ dùng 1 lần hoặc 2 lần /ngày. Khi quên liều, lần sau lại tăng lên gấp đôi... Sai lầm thường gặp khác là cho trẻ em dùng thuốc người lớn mà không quan tâm đến mục “chống chỉ định” của thuốc.

Cũng có trường hợp bi hài khi dùng thuốc đã được báo chí nhắc đến, như trường hợp một thanh niên ở Tiên Lữ, Hưng Yên, người này đã uống luôn cả vỉ chứa thuốc, gây thủng thực quản, tràn dịch màng phổi gây khó thở, vùng cổ phù nề có dịch tiêu hóa, chức năng phổi phải bị ảnh hưởng…Theo người nhà bệnh nhân, do bị sưng răng nên khi đang xem ti vi, nhớ đến uống thuốc, trời tối nhá nhem nên uống thuốc còn nguyên trong vỉ cứng.

Rất nhiều người không chỉ ngại khám bệnh, mà còn ngại cả tiếp xúc hay hỏi bác sĩ những điều cần thiết liên quan đến bệnh tật và dùng thuốc của bản thân. Lỗi phổ biến nhất là không biết uống thuốc vào đúng thời điểm nào. Uống thuốc trước khi ăn hay uống khi đói, uống bao nhiều lần mỗi ngày hay khoảng cách giữa  các lần là bao lâu... Nếu không rõ, trước khi rời phòng mạch cần hỏi lại bác sĩ một lần nữa, hoặc ghi lại cụ thể cho chắc chắn.

Tuy không phải là sai lầm cuối song nhiều người Việt chúng ta lại dùng các loại nước bất lợi để uống thuốc, như uống thuốc với rượu bia hay trộn thuốc với rượu hoặc đồ uống có cồn, nước trái cây, nước trà, cà phê, sữa, nước ngọt có ga....

Thuốc giảm đau theo toa và thuốc chống lão hóa như Valium và Xanax có thể phát sinh tác dụng phụ khi trộn với rượu, rất nguy hiểm cho nhóm lái xe hay các công việc liên quan đến tính mạng con người. Một số thuốc khác không nên trộn với rượu như acetaminophen vì gây hại cho gan hay metronidazole và sulfa, có thể gây buồn nôn, đau đầu và gây đau dạ dày.

Các loại nước uống thuốc tốt nhất là nước sạch, nước đun sôi để nguội hay nước lọc. Có thể dùng nước đóng chai uống thuốc, nhưng  phải là nước tinh khiết chứ không phải nước khoáng (nước suối), vì các chất khoáng như canxi, natri… có thể gây phản ứng với một số thành phần có trong một số loại thuốc.


DS. TRANG NHUNG
Ý kiến của bạn